Công văn về việc áp dụng điểm c mục 3 Nghị quyết số 32 của Quốc hội "về việc thi hành BLHS"
Số hiệu | 34/2000/KHXX |
Ngày ban hành | 20/03/2000 |
Ngày có hiệu lực | 20/03/2000 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân tối cao |
Người ký | Trịnh Hồng Dương |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
TOÀ
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2000/KHXX |
Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2000 |
Kính gửi: Toà án nhân dân tỉnh Hà Nam
Sau khi nghiên cứu Công văn số 14/CV-TA ngày 18-2-2000 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Nam, Toà án nhân dân Tối cao có ý kiến như sau:
1. Điểm c Mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội "về việc thi hành Bộ luật hình sự" (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 32) quy định: "không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự trước đây quy định là phạm tội, nhưng Bộ luật hình sự này không quy định là tội phạm; nếu vụ án đang được kiểm tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ...".
Trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn những hành vi cụ thể nào mà Bộ luật hình sự trước đây quy định là tội phạm, nhưng Bộ luật hình sự này không quy định là tội phạm, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã họp, thảo luận và quyết định cần hiểu thống nhất hành vi mà Bộ luật hình sự trước đây quy định là tội phạm, nhưng Bộ luật hình sự này không quy định là tội phạm, đó là:
- Hành vi mà Bộ luật hình sự năm 1985 quy định thành một tội danh cụ thể trong một điều luật cụ thể, nay Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định là tội phạm nữa và đã bỏ tội danh này; Ví dụ: hành vi vắng mặt trái phép được quy định tại Điều 261 Bộ luật hình sự năm 1985 về tội "Vắng mặt trái phép", nay hành vi này không bị coi là tội phạm nữa nên trong Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định tội danh này.
- Hành vi mà theo Bộ luật hình sự năm 1985 là hành vi nguy hiểm cho xã hội và được quy định là tội phạm trong Bộ luật hình sự này, nay hành vi này vẫn được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi đó, thì cần phải có một hoặc một số dấu hiệu cấu thành bắt buộc, song thực tế thì không có một hoặc một số dấu hiệu cấu thành bắt buộc đó; ví dụ: hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới năm trăm nghìn đồng theo Bộ luật hình sự năm 1985 có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 132 hoặc theo Điều 155, nay theo Bộ luật hình sự năm 1999 thì chỉ coi là tội phạm, nếu thuộc một trong các trường hợp: gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Đối chiếu với trường hợp quý Toà nêu trong Công văn số 14/CV-TA ngày 18-2-2000, thì theo quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1985, người nào có hành vi đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đánh bạc". Nay theo quy định tại Điều 248 Bộ luật hình sự năm 1999, thì người có hành vi đánh bạc đó phải thuộc một trong các trường hợp sau đây mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 248 Bộ luật hình sự năm 1999:
- Tiền hay hiện vật có giá trị lớn;
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật hình sự năm 1999;
- Đã bị kết án về một trong các tội "Đánh bạc", "Tổ chức đánh bạc" hoặc "Gá bạc", nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Vì vậy, nếu hành vi đánh bạc xảy ra tại thời điểm hiện nay không thuộc một trong ba trường hợp nêu trên thì theo Bộ luật hình sự năm 1999 không coi là tội phạm nữa mà được áp dụng điểm c Mục 3 Nghị quyết số 32 để đình chỉ vụ án.
2. Việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp này được quy định tại Mục 3 Nghị quyết số 229/2000/NQ-UBTVQH10 ngày 28-1-2000 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện Mục 3 Nghị quyết của Quốc hội "về việc thi hành Bộ luật hình sự" (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 229); cụ thể là: "tuỳ từng giai đoạn tố tụng mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải áp dụng điểm c hoặc điểm d Mục 3 Nghị quyết số 32 và các điều tương ứng của Bộ luật hình sự để quyết định đình chỉ điều tra vụ án hoặc đình chỉ vụ án...". Như vậy, trong trường hợp Toà án đã thụ lý vụ án, thì tuỳ theo từng trường hợp mà việc đình chỉ vụ án có thể được thực hiện như sau:
a- Nếu Viện kiểm sát có Công văn xin được rút lại hồ sơ để xem xét trách nhiệm hình sự của bị can, thì Toà án ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát áp dụng điểm c Mục 3 Nghị quyết số 32, Mục 3 Nghị quyết số 229 và Điều 143b Bộ luật tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án.
b- Nếu viện kiểm sát có Công văn (hoặc quyết định) rút quyết định truy tố và yêu cầu Toà án đình chỉ vụ án, thì Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà xét xử vụ án đó áp dụng điểm c Mục 3 Nghị quyết số 32, Mục 3 Nghị quyết số 229 và Điều 156 Bộ luật hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án.
c- Nếu viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố, thì Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà áp dụng điểm c Mục 3 Nghị quyết số 32, Mục 3 Nghị quyết số 229 và điểm 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án.
Cần chú ý rằng trong các trường hợp trên là chỉ đình chỉ vụ án về mặt hình sự đối với người thực hiện hành vi đó, còn có các vấn đề khác như bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng... (kể cả xử lý hành chính đối với người thực hiện hành vi đó) thì vẫn được giải quyết theo thủ tục chung.
3. Về tình tiết "tiền hay hiện vật có giá trị lớn" thì cần có sự hướng dẫn thống nhất của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương. Toà án nhân dân tối cao đang phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về một số tình tiết cấu thành tội phạm, tình tiết định khung tăng nặng được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999, trong đó có tình tiết này.
|
Trịnh Hồng Dương (Đã ký) |