Công văn số 3321/TM-XNK ngày 25/06/2004 của Bộ Thương mại về việc cung ứng xăng dầu miễn thuế nhập khẩu
Số hiệu | 3321/TM-XNK |
Ngày ban hành | 25/06/2004 |
Ngày có hiệu lực | 25/06/2004 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Thương mại |
Người ký | Phan Thế Ruệ |
Lĩnh vực | Thương mại |
BỘ
THƯƠNG MẠI |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3321/TM-XNK |
Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 2004 |
Kính gửi: Bộ Tài chính
Nhằm bảo đảm bình ổn nguồn xăng dầu đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, tránh thất thu cho Ngân sách Nhà nước trong điều kiện thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ Thương mại xin trao đổi với Bộ Tài chính về việc phối hợp quản lý nguồn xăng dầu bán cho các đối tượng được sử dụng xăng dầu miễn thuế nhập khẩu như sau:
I. DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT VÀ DOANH NGHIỆP NẰM TRONG CÁC KHU CHẾ XUẤT
Theo các quy định quản lý hiện hành, các doanh nghiệp này có thể được cung ứng xăng dầu theo các phương thức sau đây:
1. Mua của các doanh nghiệp đầu mối theo phương thức tạm nhập tái xuất.
2. Uỷ thác nhập khẩu qua các doanh nghiệp đầu mối.
3. Mua của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nội địa và coi như xuất khẩu khi Bộ Thương mại có văn bản cho phép (Thông tư số 11/2001/TT-BTM ngà 18/4/2001 của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 08/2001/TT-TCHQ ngày 26/10/2001 có hiệu lực thi hành đến tháng 5/2004).
Thông thường, các doanh nghiệp này mua xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu theo phương thức tạm nhập tái xuất để được hưởng giá thấp, không chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt... Trong những giai đoạn giá xăng dầu thế giới biến động như hiện nay, Nhà nước không những không thu được thuế nhập khẩu mà còn phải bù lỗ cho xăng dầu bán trong nước, nếu các doanh nghiệp này được mua xăng dầu từ các nguồn nội địa sẽ được hưởng mức giá thấp hơn giá mua từ nguồn tái xuất. Hơn thế nữa, doanh nghiệp nội địa bán xăng dầu còn được hoàn thuế VAT theo quy định. Vì vậy, Bộ Thương mại đã không cấp giấy phép xuất khẩu xăng dầu cho các doanh nghiệp này. Tuy vậy, theo Ban Quản lý các Khu Công nghiệp - Chế xuất Tp. Hồ Chí Minh, vừa qua 1 số doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp nằm trong khu chế xuất vẫn được mua xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh trong nội địa để phục vụ sản xuất. Thủ tục xuất khẩu do cơ quan Hải quan giải quyết, không cần có giấy phép của Bộ Thương mại. Doanh nghiệp bán xăng dầu, căn cứ tờ khai xuất khẩu được giải quyết hoàn thuế VAT.
Nhằm chủ động về cân đối nguồn xăng dầu, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các đối tượng này, tránh thất thu cho Nhà nước và bảo đảm bình đẳng trong kinh doanh, Bộ Thương mại dự kiến bãi bỏ việc cho phép xuất khẩu xăng dầu từ nguồn đã nhập khẩu để tiêu thụ trong nội địa theo quy định tại Thông tư số 11/2001/TT-BTM và dự kiến xử lý vấn đề cung cấp xăng dầu cho đối tượng này như sau:
- Xăng dầu phục vụ phương tiện vận tải của các doanh nghiệp chế xuất, phương tiện đi lại của cá nhân người lao động làm việc cho các doanh nghiệp chế xuất, trong các khu chế xuất không được coi là hàng xuất khẩu, không được hoàn thuế VAT theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn số 757 TC/TCT ngày 23/1/2002. Cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong các khu chế xuất coi như kinh doanh xăng dầu trên thị trường nội địa và phải thực hiện Quy định tại Quy chế Đại lý Kinh doanh xăng dầu ban hành kèm theo Quyết định số 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17/11/2003 của Bộ Thương mại. Tuy vậy, cần có biện pháp phù hợp để xác định được nhu cầu xăng dầu phục vụ mục đích này để tránh bị lợi dụng
- Các doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu chế xuất có nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ sản xuất phải lựa chọn ổn định 1 trong 2 phương thức để bảo đảm nguồn:
1. Mua từ nguồn tạm nhập tái xuất hoặc uỷ thác nhập khẩu qua các doanh nghiệp đầu mối. Theo phương thức này, doanh nghiệp phải được Ban Quản lý Khu CN-CX phê duyệt nhu cầu sử dụng nhiên liệu để phục vụ sản xuất hàng năm.
2. Mua từ nguồn nội địa, như 1 hộ sản xuất thông thường ngoài khu chế xuất. Doanh nghiệp bán hàng không được coi là xuất khẩu hàng hoá và không được hoàn thuế VAT. Theo phương thức này, không yêu càu doanh nghiệp phải có phê duyệt nhu cầu nhiên liệu phục vụ sản xuất của Ban Quản lý Khu CN-CX.
II. KHU THƯƠNG MẠI LAO BẢO:
Theo Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ngày 12/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Khu vực khuyến khích phát triển Kinh tế và Thương mại Lao Bảo tỉnh Quảng Trị và Thông tư số 16/2002/TT-BTC ngày 8/2/2002 của Bộ Tài chính thì quan hệ hàng hoá, dịch vụ giữa Khu Thương mại Lao Bảo và trong nước là quan hệ xuất nhập khẩu hàng hoá và phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật hiện hành về xuất nhập khẩu. Tuy vậy, dù không được Bộ Thương mại cấp giấy phép xuất khẩu xăng dầu vào Khu Thương mại Lao Bảo nhưng hiện nay doanh nghiệp bán xăng dầu trong Khu Thương mại Lao Bảo vẫn được coi như xuất khẩu và được hoàn thuế VAT.
Để chấm dứt tình trạng bất hợp lý này, tương tự như phương thức áp dụng với doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp trong các khu chế xuất, Bộ Thương mại dự kiến đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị lựa chọn ổn định 1 trong 2 phương thức bảo đảm nguồn xăng dầu:
1. Mua từ nguồn tạm nhập tái xuất qua các doanh nghiệp đầu mối hoặc uỷ thác nhập khẩu.
2. Mua từ nguồn nội địa, theo quy định thông thường như những khu vực khác ngoài khu Thương mại Lao Bảo, doanh nghiệp bán hàng không được coi là xuất khẩu hàng hoá và không được hoàn thuế VAT.
III. Đối với các trường hợp đã vận dụng hình thức xuất khẩu xăng dầu cho doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp nằm trong các khu chế xuất và Khu Thương mại Lao Bảo theo giá nội địa và hoàn thuế VAT mà không được Bộ Thương mại cho phép thì đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) xem xét truy thu số thuế VAT đã được hoàn.
Rất mong nhận được sự phối hợp của quý Bộ.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |