Công văn số 3290/BCĐ127 ngày 21/08/2002 của Ban Chỉ đạo 127 TW về việc tiếp tục triển khai thực hiện phương án CBL thuốc lá ngoại, vải ngoại và Quy chế ghi nhãn hàng hoá
Số hiệu | 3290/BCĐ127 |
Ngày ban hành | 21/08/2002 |
Ngày có hiệu lực | 21/08/2002 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Ban Chỉ đạo 127-TW |
Người ký | Phan Thế Ruệ |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
BAN CHỈ ĐẠO 127 TW |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 3290/BCĐ
127
|
Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2002
|
Kính gửi: Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại văn bản số 4951/VPCP ngày 19/11/2001 và văn bản số 1254/VPCP-VI ngày 14/3/2002, Ban chỉ đạo 127 TW đã có Phương án kiểm tra mặt hàng vải ngoại tại một số chợ đầu mối, Phương án kiểm tra thuốc lá điếu nhập lậu bày bán trên thị trường nội địa và Kế hoạch kiểm tra thực hiện Quy chế ghi nhãn hàng hóa theo Chỉ thị số 03/2002/CT-BTM của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
Triển khai thực hiện các phương án nói trên, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố được chọn làm thí điểm đã xây dựng kế hoạch phối hợp lực lượng và tổ chức triển khai thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát tới các đối tượng sản xuất - kinh doanh trên địa bàn và đã thu được một số kết quả bước đầu. Về thuốc lá: trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xóa bỏ được một số tụ điểm lớn chuyên bán buôn thuốc lá ngoại, hạn chế đáng kể tình trạng bày bán công khai thuốc lá ngoại, thuốc lá sản xuất trong nước không dán tem. Về vải ngoại: các lực lượng chức năng của 5 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bước đầu đã điều tra, thống kê số hộ kinh doanh trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết không kinh doanh vải ngoại nhập lậu, kiểm tra và xử lý hàng trăm ngàn mét vải ngoại vi phạm. Đối với việc thực hiện Quy chế ghi nhãn hàng hóa đã bước đầu tạo được sự chuyển biến về nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, nhiều mặt hàng lưu thông trên thị trường đã có nhãn hàng hóa.
Song tình hình buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại và vải ngoại nhập lậu ở một số tuyến, một số địa phương vẫn rất phức tạp, thậm chí có lúc gia tăng hơn trước. Các vi phạm về nhãn hàng hóa vẫn còn rất phổ biến. Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại công điện 1254/VPCP-VI ngày 14/3/2002 của Văn phòng Chính phủ và các phương án kiểm tra nói trên, sau khi rút kinh nghiệm ở các tỉnh đã triển khai thí điểm, Ban chỉ đạo 127 TW đề nghị:
1- Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trực thuộc TW trong thời gian qua đã triển khai làm thí điểm tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thuốc lá ngoại, vải ngoại nhập lậu bày bán trên thị trường theo nội dung trong các phương án Ban chỉ đạo 127 TW đã đề ra, kể cả việc thực hiện Quy chế ghi nhãn hàng hóa đối với mặt hàng vải, thuốc lá sản xuất trong nước, xử lý nghiêm mọi tổ chức cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa triển khai thực hiện thì Ban Chỉ đạo 127 ĐP chỉ đạo các lực lượng chức năng (Quản lý thị trường, Công an, Thuế) tổ chức triển khai thực hiện ngay các phương án nói trên cho phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Việc kiểm tra này phải được triển khai thường xuyên, liên tục, không mang tính nhất thời, chiến dịch. Thời gian tổng kiểm tra tiến hành đồng loạt trên tất cả các địa bàn trong cả nước bắt đầu từ ngày 1-9-2002.
2- Song song cùng việc kiểm tra chặt chẽ trên thị trường nội địa, các lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng củng cố và bố trí lực lượng, phương tiện nhằm ngăn chặn triệt để những người mang vác thuê hàng nhập lậu qua biên giới, trong đó có mặt hàng thuốc lá điếu và vải các loại; kiên quyết xử lý mọi trường hợp vi phạm, kể cả những trường hợp có dấu hiệu bảo kê cho buôn lậu. Chủ tịch UBND tỉnh biên giới chỉ đạo các xã biên giới có biện pháp quản lý chặt chẽ cư dân biên giới và những người từ nơi khác đến tạm trú, chống tư tưởng cục bộ, làm ngơ cho buôn lậu. Lực lượng Công an các cấp phối hợp cùng các ngành tổ chức tốt công tác trinh sát, điều tra để triệt phá các ổ nhóm và đường dây buôn lậu lớn, nhất là ở tuyến biên giới phía Bắc, tuyến biển vùng Đông Bắc và miền Trung, tuyến Lao Bảo - Quảng Trị, Cầu Treo - Hà Tĩnh, tuyến biên giới Tây Nam; xử lý điển hình một số vụ buôn lậu và “bảo kê” buôn lậu.
3- Lực lượng Quản lý thị trường có kế hoạch bố trí nhân lực, phương tiện tiếp tục triển khai thực hiện các phương án trên theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thương mại tại Chỉ thị số 03/2002/CT-BTM ngày 8-3-2002; Chỉ thị số 04/2002/CT-BTM ngày 8-4-2002, làm tốt vai trò Bộ phận thường trực, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 127 ĐP. Kịp thời phát hiện những vướng mắc trong quá trình kiểm tra, xử lý để có biện pháp bổ sung nhằm làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
4- Đề nghị Bộ Công nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Dệt may Việt Nam và các Công ty liên doanh nhanh chóng có giải pháp in tên, đánh dấu cơ sở sản xuất lên biên vải; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam in tên cơ sở sản xuất lên vỏ tút, vỏ thùng carton theo quy định của Quy chế ghi nhãn hàng hóa.
Ban Chỉ đạo 127 TW đề nghị Ban chỉ đạo 127 các địa phương, các Bộ, ngành sớm có kế hoạch triển khai thực hiện những nội dung trên. Những khó khăn, vướng mắc, đề nghị báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo 127 TW (Bộ phận thường trực) để kịp thời xử lý.
|
KT.TRƯỞNG
BAN CHỈ ĐẠO 127 TW |