Công văn về việc miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu đối với các dự án sản xuất linh kiện điện, điện tử theo Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg

Số hiệu 3278/TM-ĐT
Ngày ban hành 27/07/1999
Ngày có hiệu lực 27/07/1999
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Mai Văn Dâu
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3278/TM-ĐT

Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 1999

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 3278/TM-ĐT NGÀY 27 THÁNG 7 NĂM 1999 VỀ VIỆC MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN SẢN XUẤT LINH KIỆN ĐIỆN, ĐIỆN TỬ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 53/1999/QĐ-TTG

Kính gửi:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Bộ Tài chính

Một số địa phương, Ban quản lý các khu công nghiệp và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Bộ Thương mại hướng dẫn việc miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất theo Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg ngày 26/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ;

Bộ Thương mại thấy cũng cần có hướng dẫn cụ thể để các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền thống nhất thực hiện việc miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg.

Cụ thể:

1. Điểm d Khoản 1 Điều 11 Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg ngày 26/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ quy định được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu như các dự án thuộc Danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư đối với các dự án: "Sản xuất linh kiện, phụ tùng cơ khí, điện, điện tử có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều nguyên liệu vật tư trong nước". Như vậy ở đây có một số quy định cần được làm rõ:

Sử dụng vật tư trong nước cho sản xuất ra sản phẩm linh kiện, phụ tùng cơ khí, điện, điện tử với tỷ lệ % bao nhiêu được coi là "nhiều"?

Có giá trị tăng cao là thế nào và bao nhiêu thì được coi là cao?

Căn cứ để xem xét miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu dựa trên cơ sở nào?

Thời điểm để xem xét miễn thuế là cuối năm, sau khi đã kiểm tra thực hiện của doanh nghiệp qua các báo cáo của cơ quan kiểm toán hay ngay khi duyệt kế hoạch nhập khẩu?

2. Khoản 2 Điều 11 Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg quy định: "Các dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng, cơ khí, điện, điện tử được miễn thuế nguyên liệu sản xuất trong 3 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất".

Tại Công văn số 7000/BKH-PLĐT ngày 12/10/1998 và Công văn số 7978/BKH-PLĐT ngày 17/11/1998 của Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn thực hiện Điều 10 Nghị định số 10/1998/NĐ-CP nêu rõ: "Nguyên liệu sản xuất nói tại Điểm 3 Điều 10 Nghị định số 10/1998/NĐ-CP được hiểu là nguyên liệu đầu vào, trong nước không có phải nhập khẩu, phải gia công chế biến, chế tạo để tạo thành sản phẩm trung gian hoặc sản phẩm hoàn chỉnh, do đó không bao gồm linh kiện, phụ tùng hay bán thành phẩm... lắp ráp sản phẩm chỉ được coi là một công đoạn của sản xuất".

Như vậy, việc miễn thuế nhập khẩu đối với các dự án trên chỉ áp dụng đối với nguyên liệu để sản xuất linh kiện, phụ tùng cho cơ khí, điện, điện tử thuộc loại nguyên liệu trong nước chưa có, phải nhập khẩu, không bao gồm linh kiện phụ tùng hay bán thành phẩm. Tất cả linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để lắp ráp đều không được miễn thuế. Như vậy quy định này chỉ áp dụng cho các dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ngành cơ khí, điện, điện tử và không áp dụng cho những dự án lắp ráp cơ khí, điện, điện tử.

Trên đây là ý kiến của Bộ Thương mại về một số điểm quy định miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu tại Quyết định số 53/1998/QĐ-TTg ngày 26/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể.

 

Mai Văn Dâu

(Đã ký)