TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 32356/CT-HTr
V/v: Trả lời chính sách thuế
|
Hà Nội, ngày
01 tháng 7 năm 2014
|
Kính gửi: Công
ty cổ phần đầu tư và du lịch Thiên Sơn
Địa chỉ: 15A Hàng Cót, Hoàn Kiếm, Hà Nội
MST:0101256216
Trả lời câu hỏi của Công ty cổ phần đầu tư và du
lịch Thiên Sơn tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về chính
sách thuế và thủ tục hành chính thuế tổ chức vào ngày 27/05/2014, Cục Thuế TP
Hà Nội có ý kiến về nguyên tắc như sau:
Câu hỏi 1: TNDN - Chi phí
tiền lương, tiền công
Ngoài mức lương cơ bản Công ty
có chi trả cho người lao động tiền lương hàng tháng theo chất lượng làm việc
của người lao động, phụ cấp chức vụ, phụ cấp bằng lái xe, khoản chi phí đi lại,
chi phí điện thoại... Như vậy các khoản tiền thưởng, phụ cấp ngoài lương nói
trên có được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN?
Trả lời:
- Căn cứ Điều 9, Chương II Nghị
định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định các khoản chi được trừ
khi xác định thu nhập chịu thuế:
“1. Trừ các khoản chi quy
định tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ
các điều kiện sau đây:
a) Khoản chi thực tế phát
sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm cả
các khoản chi sau:
...
b) Khoản chi có đủ hóa đơn,
chứng từ theo quy định của pháp luật
...
c) Đối với hóa đơn mua hàng
hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng
từ thanh toán không dùng tiền mặt... "
2. Các khoản chi không được
trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, một số trường hợp về khoản chi không
được trừ được quy định như sau:
...
m) ...tiền lương, tiền công,
các khoản hạch toán chi khác để trả cho người lao động nhưng thực tế không chi
trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật; các khoản chi
tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể
điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng
lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công
ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám
đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty. Chi tiền lương,
tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn
nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có
trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề nhằm
bảo đảm việc trả lương không bị gián đoạn và không được sử dụng vào mục đích
khác... ”
- Căn cứ Điều 6, Chương II
Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn
thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008, Nghị định số
122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định các khoản chi được trừ và
không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:
“1. Trừ các khoản chi nêu
tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các
điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát
sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Khoản chi có đủ hoá đơn,
chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật. ”
2. Các khoản chi không được trừ
khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
...
2.5. Chi tiền lương, tiền
công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chi tiền lương, tiền công
và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi
phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có
chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.
b) Các khoản tiền thưởng, tiền
mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được
hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa
ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn;
Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định
theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty...
c) Chi tiền lương, tiền công
và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ
quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập
quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề nhằm bảo đảm
việc trả lương không bị gián đoạn và không được sử dụng vào mục đích khác. Mức
dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương
thực hiện.... ”
- Căn cứ Thông tư số
78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số
218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:
+ Tại Điều 6, Chương II quy
định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:
" 1. Trừ các khoản
chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản
chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh
liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Khoản chi có đủ hóa đơn,
chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn
mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã hao
gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền
mặt....
2. Các khoản chi không được
trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
...
2.5. Chi tiền lương, tiền
công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chi tiền lương, tiền công
và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi
phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có
chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật
b) Các khoản tiền lương, tiền
thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức
được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động
tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng
do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế
tài chính của Công ty, Tổng công ty...
c) Chi tiền lương, tiền công
và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ
quyết toán năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự
phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm
do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện... ”
+ Tại Khoản 1 và Khoản 4, Điều
23, Chương VII quy định hiệu lực thi hành:
“1. Thông tư này có hiệu lực
từ ngày 02 tháng 08 năm 2014 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp
từ năm 2014 trở đi.
4. Thông tư này thay thế
Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính. ”
Căn cứ các quy định trên, Cục
thuế TP Hà Nội trả lời theo nguyên tắc: trường hợp Công ty chi tiền thưởng,
tiền phụ cấp cho người lao động, nếu các khoản chi này đáp ứng điều kiện tại
Điều 6, Chương II Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính
nêu trên thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
TNDN. Từ ngày 02/08/2014 đề nghị Công ty thực hiện theo Thông tư số
78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính.
Câu hỏi 2:
Công ty có mua lại phần vốn góp
của cá nhân tại một Công ty A. Trường hợp có phát sinh lãi từ hoạt động chuyển
nhượng vốn:
- Cá nhân phải tự kê khai,
nộp thuế TNCN hay phải khấu trừ? Trường hợp phải khấu trừ thì Công ty chúng tôi
phải khấu trừ hay Công ty A phải khấu trừ?
- Trường hợp cá nhân phải
tự kê khai, nộp thuế TNCN nhưng không thực hiện nghĩa vụ thì Công ty chúng tôi
có liên quan gì đến nghĩa vụ đó hay không?
Trả lời:
Căn cứ Thông tư số
111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế
thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá
nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều
của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
thuế thu nhập cá nhân:
+ Tại Điểm 4, Điều 2, Chương I
quy định các khoản thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn:
“4. Thu nhập từ chuyển
nhượng vốn
Thu nhập từ chuyển nhượng
vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng
vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu
hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã,
quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.
..."
+ Tại Điều 26, Chương IV quy
định khai thuế, quyết toán thuế:
“4. Khai thuế đối với thu
nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn (trừ chuyển nhượng chứng khoán)
a) Cá nhân cư trú chuyển
nhượng vốn góp thực hiện khai thuế theo từng lần chuyển nhượng không phân biệt
có hay không phát sinh thu nhập.
b) Cá nhân không cư trú có
thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp tại Việt Nam không phải khai thuế trực tiếp
với cơ quan thuế mà tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng thực hiện khấu trừ thuế
theo hướng dẫn tại điểm e, khoản 1, Điều 25 Thông tư này và khai thuế theo từng
lần phát sinh.
c) Doanh nghiệp làm thủ tục
thay đổi danh sách thành viên góp vốn trong trường hợp chuyển nhượng vốn mà
không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ
thuế thì doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng vốn có trách nhiệm khai thuế,
nộp thuế thay cho cá nhân.
Trường hợp doanh nghiệp nơi
cá nhân chuyển nhượng vốn nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp thực hiện
khai thay hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân. Doanh nghiệp khai thay ghi thêm
"Khai thay " vào phần trước cụm từ "Người nộp thuế hoặc Đại diện
hợp pháp của người nộp thuế " đồng thời người khai ký, ghi rõ họ tên và
đóng dấu của doanh nghiệp. Trên hồ sơ tính thuế, chứng từ thu thuế vẫn phải thể
hiện đúng người nộp thuế là cá nhân chuyển nhượng vốn góp (trường hợp là chuyển
nhượng vốn của cá nhân cư trú) hoặc cá nhân nhận chuyển nhượng vốn (trường hợp
là chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú).
...
10. Khai thuế đối với thu
nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng bất động
sản trong trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp, góp vốn bằng chứng khoán, góp
vốn bằng bất động sản.
Cá nhân góp vốn bằng phần
vốn góp, bằng chứng khoán, bằng bất động sản chưa phải khai và nộp thuế từ
chuyển nhượng khi góp vốn. Khi chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể doanh
nghiệp cá nhân khai và nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển
nhượng bất động sản khi góp vốn và thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng
bất động sản khi chuyển nhượng.
..."
Căn cứ các quy định trên,
trường hợp Công ty nhận chuyển nhượng vốn của cá nhân góp vốn tại Công ty A thì
cá nhân chuyển nhượng vốn phải thực hiện khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân
theo quy định. Trường hợp chuyển nhượng vốn mà không có chứng từ chứng minh cá
nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì Công ty A có trách nhiệm
khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân theo quy định tại Điểm 4, Điều 26 Chương
IV Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính nêu trên.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời đơn
vị biết để thực hiện./.
|
KT. CỤC
TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Thái Dũng Tiến
|