Công văn 296/TTr-PT hướng dẫn thanh tra thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 do Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 296/TTr-PT
Ngày ban hành 18/04/2014
Ngày có hiệu lực 18/04/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Huy Bằng
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH TRA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 296/TTr-PT
V/v: Hướng dẫn thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Hà Nội ngày 18 tháng 4 năm 2014

 

Kính gửi:

 - Các sở giáo dục và đào tạo;
 - Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng

Căn cứ Quyết định số 41/2006/QĐ-BGDĐT ngày 16/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra các kỳ thi; Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông được hợp nhất tại văn bản số 11/VBHN-BGDĐT ngày 04/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công văn số 1656/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 01/4/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2014; Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) hướng dẫn công tác thanh tra thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2014 như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Giúp cơ quan quản lý nắm thông tin chính xác về việc tổ chức thi và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT; ứng phó với tình huống bất thường; chủ động phòng ngừa tiêu cực, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có), góp phần đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

- Phát hiện những bất cập trong quy chế, chế độ, chính sách về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

2. Yêu cầu

a) Chính xác, kịp thời, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ; đúng nội dung, đối tượng theo quyết định thanh tra; không làm thay nhiệm vụ của ban chỉ đạo (BCĐ) thi, hội đồng thi, không làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia kỳ thi.

b) Cán bộ, công chức, viên chức được trưng phần tham gia thanh tra thi phải đảm bảo các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại Điều 9 Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo văn bản số 11/VBHN-BGDĐT ngày 04/4/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và được tập huấn nghiệp vụ thanh tra thi.

c) Mọi vi phạm quy chế thi phải được xử lý nghiêm theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và các văn bản có liên quan.

II. NỘI DUNG THANH TRA THI

Thực hiện theo Điều 6 Quyết định số 41/2006/QĐ-BGDĐT ngày 16/10/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra các kỳ thi, trong đó tập trung thanh tra những nội dung sau:

1. Thanh tra công tác chuẩn bị thi

a) Việc thực hiện chương trình; kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh; tổ chức ôn tập; lập hồ sơ thi, xét và thông báo thí sinh được thi, không được thi, miễn thi; lập danh sách thí sinh theo đơn vị, hội đồng coi thi (HĐCT), phòng thi; việc niêm yết danh sách thí sinh dự thi và nội quy thi tại các phòng thi; kiến nghị bổ sung đầy đủ, kịp thời hồ sơ dự thi của thí sinh (nếu còn thiếu).

b) Việc điều động lực lượng, tiêu chuẩn, điều kiện của người tham gia HĐCT, việc bố trí giám thị dự phòng; việc tổ chức cho thành viên của HĐCT, giám thị dự phòng và thí sinh học tập quy chế kỳ thi.

c) Các điều kiện vật chất để tổ chức kỳ thi: khu vực thi, phòng thi, phòng làm việc, điều kiện vật chất khác theo quy định đảm bảo an toàn, bí mật của cơ sở in sao đề thi.

d) Các phương án đảm bảo an toàn kỳ thi: an ninh - trật tự, giao thông, điện, y tế, phòng cháy chữa cháy và các nội dung liên quan khác.

2. Thanh tra công tác coi thi

a) Việc điều hành của chủ tịch HĐCT; việc bố trí giám thị và các thành viên HĐCT; việc đánh số báo danh, mở niêm phong, giao đề thi, giao nhận đề thi thừa; thu bài, niêm phong bài thi theo từng môn thi; tổ chức rút kinh nghiệm sau môn thi thứ nhất và triển khai thi môn thứ hai của các buổi thi;

b) Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các thành viên HĐCT trong đó lưu ý kiểm soát các thiết bị, vật dụng thí sinh được phép sử dụng;

c) Việc duy trì trật tự, kỷ luật phòng thi và ngăn ngừa các hiện tượng: sử dụng tài liệu, nhìn bài của bạn, làm bài tập thể, thi hộ, sử dụng thiết bị không được phép và các hành vi tiêu cực khác;

d) Việc xử lý vi phạm quy chế thi, việc thực hiện kiến nghị của thanh tra thi.

3. Thanh tra công tác chấm thi

a) Cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, văn phòng phẩm, phương tiện bảo quản, bảo mật bài thi, hồ sơ chấm thi; phòng làm việc của lãnh đạo Hội đồng chấm thi (HĐChT), phòng làm phách, phòng giao, nhận bài thi, phòng chấm lần 1, lần 2 đối với các môn thi tự luận, phòng chấm kiểm tra các môn thi tự luận, phòng chấm thi trắc nghiệm;

b) Việc tổ chức nghiên cứu quy chế thi và các văn bản khác liên quan đến chấm thi cho các thành viên HĐChT;

c) Việc thực hiện các quy định chấm thi:

- Việc làm phách, quét phiếu trả lời trắc nghiệm, xử lý bài thi và chấm thi bài thi trắc nghiệm;

- Việc thống nhất biểu điểm, hướng dẫn chấm của các tổ chấm; việc giao, nhận bài thi giữa bộ phận làm phách, phát bài, tổ chấm, tổ chấm kiểm tra, tổ lên điểm;

[...]