Công văn số 287/VPCP-CN về việc một số giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành Thép do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 287/VPCP-CN |
Ngày ban hành | 14/01/2008 |
Ngày có hiệu lực | 14/01/2008 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Văn Trọng Lý |
Lĩnh vực | Đầu tư,Thương mại,Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 287/VPCP-CN |
Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2008 |
Kính gửi: |
- Các Bộ: Công Thương, Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính, |
Xét đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản số 064/BCT-CLH ngày 21 tháng 11 năm 2007 và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 9338/BKH-TĐ&GSĐT ngày 20 tháng 12 năm 2007 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành Thép, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến như sau:
1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và Hiệp hội Thép Việt Nam:
a) Khẩn trương thực hiện việc xác định và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ dây chuyền thiêu kết, lò cao, lò luyện thép (lò điện hồ quang, lò thổi oxy) và các thiết bị phù trợ, đảm bảo phù hợp với quy định tại Quyết định số 145/2007/QĐ-TTg ngày 4 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 để làm cơ sở cho việc đánh giá, thẩm định công nghiệp áp dụng cho các dự án đầu tư.
b) Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn chủ yếu về kỹ thuật - công nghệ (tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, điện năng...) đối với lò cao, lò thổi, lò điện hồ quang.
2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và công bố các tiêu chuẩn sản phẩm thép mang tính rào cản kỹ thuật để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất thép trong nước, phù hợp với các nguyên tắc WTO.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan chỉ đạo:
a) Việc tuân thủ nghiêm quy trình thẩm định các dự án đầu tư sản xuất thép, tập trung thẩm định kỹ các nội dung như: trình độ kỹ thuật công nghệ, năng lực tài chính của nhà đầu tư, thiết bị và giải pháp bảo vệ môi trường để tránh tình trạng dự án đầu tư được cấp phép mà không triển khai đầu tư hoặc chủ đầu tư lợi dụng nhập khẩu thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu hao điện năng, nguyên vật liệu cao, không đủ điều kiện bảo vệ môi trường.
b) Các Sở chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát mức độ ô nhiễm môi trường của các cơ sở luyện kim tại địa phương, kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục.
c) Thực hiện nghiêm, chặt chẽ theo quy định hiện hành việc thẩm định thiết kế cơ sở các dự án thép tại địa phương.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ kiểm tra mức độ ô nhiễm môi trường đối với các dự án thép đã đầu tư và đang vận hành. Trường hợp các cơ sở đang sản xuất không đạt tiêu chuẩn, yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư cải tạo, bổ sung thiết bị, để đạt tiêu chuẩn về khí thải, bụi thải, chất thải rắn theo quy định bảo vệ môi trường hiện hành.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên quặng sắt; chỉ đạo, tăng cường đầu tư cho hoạt động điều tra đánh giá, thăm dò quặng sắt theo quy định của Luật Khoáng sản.
c) Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án luyện, cán thép, đảm bảo điều kiện về môi trường theo quy định hiện hành.
5. Căn cứ quy định hiện hành về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm định chất lượng thép, quy định về xuất xứ hàng hóa để ngăn chặn gian lận thương mại, không cho sản phẩm thép kém chất lượng nhập khẩu vào nước ta.
6. Hiệp hội Thép Việt Nam tích cực tham gia, đề xuất với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành Thép; phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất thép.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi
nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |