Công văn số 2848 TM/XNK ngày 14 tháng 8 năm 2003 của Bộ Thương mại về việc Quy chế kinh doanh xăng dầu

Số hiệu 2848 TM/XNK
Ngày ban hành 14/08/2003
Ngày có hiệu lực 14/08/2003
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Trương Đình Tuyển
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2848 TM/XNK
V/v Quy chế kinh doanh xăng dầu

Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2003

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

 

Ngày 31 tháng 7 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập các Bộ trưởng Thương mại, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam họp với Thường trực Chính phủ để rà xét lại cơ chế kinh doanh xăng dầu.

Trên cơ sở kiến kết luận của Thủ tướng, Bộ Thương mại xin trình lại Ttg1 về cách xử lý một số vấn đề theo kết luận của Thủ tướng.

1. Về điều kiện kinh doanh xăng dầu: Tại tờ tình số 1350/TM- XNK ngày 18 tháng 6 năm 2003 và Dự thảo Quy chế kèm tờ trình này, Bộ Thương mại nêu điều kiện:

1.1. Doanh nghiệp phải có cầu càng và kho tiếp nhận thuộc sở hữu của doanh nghiệp (kể cả sở hữu theo hình thức góp vốn đầu tư, liên doanh...). Ý kiến của Văn phòng Chính phủ và một số đồng chí dự họp là: Không nhất thiết doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu phải là chủ sở hữu cảng dầu, kho dầu. Các doanh nghiệp có thể thuê của nhau. Nếu quy định như vậy doanh nghiệp phải đầu tư sẽ rất lãng phí.

Bộ Thương mại cũng đã cân nhắc điều kiện này ngay từ khi bắt đầu soạn thảo Quy chế. Đúng là các doanh nghiệp không nhất thiết phải là chủ sở hữu các cơ sở tiếp nhận xăng dầu. Tuy nhiên, kinh doanh nhập khẩu xăng dầu phải do các doanh nghiệp lớn thực hiện. ở các nước khác, thường không có quá 5 - 7 doanh nghiệp làm nhiệm vụ kinh doanh nhập khẩu xăng dầu. Hiện ở nước ta đã có nhiều doanh nghiệp có cầu cảng và kho tiếp nhận, phân bổ đủ ở các khu vực (Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Miền Trung, Miền Bắc). Nếu để các doanh nghiệp được quyền thuê thì số doanh nghiệp đăng ký đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu rất nhiều, quy mô sẽ nhỏ, không tạo được các doanh nghiệp có tầm cỡ lớn đủ sức mạnh tranh trên thị trường, khi ta buộc phải mở cửa thị trường xăng dầu cho các Công ty đa quốc gia, ta sẽ không thể cạnh tranh nổi, thị trường sẽ do các Công ty đa quốc gia chiếm lĩnh. Quy định như Dự thảo cũng không sợ các doanh nghiệp đầu tư gây lãng phí vì trong Quy chế đã quy định việc đầu tư cảng dầu, kho tiếp nhận phải theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại đề nghị Thủ tướng cân nhắc để quyết định nội dung này.

1.2. Về vốn lưu động: Trong cuộc họp, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có ý kiến: kinh doanh xăng dầu phải có vốn. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến nêu không nên quy định vốn vì như vậy không phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Bộ Thương mại cho rằng: Luật Doanh nghiệp quy định một số ngành nghề kinh doanh phải quy định vốn pháp định (doanh nghiệp kinh doanh phải có vốn tối thiểu bằng mức vốn mà pháp luật quy định). Như vậy, việc quy định vốn lưu động trong kinh doanh xăng dầu không trái với Luật Doanh nghiệp. Hơn nữa xăng dầu là một bộ phận trong Tổ hợp năng lượng của đất nước. Khi kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phải có vốn để bảo đảm nguồn liên tục. Thực tiễn vừa qua, một số doanh nghiệp không đủ vốn lưu động, khi giá lên, nhu cầu vốn lưu động tăng, doanh nghiệp không vay ngân hàng được để nhập khẩu.

2. Về cơ chế quản lý giá: Kết luận của Thủ tướng và tiến tới việc áp dụng giá là giá thị trường, trước hết là mặt hàng xăng. Dự thảo Quy chế đã thể hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Để tiến tới thực hiện cơ chế thị trường, Dự thảo quy định mở rộng biên độ điều chỉnh giá mà doanh nghiệp được quyền quyết định trên có sở giá định hướng để doanh nghiệp có thời gian “tập dượt” và quen dân với việc lấy lãi (lúc giá thế giới xuống) bù lỗ (lúc giá thế giới lên). Sau một thời gian (không quá một năm), Chính phủ sẽ bỏ quy định về giá định hướng. Vì vậy, Dự thảo có bổ sung Điều 12:”Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi tình hình thị trường xăng dầu và hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế quản lý giá được quy định giá định hướng, thực hiện nguyên tắc doanh nghiệp tự quyết định giá trên cơ sở thuế nhập khẩu và giá thị trường”.

3. Về xử lý lỗ của doanh nghiệp: Dự thảo khẳng định rõ hơn: Nhà nước không bù lỗ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trường hợp thị trường xăng dầu có biến động lớn, ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp, Nhà nước sử dụng các công cụ như điều chỉnh thuế, sử dụng dự trữ, giao nhiệm vụ cho “Doanh nghiệp chủ đạo” thực hiện nhập khẩu để ổn định thị trường xăng dầu.

4. Có cho doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nhập khẩu không?

Trong cuộc họp, một số ý kiến cho rằng không nên phân biệt doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Bộ Thương mại cho rằng, trong một số ngành nghề nhất định cần duy trì vai trò độc quyền nhà nước trong một thời gian nhất định phù hợp với lộ trình cải cách cơ chế. Vì vậy, Dự thảo quy định: việc các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nhập khẩu xăng dầu do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, trước mắt chưa để các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nhập khẩu xăng dầu.

5. Về thời điểm: Bộ Thương mại đã điều chỉnh theo kết luận của Thủ tướng, thời điểm áp dụng Quy chế này là từ 1 tháng 1 năm 2004. Tuy nhiên, đề nghị Thủ tướng ban hành sớm để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

Với các điều chỉnh trên đây, Bộ Thương mại kính trình Thủ tướng quyết định ban hành Quy chế kinh doanh xăng dầu theo Dự thảo đã được điều chỉnh.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI




Trương Đình Tuyển