Công văn 28/CCTTHC hướng dẫn tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính do Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 28/CCTTHC
Ngày ban hành 15/01/2010
Ngày có hiệu lực 15/01/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

TỔ CÔNG TÁC CHUYÊN TRÁCH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 28/CCTTHC
V/v hướng dẫn tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2010

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Các cơ quan: Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính tại công văn số 9109/VPCP-TCCV ngày 23 tháng 12 năm 2009, Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Tổ công tác chuyên trách) hướng dẫn các bộ, ngành cách thức tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính theo các nội dung sau.

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

Thông qua việc làm này, các bộ, ngành sẽ lượng hóa được các chi phí xã hội để tuân thủ các quy định về thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó sẽ tính toán được lợi ích mang lại của các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính; đề xuất được những giải pháp thực tiễn nhằm cắt giảm các khoản chi phí tuân thủ thủ tục hành chính hiện nay.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là chi phí mà cá nhân, tổ chức phải gánh chịu để tuân thủ các quy định của một thủ tục hành chính nhất định. Trong khuôn khổ đề án 30, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính được xác định gồm (1) chi phí hành chính, (2) chi phí tài chính gián tiếp, và (3) chi phí tài chính trực tiếp; trong đó:

- Chi phí hành chính là chi phí nhân công, chi phí quản lý và văn phòng (đối với doanh nghiệp) cho việc thu thập thông tin, xử lý hồ sơ, giấy tờ để hoàn thành bộ hồ sơ nộp cho các cơ quan hành chính nhà nước nhằm được giải quyết thủ tục hành chính.

- Chi phí tài chính gián tiếp: chi phí nhằm thay đổi mẫu mã sản phẩm, quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, bổ sung thiết bị để tuân thủ yêu cầu đặt ra của thủ tục (ví dụ: để được cấp giấy phép kinh doanh karaoke, ngoài việc chuẩn bị hồ sơ theo quy định, người thực hiện thủ tục hành chính phải thiết kế, xây dựng và trang bị cho phòng karaoke đạt các tiêu chuẩn về cách âm, ánh sáng, an toàn, an ninh, v.v…). Chi phí tài chính gián tiếp thường được thể hiện thông qua việc tuân thủ các yêu cầu, điều kiện của thủ tục hành chính, bao gồm cả chi phí công chứng, chứng thực, mua mẫu đơn, tờ khai.

- Chi phí tài chính trực tiếp là phí, lệ phí để thực hiện thủ tục hành chính.

Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính = chi phí hành chính + chi phí tài chính gián tiếp + chi phí tài chính trực tiếp

Việc tiến hành việc tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong khuôn khổ đề án 30 được tiến hành theo bốn công đoạn bao gồm: (i) phân tích và chia nhỏ thủ tục hành chính thành những hoạt động có thể đo lường được chi phí; (ii) thu thập số liệu cần thiết phục vụ cho quá trình tính toán; (iii) phân tích số liệu và tiến hành tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính theo quy định hiện hành; và (iv) tính toán chi phí sau khi đơn giản hóa thủ tục hành chính và lập biểu đồ so sánh chi phí hiện tại và chi phí sau khi đơn giản hóa thủ tục hành chính.

1. Công đoạn 1: Phân tích và chia nhỏ thủ tục hành chính

Đây là việc phân tích trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ phải nộp và các yêu cầu, điều kiện của một thủ tục hành chính nhằm xác định các hoạt động cụ thể mà một cá nhân hoặc tổ chức phải trải qua khi thực hiện một thủ tục hành chính. Công đoạn này gồm 2 bước như sau:

Bước 1: Thông qua biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính (biểu mẫu 1) và các mẫu đơn, tờ khai liên quan, xác định các nội dung, yêu cầu mà cá nhân, doanh nghiệp phải thực hiện như các quy định về thành phần hồ sơ phải nộp; các yêu cầu, điều kiện gắn với thủ tục hành chính phải tuân thủ; các khoản phí, lệ phí phải nộp.

Bước 2: Thông qua tham khảo thực tiễn thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cũng như phỏng vấn các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính (cá nhân, tổ chức), xác định các hoạt động cụ thể mà cá nhân, tổ chức phải thực hiện để hoàn thành các nội dung, yêu cầu do cơ quan hành chính nhà nước đặt ra (được xác định tại bước 1).

2. Công đoạn 2: thu thập, phân tích số liệu

Số liệu có thể được thu thập từ các nguồn khác nhau, như từ các nghiên cứu đã được thực hiện, số liệu thống kê từ các bộ, ngành, các cơ quan địa phương, Tổng cục Thống kê, các trang web, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính, hoặc phỏng vấn trực tiếp cá nhân, tổ chức đã thực hiện thủ tục hành chính. Việc thu thập số liệu cần tuân thủ hai nguyên tắc:

- Thu thập số liệu ứng với cá nhân, tổ chức hoạt động với hiệu quả bình thường: loại bỏ số liệu gắn với các cá nhân, tổ chức hoạt động với hiệu suất quá cao hoặc quá thấp.

- Tiếp cận cẩn trọng: lựa chọn số liệu ở mức trung bình thấp nếu có nhiều nguồn số liệu quá chênh lệch nhau

Các loại số liệu cần thu thập bao gồm:

Loại chi phí

Số liệu cần thu thập

Cách tính/Nguồn

Chi phí hành chính

Mức lương tính theo tháng của cá nhân trực tiếp thực hiện các hoạt động

Mức lương của người quản lý và lương nhân viên áp dụng theo mức lương tương ứng đối với các ngành, lĩnh vực trong Phụ lục 2.

Trường hợp số liệu cần tìm không có trong Phụ lục 2 hoặc trường hợp mức lương nêu tại Phụ lục 2 chênh lệch quá nhiều so với thực tế mức lương áp dụng tại các doanh nghiệp chịu trách nhiệm tuân thủ thủ tục hành chính, người tính toán tiến hành phỏng vấn trực tiếp cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính có liên quan để lấy số liệu.

Mức lương của người quản lý

Mức độ tham gia của người quản lý vào thực hiện thủ tục là 20% (mức trung bình hiện nay và theo thông lệ quốc tế). Trường hợp cá nhân thực hiện TTHC thì lương trả người quản lý bằng 0 và mức độ tham gia của người quản lý vào thực hiện hoạt động cũng bằng 0.

Chi phí văn phòng

Chi phí văn phòng (gồm cả đi lại …) liên quan đến thực hiện thủ tục là 20% lương (thông lệ quốc tế là 25%-30%, tuy nhiên vì chi phí văn phòng ở Việt Nam ở mức thấp so với thế giới nên tính ở mức thấp là 20%). Đối với cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, đây là chi phí đi lại thông thường và các loại chi phí phát sinh khác (gửi xe, v.v.) phục vụ các hoạt động liên quan.

Chi phí này được máy tính tự động cập nhật

Trong một số trường hợp đặc biệt, để thực hiện thủ tục hành chính, đòi hỏi cá nhân, tổ chức phải đi lại ngoại tỉnh, phát sinh chi phí ăn, nghỉ, v.v… để thực hiện các hoạt động theo yêu cầu của thủ tục. Đối với các trường hợp này, các chi phí phát sinh được tính vào chi phí tài chính gián tiếp theo các khoản mục chi cụ thể như vé máy bay, tàu hỏa, chi phí ăn, nghỉ có liên quan, v.v… mà không tính vào khoản chi phí văn phòng thông thường theo mức 20% nêu trên.

Chi phí thuê ngoài

Trường hợp cá nhân, tổ chức không trực tiếp thực hiện các hoạt động mà tiến hành thuê dịch vụ bên ngoài như dịch thuật, tư vấn thì xác định chi phí theo các trường hợp cụ thể.

Thời gian thực hiện các hoạt động

Để có được con số về thời gian thực hiện các hoạt động của thủ tục hành chính cần tiến hành phỏng vấn, khảo sát đối tượng thực hiện thủ tục hành chính để thu thập số liệu về thời gian thực hiện các hoạt động. Lưu ý: thời gian thực hiện các hoạt động được tính theo giờ.

Chi phí tài chính gián tiếp

Chi phí cá nhân, tổ chức phải bỏ ra để mua sắm các trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng … nhằm tuân thủ các quy định của thủ tục hành chính đặt ra

Phỏng vấn cá nhân, tổ chức

Chi phí công chứng, chứng thực, mua đơn, tờ khai

Theo mức giá áp dụng đối với từng công việc cụ thể (một số loại chi phí áp dụng theo định mức nêu tại Phụ lục 2)

Chi phí tài chính trực tiếp

Phí, lệ phí

Theo biểu phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính do nhà nước quy định

Tần suất thực hiện thủ tục hành chính

Trả lời câu hỏi một cá nhân, tổ chức trung bình phải thực hiện thủ tục hành chính đó bao nhiêu lần trong một năm. Ví dụ: chứng chỉ hành nghề thuốc bảo vệ thực vật có giá trị 1 năm, tương đương với tần suất thực hiện thủ tục 1 lần/năm; hộ chiếu phổ thông có giá trị 10 năm, tương đương với tần suất thực hiện thủ tục 0.1 lần/năm.

Số lượng đối tượng tuân thủ thủ tục hành chính

Là tổng số đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của thủ tục hành chính. Trường hợp không có số liệu này có thể sử dụng số lượt đối tượng thực hiện thủ tục hành chính trong năm. Trong trường hợp này, tần suất thực hiện thủ tục hành chính cố định là 1.

 

Ví dụ 1. đối với thủ tục khai thuê giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, số lượng đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh là số đối tượng có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng, hiện vào khoảng 325.000 doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có nghĩa vụ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, như vậy tần suất sẽ là 12 lần/năm.

Ví dụ 2: đối với thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề thuốc bảo vệ thực vật, hiện chỉ có số liệu về số lượng chứng chỉ cấp trong một năm (11.482 chứng chỉ/năm). Trong trường hợp này, tần suất sẽ cố định là 1.

Trong trường hợp sử dụng số lượt đối tượng thực hiện thủ tục hành chính trong năm, ngoài việc quy đổi tần suất thực hiện về 1, nếu sau khi đơn giản hóa có kiến nghị giảm tần suất thì ta cũng phải quy đổi giảm tương ứng. Ví dụ như trường hợp cấp hộ chiếu phổ thông, nếu kiến nghị kéo dài thời gian hiệu lực của hộ chiếu từ 10 năm lên 15 năm, thì tần suất giảm còn 10/15 tương đương 0.7.

Lưu ý: do hạn chế về thời gian và nguồn lực, việc tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính theo cách thức hướng dẫn trong công văn này không yêu cầu tính chính xác theo các nguyên tắc thống kê. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thuyết phục của việc tính toán, cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tiếp cận cẩn trọng đã nêu trên trong việc thu thập số liệu. Như vậy, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nếu tính theo các nguyên tắc thống kê sẽ luôn ở mức cao hơn con số tính toán theo hướng dẫn tại công văn này, vì các số liệu dùng để tính toán đã được chọn ở mức trung bình thấp.

3. Công đoạn 3: nhập số liệu và tính toán

Sử dụng các số liệu đã thu thập ở trên để điền vào file excel “Bảng ứng dụng tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính” do Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ xây dựng (xem phụ lục 1). File excel này đã có các công thức cần thiết. Người sử dụng chỉ cần nhập các dữ liệu vào các ô có liên quan mà không cần phải lập công thức. Nêu rõ nguồn dữ liệu thu thập được trong cột ghi chú của file excel nêu trên (ví dụ: theo định mức do Tổ công tác chuyên trách cung cấp; theo văn bản pháp luật (nếu rõ tên, số, ký hiệu văn bản); do vụ, cục chức năng cung cấp, v.v…)

Sau khi điền đủ và đúng số liệu, bảng excel sẽ tự động tính toán các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và cho biết số liệu theo từng hoạt động của thủ tục hành chính và tổng cộng đối với các thủ tục hành chính.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ