Thứ 6, Ngày 01/11/2024

Công văn 27/BXD-VLXD năm 2017 giải đáp thắc mắc thời gian, lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 27/BXD-VLXD
Ngày ban hành 27/07/2017
Ngày có hiệu lực 27/07/2017
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Phạm Văn Bắc
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/BXD-VLXD
V/v giải đáp thắc mắc thời gian, lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công

Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2017

 

Kính gửi: Công ty Luật TNHH Trí Hùng & Cộng Sự

Bộ Xây dựng nhận được công văn số 124/2017/CV-TH&CS ngày 04/7/2017 của Công ty Luật TNHH Trí Hùng & Cộng Sự đề nghị giải đáp thắc mắc thời gian, lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Về thời gian, lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thì đến năm 2016, loại bỏ ít nhất 50% số lò thủ công gián đoạn trên cả nước; đến năm 2020, xóa bỏ toàn bộ các lò thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn trên phạm vi toàn quốc.

Xuất phát từ tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất vôi thủ công tại khu vực thị trấn An Bài huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình đã diễn ra liên tục trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân xung quanh và của chính gia đình các hộ, sản xuất kinh doanh vôi. Vấn đề này đã được các phương tiện truyền thông nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Thái Bình tại công văn số 5971/VPCP-KGVX ngày 30/7/2015 về việc làm rõ thông tin “50 hộ dân bị gần 100 lò vôi bao quanh” và xử lý theo thẩm quyền. Mặt khác, Thái Bình không có nguồn nguyên liệu đá vôi để sản xuất vôi, nguồn đá để sản xuất vôi chủ yếu được thu gom từ một số tỉnh lân cận. Việc thực hiện chủ trương xóa bỏ lò vôi theo quy hoạch vôi đã phê duyệt, xử lý tình hình ô nhiễm môi trường của các lò sản xuất vôi thủ công và việc UBND tỉnh Thái Bình chủ động xây dựng, ban hành Quyết định số 3942/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 về việc phê duyệt Đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình là phù hợp với chủ trương, lộ trình trong quy hoạch vôi là đến năm 2016, loại bỏ ít nhất 50% số lò thủ công gián đoạn trên cả nước” là mốc thời gian cuối cùng của giai đoạn 01 và đạt tối thiểu là 50%, “đến năm 2020, xóa bỏ toàn bộ các lò thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn trên phạm vi toàn quốc” là mốc thời gian cuối cùng của giai đoạn 02 và đạt là 100%.

2. Về mức hỗ trợ thực hiện công tác tháo dỡ lò vôi thủ công

Theo Quyết định số 1953/QĐ-UBND ngày 26/8/2009 của UBND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thái Bình đến năm 2020, công nghiệp sản xuất vôi không được định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Các cơ sở sản xuất vôi thủ công tại khu vực cầu Nghìn, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã không được quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thái Bình đến năm 2020; vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường đê điều và không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Như vậy, các tổ chức, hộ kinh doanh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh nếu vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, đê điều, cấp phép xây dựng khi nhà nước thu hồi chỉ được xem xét hỗ trợ theo quy định Mục b Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 113/2007/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất vôi thủ công tại khu vực thị trấn An Bài đã diễn ra hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân tại thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, do đó UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình (Quyết định số 3942/QĐ-UBND ngày 26/12/2016). Đa phần các hộ sản xuất vôi thủ công đều chấp hành, nhân dân sinh sống tại khu vực thị trấn An Bài đã đồng tình ủng hộ. Đến nay, theo số liệu từ Sở Xây dựng, thì đã xóa bỏ 41 trong tổng số 64 lò thủ công (với 69 ruột lò trong tổng số 115 ruột lò thủ công).

Để chủ trương xóa bỏ lò vôi thủ công trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng triển khai thuận lợi, tạo sự bình đẳng giữa những cơ sở sản xuất vôi thủ công đã chấp hành thực hiện xóa bỏ theo chủ trương của tỉnh Thái Bình, Bộ Xây dựng hoan nghênh và đề nghị Công ty Luật TNHH Trí Hùng & Cộng Sự tuyên truyền, ủng hộ chủ trương đúng đắn xóa bỏ lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng giải đáp thắc mắc thời gian, lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Bộ Xây dựng mong nhận được sự phối hợp của Công ty Luật TNHH Trí Hùng & Cộng Sự./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh (để b/c);
- UBND tỉnh Thái Bình;
- Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình;
- Lưu: VT, VLXD

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ VẬT LIỆU XÂY DỰNG




Phạm Văn Bắc