Công văn 2636/BTP-CNTT năm 2020 về hướng dẫn triển khai tích hợp một số dịch vụ công của Ngành Tư pháp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia do Bộ Tư pháp ban hành
Số hiệu | 2636/BTP-CNTT |
Ngày ban hành | 21/07/2020 |
Ngày có hiệu lực | 21/07/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tư pháp |
Người ký | Nguyễn Khánh Ngọc |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2636/BTP-CNTT |
Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2020 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 24/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg Phê duyệt Danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020, trong đó yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2020 thực hiện tích hợp các thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh và cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Về vấn đề này, Bộ Tư pháp xin thông tin như sau:
1. Thực trạng hoạt động của các Phân hệ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và đăng ký hộ tịch trực tuyến
Triển khai thực hiện Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 08/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến” và các yêu cầu của Chính phủ về việc triển khai Chính phủ điện tử, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, lần lượt từ cuối năm 2015 và cuối năm 2016, Bộ Tư pháp đã xây dựng, triển khai đưa vào sử dụng:
- Phân hệ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (thuộc Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung) cho các Sở Tư pháp trên toàn quốc;
- Phân hệ đăng ký hộ tịch trực tuyến (thuộc Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung) cho các Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã tại các địa phương chưa có điều kiện triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh/thành phố1.
Phân hệ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và Phân hệ đăng ký hộ tịch trực tuyến thực hiện tiếp nhận và chuyển thông tin trực tiếp tới các Hệ thống phần mềm nghiệp vụ của Bộ để công chức tại Bộ phận nghiệp vụ xử lý.
Việc triển khai các Phân hệ đăng ký trực tuyến nói trên đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho các địa phương trong việc giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp và đăng ký hộ tịch. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/04/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của Ủy ban nhân dân các cấp, quy định về việc tiếp nhận và xử lý các yêu cầu đăng ký trực tuyến đã có nhiều sự thay đổi:
- Thứ nhất, về cách thức tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến: Điều 16 của Nghị định 61/2018/NĐ-CP chỉ quy định hình thức nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh mà không quy định hình thức nộp hồ sơ trực tuyến thông qua các hệ thống đăng ký trực tuyến chuyên ngành như Phân hệ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và Phân hệ đăng ký hộ tịch trực tuyến.
- Thứ hai, về cách thức tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến: Khoản 1, 2 Điều 17, Khoản 1 Điều 18 của Nghị định 61/2018/NĐ-CP và Điều 11 của Nghị định 45/2020/NĐ-CP quy định các hồ sơ do tổ chức, cá nhân nộp bằng hình thức trực tuyến phải được chuyển đến cơ quan nghiệp vụ có thẩm quyền giải quyết qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh sau khi được tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công.
- Thứ ba, về các yêu cầu cấp Mã số hồ sơ được ghi trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, đăng ký tài khoản, đồng bộ thông tin tài khoản, đồng bộ trạng thái xử lý hồ sơ với Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện các giải pháp thanh toán trực tuyến, giải pháp phục vụ đánh giá chất lượng và theo dõi tình hình giải quyết thủ tục hành chính… được quy định tại Khoản 3 Điều 17, Khoản 2 Điều 25 của Nghị định 61/2018/NĐ-CP và Chương II của Nghị định 45/2020/NĐ-CP: Các yêu cầu này được thực hiện tại Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Đến nay hầu hết các địa phương đã xây dựng và đưa vào sử dụng Cổng Dịch vụ công tập trung và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh2, trong khi đó, các Phân hệ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp và đăng ký hộ tịch trực tuyến chưa đáp ứng được các yêu cầu này3.
2. Giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới
Từ thực tiễn nêu trên, để các địa phương có thể triển khai một cách đồng bộ và thống nhất các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 411/QĐ- TTg trong việc tích hợp các thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh và cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đảm bảo phù hợp với các quy định của Chính phủ tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP và Nghị định 45/2020/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương sớm chủ động xây dựng và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính nêu trên trên Cổng Dịch vụ công tập trung của tỉnh/thành phố, đồng thời, tích hợp dữ liệu được công dân đăng ký vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh thay vì trực tiếp sử dụng các Phân hệ đăng ký trực tuyến của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn giải pháp và hỗ trợ các địa phương thực hiện kết nối, tích hợp dữ liệu giữa Hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố với các Hệ thống phần mềm nghiệp vụ của Bộ theo đúng các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 quy định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước, cụ thể:
2.1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân và Sở Tư pháp triển khai một số nội dung như sau:
- Một là, chủ động xây dựng và triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp; đăng ký khai sinh (bao gồm đăng ký khai sinh lần đầu, đăng ký khai sinh lại, liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi); cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh/thành phố, đồng thời, tích hợp thông tin đã được công dân đăng ký trên Cổng Dịch vụ công vào Hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố theo đúng các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp, pháp luật về hộ tịch và các quy định của Chính phủ tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP và Nghị định 45/2020/NĐ-CP.
- Hai là, thực hiện kết nối, tích hợp dữ liệu đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp (tờ khai và bản chụp của các giấy tờ kèm theo (nếu có)) giữa Hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố với Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung cho các Sở Tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp (Cục Công nghệ thông tin) tại Công văn số 72/CNTT-HTTT&CSDL ngày 05/02/2018 gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kết nối hệ thống thông tin với Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung và thực hiện kết nối, tích hợp dữ liệu đăng ký khai sinh, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (tờ khai và bản chụp của các giấy tờ kèm theo (nếu có)) giữa Hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn số 2823/BTP-CNTT ngày 29/7/2019 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kết nối, liên thông dữ liệu hộ tịch đảm bảo đáp ứng các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.
- Ba là, phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai kết nối, đồng bộ thông tin các thủ tục đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp; đăng ký khai sinh (bao gồm đăng ký khai sinh lần đầu, đăng ký khai sinh lại, liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi); cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân giữa Cổng Dịch vụ công của tỉnh/thành phố với Cổng Dịch vụ công Quốc gia đảm bảo đáp ứng các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
2.2. Để đảm bảo tính đồng bộ, trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương thực hiện kết nối Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh/thành phố với các Hệ thống phần mềm nghiệp vụ của Bộ theo mô hình đã được hướng dẫn tại các Công văn số 72/CNTT-HTTT&CSDL và 2823/BTP- CNTT nêu trên. Vì vậy, đối với các địa phương đang được Bộ Tư pháp hỗ trợ kết nối trực tiếp, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông sớm triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình kết nối sang mô hình được hướng dẫn tại hai công văn nêu trên.
Trên đây là hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc triển khai tích hợp một số dịch vụ công của Ngành Tư pháp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để biết và chỉ đạo thực hiện.
Trân trọng./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
1 Hiện nay, Phân hệ đăng ký hộ tịch trực tuyến của Bộ Tư pháp đang được triển khai áp dụng tại 07 địa phương gồm TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Bình Dương, Hà Giang, Bắc Kạn, Bến Tre và Quảng Nam.
2 Điển hình như tỉnh An Giang đã triển khai một cách hiệu quả các dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp và đăng ký hộ tịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP và Nghị định 45/2020/NĐ-CP. Do đó, vừa qua ngày 8/5/2020, Sở Tư pháp đã có Công văn số 557/STP-HCTP đề nghị Bộ Tư pháp cho dừng tiếp nhận thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên Phân hệ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến của Bộ để sử dụng tập trung, thống nhất trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh.
3 Theo Điểm a Khoản 1 Điều 17 và Khoản 1 Điều 19 của Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ Hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Mã số hồ sơ thủ tục hành chính được sinh tự động từ Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh và mỗi đơn vị được cấp một dãy Mã số riêng, không phụ thuộc vào thủ tục hành chính. Do đó, nếu tiến hành nâng cấp các Phân hệ đăng ký trực tuyến của Bộ Tư pháp để đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 3 Điều 17, Khoản 2 Điều 25 của Nghị định 61/2018/NĐ-CP và Chương II của Nghị định 45/2020/NĐ-CP, các Phân hệ đăng ký trực tuyến của Bộ Tư pháp vẫn phải kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tất cả các địa phương để mỗi khi tiếp nhận một yêu cầu đăng ký trực tuyến phải chuyển ngay hồ sơ về Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh/thành phố tương ứng và lấy về Mã số hồ sơ, sau đó mới có thể thông báo việc đăng ký thành công và cung cấp Mã số hồ sơ cho người đăng ký. Bên cạnh đó, mỗi địa phương lại có nhu cầu thực hiện giải pháp thanh toán trực tuyến với một đối tác riêng, do đó, Bộ Tư pháp rất khó có thể nâng cấp các Phân hệ đăng ký trực tuyến để cá thể hóa đối với nhu cầu riêng của từng địa phương.