Công văn 25539/CTHN-TTHT năm 2022 về thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động nhận viện trợ do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 25539/CTHN-TTHT
Ngày ban hành 03/06/2022
Ngày có hiệu lực 03/06/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục thuế thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Tiến Trường
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25539/CTHN-TTHT
V/v thuế GTGT đối với hoạt động nhận viện trợ

Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2022

 

Kính gửi: Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES)
(Địa chỉ: Nhà 16, ngõ 34/23 đường Nguyên Hồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội; MST: 0103639905)

Trả lời văn bản số 02.2022/CV-CECODES ngày 09/5/2022 và văn bản số 01.2022/CV-CECODES ngày 30/3/2022 của Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) (sau đây gọi tắt là Trung tâm) vướng mắc về thuế GTGT đối với hoạt động nhận viện trợ, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ khoản 6 Điều 1 Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

“6. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 10. Thuế suất

1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 của Luật này.

Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

2. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%.

Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề.

3. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.”

- Căn cứ Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi tắt là viện trợ) thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại Điều 1 Nghị định này.

2. Bên cung cấp viện trợ trong Nghị định này là các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thiện chí tôn trọng và chấp hành luật pháp Việt Nam, bao gồm:

a) Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức phi lợi nhuận, các quỹ xã hội, quỹ tư nhân được thành lập theo luật pháp nước ngoài;

b) Các cá nhân nước ngoài, bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

c) Các doanh nghiệp, công ty được thành lập theo luật pháp nước ngoài không bao gồm các tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư;

d) Các tổ chức nghiên cứu và đào tạo được thành lập theo luật pháp nước ngoài (bao gồm cả các viện nghiên cứu, tổ chức hợp tác thuộc chính phủ nước ngoài);

đ) Các bộ, cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam trực tiếp cung cấp khoản viện trợ, hoặc ủy quyền cho các tổ chức pháp nhân nước ngoài quản lý các khoản viện trợ mà việc tiếp nhận và thực hiện khoản viện trợ không yêu cầu phải ký kết chính thức theo quy định của Luật Điều ước quốc tế hoặc không yêu cầu bên Việt Nam ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Bên tiếp nhận viện trợ trong Nghị định này là các cơ quan, tổ chức Việt Nam được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của khoản viện trợ tiếp nhận:

a) Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động;

b) Các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ và quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập hợp pháp theo các quy định của pháp luật Việt Nam về hội, tổ chức khoa học và công nghệ, quỹ xã hội, quỹ từ thiện;

c) Doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường;

d) Các đối tượng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.”

+ Tại khoản 5 điều 3 quy định về giải thích từ ngữ

3. “Cơ quan chủ quản” bao gồm:

a) Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị và các cơ quan trực thuộc; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; cơ quan trực thuộc Quốc hội; Kiểm toán Nhà nước; Văn phòng Chủ tịch nước; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);

[...]