Công văn 2462/TCHQ-KTTTcủa Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo CEPT-1999

Số hiệu 2462/TCHQ-KTTT
Ngày ban hành 08/05/1999
Ngày có hiệu lực 08/05/1999
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Nguyễn Văn Cầm
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2462/TCHQ-KTTT

Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 1999

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 2462/TCHQ-KTTT NGÀY 8 THÁNG 5 NĂM 1999 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THUẾ NHẬP KHẨU ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT THEO CEPT-99

Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố

Ngày 20-4-1999, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 41/1999/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 14/1999/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN cho năm 1999. Để việc thực hiện thống nhất trong toàn quốc Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG ĐỂ XÉT HƯỞNG THUẾ ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT THEO CHƯƠNG TRÌNH CEPT CHO HÀNG HOÁ CỦA CÁC NƯỚC ASEAN TRONG NĂM 1999

1. Hàng hoá nhập khẩu nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây sẽ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định của Nghị định số 14/1999/NĐ-CP ngày 23-3-1999 của Chính phủ:

a) Là mặt hàng có trong Danh mục hàng hoá ban hành kèm theo Nghị định số 14/1999/NĐ-CP ngày 23-3-1999 của Chính phủ.

b) Là mặt hàng nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN vào Việt Nam.

c) Là mặt hàng đảm bảo tiêu chuẩn về hàm lượng xuất xứ theo CEPT và có xác nhận xuất xứ hàng hoá từ các nước ASEAN (theo hướng dẫn tại Mục II dưới đây).

d) Hàng được chuyển thẳng từ nước xuất khẩu là thành viên ASEAN đến Việt Nam (theo hướng dẫn tại Mục III dưới đây).

2. Danh sách các nước thành viên ASEAN

1. Brunây;

2. Cộng hoà Iđônêsia;

3. Malayxia;

4. Cộng hoà Philippin;

5. Cộng hoà Singgapo;

6. Vương quốc Thái Lan;

7. Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào;

8. Liên bang Myanma;

9. Vương quốc Campuchia.

II. GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ VÀ KIỂM TRA GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ

1. Giấy chứng nhận xuất xứ (dưới đây gọi tắt là C/O)

a) Các quy tắc để hàng hoá được công nhận là có xuất xứ từ các nước ASEAN theo quy định tại phụ lục 1, 3, 5, của quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN của Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 416/TM-ĐB ngày 13-5-1996 và Quyết định số 0878/1998/QĐ-BTM ngày 30-7-1998 của Bộ Thương mại.

b) Các cơ quan có thẩm quyền cấp C/O mẫu D của từng nước thành viên theo quy định tại Điểm 2 Mục III Thông tư số 41/1999/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 1999 của Bộ Tài chính.

Trường hợp nếu giấy C/O (Mẫu D) đã tuân thủ Điều kiện 1 (a) - Mục II này và do các cơ quan trực thuộc và được uỷ quyền của cơ quan nêu tại Điểm 2 Mục III - Thông tư số 41/1999/TT-BTC cấp nhưng vẫn có chữ ký và con dấu phù hợp với mẫu chữ ký và con dấu chính thức do các cơ quan có thẩm quyền nêu trên thông báo cho các nước thành viên thì cũng được chấp nhận xét áp dụng thuế suất CEPT-99.

c) Giấy chứng nhận xuất xứ phải có chữ ký và con dấu phù hợp với mẫu chữ ký và con dấu chính thức do các cơ quan có thẩm quyền nêu tại Điểm 2 Mục III - Thông tư số 41/1999/TT-BTC thông báo cho các nước thành viên.

d) Giấy C/O mẫu D: Gồm có 4 bản, 1 bản chính (bản số 1, mẫu tím nhạt) và 3 bản sao (bản số 2, 3, 4 mầu vàng da cam). Bản chính và bản sao số 3 chủ hàng phải nộp cho cơ quan hải quan nơi nhập khẩu hàng.

2. Kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ

[...]