Công văn số 2419/BLĐTBXH-QLLĐNN ngày 25/07/2002 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nâng cao chất lượng tổ chức và quản lý đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài

Số hiệu 2419/BLĐTBXH-QLLĐNN
Ngày ban hành 25/07/2002
Ngày có hiệu lực 25/07/2002
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Trần Văn Hằng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2419/BLĐTBXH-QLLĐNN
V/v: Nâng cao chất lượng tổ chức và quản lý đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2002

 

Kính gửi:

Các Doanh nghiệp có giấy phép hoạt động đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan

 

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc khai thác và thực hiện hợp đồng, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và các chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Cục Quản lý lao động với nước ngoài về đưa lao động sang làm việc tạ Đài Loan. Số lượng lao động đưa sang làm việc tại Đài Loan tăng nhanh, đến nay đã có gần 24.000 người, riêng 6 tháng đầu năm nay đã có trên 8000 người được đưa sang làm việc tại Đài Loan tương đương với số lao động đưa sang trong cả năm 2001. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã bộc lộ một số tồn tại cần được chấn chỉnh trong các khâu ký kết hợp đồng; đăng ký hợp đồng; tuyển chọn, đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động; thực hiện chế độ tài chính đối với người lao động; trong việc thu phí dịch vụ của doanh nghiệp và tình trạng số lao động tự bỏ hợp đồng trong thời gian gầy đây gia tăng... Để ổn định và đẩy mạnh hơn nữa việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc có thời hạn tại Đài Loan, đảm bảo kế hoạch năm 2002 và các năm tới, khắc phục các tồn tại trên, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện một số quy định sau:

1. Đăng ký hợp đồng tại Cục QUảN Lí lao động với nước ngoài

Thực hiện đầy đủ việc đăng ký hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 152/1999/NĐ-CP ngày 20/9/1999 của Chính phủ và quy định tại Hướng dẫn số 360/QLLĐNN-TTLĐ ngày 24/8/2000 của Cục Quản lý lao động với nước ngoài về đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan. Những hợp đồng chưa đăng ký trong thời gian trước cần đăng ký bổ sung và hoàn thành việc hoàn nộp phí quản lý 1% theo quy định của Thông tư số 16/2000/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 28/02/2000 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.

2. Tuyển chọn lao động

Tổ chức tuyển chọn trực tiếp, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã, phường và lãnh đạo các cơ sở sản xuất, cơ quan đoàn thể và cơ sở đào tạo để đảm bảo tuyển được những lao động có đạo đức tốt, xuất thân từ những gia đình chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; không thu phí tuyển chọn đối với người lao động.

Công bố công khai và rõ ràng về số lượng tuyển, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc và sinh hoạt, quyền lợi thu nhập của người lao động và các khoản chi phí đối với người lao động.

3. Đào tạo - giáo dục định hướng

a- Tổ chức đào tạo - giáo dục định hướng:

Tổ chức đào tạo ngoại ngữ (tiếng Hoa) - giáo dục định hướng cho người lao động theo đúng quy định của Cục Quản lý lao động với nước ngoài. Trước khi tiến hành đào tạo ngoại ngữ, tay nghề - giáo dục định hướng phải cho người lao động học tập kỹ về điều kiện hợp đồng, các khoản thu trước khi đi, các khoản trích nộp từ tiền lương trong thời gian làm việc tại Đài Loan để người lao động có thể tính được thu nhập thực tế hàng tháng trong thời gian làm việc tại Đài Loan. Trong quá trình đào tạo, doanh nghiệp phải tổ chức quản lý học viên để theo dõi về ý kiến tổ chức kỷ luật; kiên quyết loại bỏ những lao động thiếu ý thức kỷ luật, đạo đức kém; kết thúc khóa đào tạo, phải tổ chức kiểm tra chất lượng phù hợp với yêu cầu của đối tác để cấp chứng chỉ.

b- Thu học phí đào tạo - giáo dục định hướng:

Thực hiện thu học phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 46/2001/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 20/6/2001 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn quản lý thu, chi học phí đối với hoạt động đào tạo theo phương thức không chính quy trong các trường và cơ sở đào tạo công lập.

4. Thực hiện các chế độ tài chính:

Thực hiện nghiêm túc các chế độ tài chính quy định tại Nghị định 152/1999/NĐ-CP ngày 20/9/1999 của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định và các văn bản chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Cục Quản lý lao động với nước ngoài về đưa lao động và chuyên gia Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan. Riêng đối với vấn đề thu phí dịch vụ, các doanh nghiệp có thể thoả thuận với người lao động thu trước phí dịch vụ một lần hoặc từng đợt trong quá trình thực hiện hợp đồng, không uỷ nhiệm hoặc uỷ thác các đối tác thu hộ. Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc về nước trước hạn doanh nghiệp phải điều chỉnh mức thu khi thanh lý hợp đồng với người lao động theo quy định hiện hành.

Báo cáo định kỳ việc thu phí dịch vụ của doanh nghiệp, những khó khăn và đề xuất hướng xử lý, để có cơ sở tổng hợp và chỉ đạo giải quyết. Trước mắt, các doanh nghiệp phải chủ động làm việc với đối tác, chủ động trong hướng xử lý. Với các đối tác cố tình chiếm dụng khoản phí này, cần có báo cáo cụ thể với Cục Quản lý lao động với nước ngoài, Cơ quan chủ quản và Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc để phối hợp hỗ trợ giải quyết.

5. Khắc phục và hạn chế số lao động tự bỏ hợp đồng:

a- Có giải pháp hữu hiệu giảm số lượng lao động bỏ trốn hiện có.

- Thống kê danh sách lao động bỏ trốn, phân loại theo nguyên nhân và có giải pháp phù hợp cho từng đối tượng để sớm đưa về nước, giảm nhanh số lượng bỏ trốn hiện có của doanh nghiệp.

- Phối hợp với Bộ phận Quản lý lao động tại Đài Bắc và gia đình lao động bỏ trốn, động viên lao động tự nguyện về nước. Với những đối tượng tự nguyện xin về nước, tạm thời không áp dụng các chế tài xử phạt khi thanh lý hợp đồng.

- Báo cáo với Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc để phối hợp với cơ quan thẩm quyền phía Bạn kiên quyết đưa các lao động bỏ trốn có hoạt động tham gia vào các tổ chức lôi kéo lao động khác bỏ trốn hoặc các hoạt động bất hợp pháp khi có đủ chứng cứ.

b- Có giải pháp chủ động khắc phục tình trạng lao động bỏ trốn.

Thực hiện nghiêm túc các quy định tại điểm 1, 2, 3, 4 nêu trên, đồng thời thực hiện một số giải pháp sau:

- Bổ sung trong điều khoản hợp đồng ký với lao động với nội dung: lao động được gia hạn hợp đồng khi chủ sử dụng có nhu cầu hoặc được ký tiếp hợp đồng mới với thời hạn tối đa không quá 03 năm làm việc tại Đài Loan hoặc được ưu tiên tuyển chọn đi lao động ở nước khác khi hoàn thành tốt hợp đồng lao động trước đó.

- Tạm dừng tuyển chọn lao động tại các địa phương có nhiều lao động bỏ trốn.

- Quản lý và kiểm tra chặt chẽ chất lượng lao động tuyển chọn đi thuyền viên tàu cá.

- Nâng cao trách nhiệm của cán bộ quản lý lao động của doanh nghiệp tại Đài Loan và thực hiện nghiêm túc quy định: Doanh nghiệp có trên 100 lao động hiện đang làm việc tại Đài Loan phải có đại diện làm nhiệm vụ quản lý lao động tại Đài Loan.

Bộ Lao động - Thương binh và xã hội yêu cầu các Doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định nêu trên, trước mắt tập trung chấn chỉnh các vấn đề tồn tại phát sinh trong thời gian qua. Doanh nghiệp nào có vi phạm, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý bằng hình thức tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc đưa lao động sang Đài Loan làm việc. Đối với các Doanh nghiệp có tỷ lệ lao động bỏ trốn trên 3% trở lên so với tổng số lao động đã đưa sang, trong thời hạn 45 ngày (kể từ khi ban hành văn bản này) nếu không có biện pháp giảm tỷ lệ nêu trên thì sẽ bị tạm đình chỉ việc thẩm định hợp đồng đưa lao động sang Đài Loan.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ