Công văn 2355/BYT-DP năm 2014 tăng cường công tác phòng chống dịch, bệnh tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 2355/BYT-DP |
Ngày ban hành | 29/04/2014 |
Ngày có hiệu lực | 29/04/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Nguyễn Thanh Long |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội |
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2355/BYT-DP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 2014 |
Kính gửi: Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013, tuy nhiên một số tỉnh, thành phố có số mắc cao tăng cao hơn so với năm 2013 như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Kon Tum, Đắk Lắk. Dự báo tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Để tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch, bệnh tay chân miệng theo kết luận của hội nghị phòng chống dịch ngày 2/1/2014 và đẩy mạnh chiến dịch truyền thông rửa tay bằng xà phòng, phòng chống dịch bệnh đã được Bộ Y tế phát động, Bộ Y tế đề nghị Đồng chí Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sau:
1. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm tay chân miệng tại gia đình và cộng đồng.
2. Phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức tuyên truyền tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học. Thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
3. Chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng. Thực hiện điều tra, đánh giá để xác định các đối tượng nguy cơ để đưa ra các biện pháp phòng chống phù hợp với tình hình dịch bệnh.
4. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.
5. Chủ động chuẩn bị đủ kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế.
6. Thực hiện việc thông tin, báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, điện thoại: 04.38456255, fax: 04.37366241, email: baocaobtn@gmaiI.com).
Trân trọng cảm ơn./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |