Công văn số 2336/BTTTT-ƯDCNTT về việc hướng dẫn kết nối, sử dụng mạng TSLCD của cơ quan Đảng và Nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 2336/BTTTT-ƯDCNTT
Ngày ban hành 21/07/2008
Ngày có hiệu lực 21/07/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Minh Hồng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG 
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 2336/BTTTT-ƯDCNTT
V/v hướng dẫn kết nối, sử dụng mạng TSLCD của cơ quan Đảng và Nhà nước  

Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 2008

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các cơ quan Trung ương;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin các cơ quan Đảng.

 

Mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) của cơ quan Đảng và Nhà nước đã triển khai xong giai đoạn I (kết nối đến các tỉnh thành, bộ ngành và một số cơ quan liên quan) và đang triển khai giai đoạn II, dự tính sẽ hoàn thành trong quý 3 năm 2008 (kết nối tới các sở ban, ngành địa phương và các quận huyện. Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn kết nối, sử dụng mạng TSLCD của cơ quan Đảng và Nhà nước phục vụ cho việc triển khai ứng dụng CNTT trong giai đoạn tới như sau:

1. Tổng quát chung về hiện trạng mạng TSLCD hiện nay

1.1. Giới thiệu

- Mạng TSLCD của cơ quan Đảng và Nhà nước là mạng tốc độ cao truyền dẫn bằng cáp quang, sử dụng phương thức chuyển mạch nhãn đa giao thức trên nền IP (IP/MPLS) kết nối đến các cơ quan Đảng, Chính phủ và Quốc hội tại Trung ương, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, Văn phòng tỉnh/thành ủy, Văn phòng huyện/thị ủy, UBND tỉnh thành, UBND Quận/Huyện, Sở, Ban, Ngành địa phương tại 64 tỉnh thành trên toàn quốc (chi tiết về mô hình mạng TSLCD được trình bày trong phụ lục 1 kèm theo công văn này).

- Đơn vị quản lý, vận hành và khai thác mạng TSLCD của cơ quan Đảng và Nhà nước là Cục Bưu điện Trung ương thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Các đơn vị được sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng bao gồm các cơ quan Đảng và Nhà nước từ trung ương tới địa phương.

- Mục tiêu đạt được của mạng TSLCD:

+ Cung cấp các cổng kết nối tốc độ cao (10/100/1000 Mbit/s) từ Trung ương tới các tỉnh/thành và quận, huyện trong toàn quốc cho phép các mạng máy tính cục bộ (LAN) của các cơ quan Đảng, Nhà nước tại các cấp kết nối với nhau tạo thành mạng truyền số liệu nội bộ (Intranet).

+ Cung cấp cổng kết nối Internet: cho phép các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối và khai thác thông tin Internet một cách hiệu quả tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (và Đà Nẵng trong giai đoạn II).

+ Mạng truyền số liệu nội bộ cùng với mạng cung cấp cổng kết nối Internet làm thành Mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước.

1.2. Quy mô, năng lực các dự án mạng TSLCD đã đầu tư:

- Giai đoạn 1: Kết nối đến các cơ quan Đảng, Chính phủ và Quốc hội tại Trung ương, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, Văn phòng tỉnh/thành ủy, UBND tỉnh thành tại 64 tỉnh thành trên toàn quốc. Tổng số điểm kết nối là 233, các kết nối sử dụng cáp quang, giao diện Ethernet.

- Giai đoạn 2: Kết nối đến các Quận/Huyện, Sở, Ban, Ngành địa phương tại các tỉnh, thành phố trên cả nước với nhau, với các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội và với mạng đường trục. Tổng số điểm kết nối bổ sung trong giai đoạn này là 2970 điểm, sử dụng giao diện SHDSL. Các thiết bị lớp đường trục được trang bị dự phòng, đảm bảo an toàn hoạt động của thiết bị, kết nối.

- Như vậy sau khi thực hiện dự án mạng TSLCD giai đoạn 2, mạng WAN tại các tỉnh, thành phố kết nối đến các cơ quan cấp huyện đã được xây dựng, đồng thời mạng WAN tại các tỉnh, thành phố được kết nối về các cơ quan Trung ương.

- Mạng TSLCD được kết nối Internet tại 3 điểm, được trang bị hệ thống tường lửa, kiểm soát truy nhập.

- Mạng TSLCD đảm bảo băng thông, an toàn thông tin, bảo mật.

1.3. Tiến độ, kế hoạch triển khai:

- Hiện nay Cục Bưu điện Trung ương (Cục BĐTW) đã cung cấp kết nối thử nghiệm cho một số đơn vị trên địa bàn Hà Nội (sử dụng dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao và đặt chỗ máy chủ) và triển khai nhiều phiên Hội nghị truyền hình qua mạng phục vụ giao ban trực tuyến của các cơ quan Chính phủ.

- Cục BĐTW đã lập phương án để triển khai giai đoạn II trong tháng 7/2008 cho các Bộ, tỉnh, thành phố triển khai mô hình điểm (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp và các tỉnh/thành phố Lào Cai, Đắk Lắk, Nghệ An, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh).

- Trong thời gian tới, kế hoạch triển khai như sau:

+ Đối với các Bộ, tỉnh, thành phố triển khai mô hình điểm: sẽ triển khai lắp đặt tại các Bộ trước, tiếp đến là các tỉnh, thành phố trong tháng 7/2008.

+ Các tỉnh, thành phố, Bộ, ngành còn lại: sẽ triển khai sau khi hoàn thành và đánh giá được kết quả chạy thử nghiệm của các Bộ, tỉnh, thành phố triển khai mô hình điểm nói trên, cụ thể: tháng 8/2008 sẽ lắp đặt tại các tỉnh, thành phố, Bộ, ngành, tháng 12/2008 sẽ hoàn thành dự án.

Các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin các cơ quan Đảng cần chuẩn bị các yêu cầu về mô hình, kế hoạch sử dụng mạng TSLCD của mình và phối hợp với Cục BĐTW tiến hành khảo sát, thu thập số liệu mạng thực tế để xây dựng mô hình kỹ thuật, kế hoạch, phương án đấu nối.

2. Khả năng sử dụng mạng TSLCD của cơ quan Đảng và Nhà nước

2.1. Các dịch vụ có khả năng khai thác trên mạng TSLCD do Cục BĐTW cung cấp (có thể kết hợp với các gói dịch vụ khác của VNPT nhưng dựa trên đầu mối duy nhất của Cục BĐTW).

a. Các dịch vụ kết nối mạng riêng ảo (VPN) gồm:

- Dịch vụ Intranet IP/MPLS VPN.

[...]