Công văn 2314/BNN-VPĐP năm 2023 về quan tâm, đẩy mạnh quy hoạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2314/BNN-VPĐP
Ngày ban hành 13/04/2023
Ngày có hiệu lực 13/04/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Trần Thanh Nam
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2314/BNN-VPĐP
V/v quan tâm, đẩy mạnh quy hoạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn 2021-2025

Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2023

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trên cơ sở kết quả đạt được sau hơn 10 năm thực hiện tiêu chí về quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới (đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Xây dựng tổng kết tại Hội nghị toàn quốc về Quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn 2021-2025, tổ chức ngày 17/02/2023 tại Hải Phòng) và mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/02/2023 về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống. Đề nghị các địa phương:

1. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng vùng huyện (gọi tắt là quy hoạch nông thôn), nhất là các quy hoạch đã hết thời hạn, phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia và các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.

2. Nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch nông thôn để đảm bảo đáp ứng mục tiêu của quy hoạch là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch nông thôn phải đảm bảo tính kết nối giữa nông thôn - đô thị, nông thôn - vùng phát triển công nghiệp, nông thôn - vùng phát triển du lịch dịch vụ, đồng bằng - miền núi và tính đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững.

3. Quy hoạch nông thôn gắn với đô thị hóa; cần có những quy định cụ thể về xây dựng nông thôn mới cho các xã ven đô, các xã, huyện được quy hoạch thành đô thị (vừa đáp ứng được các quy định về tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vừa phù hợp với định hướng phát triển thành đô thị) để kế thừa kết quả xây dựng nông thôn mới khi trở thành đô thị, đồng thời hạn chế tối đa trong việc xáo trộn trong đầu tư xây dựng. Đẩy mạnh phát triển các yếu tố tạo đô thị trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở tiềm năng của từng khu vực như phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, các khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn…

Đồng thời, cần thí điểm xây dựng các mô hình xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa tại các xã ven đô hoặc các xã/huyện được quy hoạch phát triển thành đô thị. Trong đó, bên cạnh các giải pháp về hạ tầng kết nối, cần có các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đời sống của người dân; đào tạo nghề phi nông nghiệp và tạo việc làm cho người dân nông thôn để từng bước thích ứng với cuộc sống đô thị; có giải pháp đối với các áp lực về môi trường; giữ vững an ninh trật tự và đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống… Cần định hướng xây dựng nông thôn mới vùng ven đô trở thành vùng đệm, vùng xanh, khu vực nghỉ dưỡng cho các vùng đô thị liền kề.

4. Quy hoạch nông thôn phải nghiên cứu, xem xét tính đặc thù với từng vùng, miền, địa phương gắn với bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị đặc sắc của kiến trúc dân gian truyền thống, văn hóa lịch sử, cảnh quan tự nhiên, những nội dung cấu thành làm nên sự khác biệt giữa nông thôn và đô thị (tránh tư duy nông thôn mới nghĩa là cái gì cũng xây mới). Xây dựng và ban hành các thiết kế mẫu điển hình về nhà ở khu vực nông thôn và sử dụng các thiết kế mẫu này trong các chương trình/kế hoạch/dự án hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ chính sách. Rà soát thí điểm triển khai nâng cấp một số cụm, tuyến dân cư, các mô hình điểm du lịch nông thôn có khả năng đạt các tiêu chí đô thị. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình nông thôn mới cho các vùng đặc thù, như: vùng biên giới, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, vùng đặc thù về quốc phòng, an ninh,…

5. Quy hoạch sản xuất trong quy hoạch nông thôn phải gắn kết chặt chẽ với các định hướng quốc gia, chiến lược về phát triển nông nghiệp nông thôn; quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, du lịch nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị và chuyển đổi số trong nông nghiệp để hướng đến “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

6. Quy hoạch nông thôn cần chú trọng hơn nữa đến việc bố trí quỹ đất, không gian hợp lý để triển khai thực hiện các công trình bảo vệ môi trường (các công trình thu gom, xử lý rác thải, nước thải nông thôn, thu gom xử lý chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp…), không gian sinh hoạt công cộng và điểm vui chơi, giải trí cho cộng đồng dân cư nông thôn.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, VPĐP NTM
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, VPĐP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Trần Thanh Nam

 

 

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ