Công văn 1416/BNN-KTHT về hướng dẫn lập Đề án cho xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1416/BNN-KTHT
Ngày ban hành 27/05/2009
Ngày có hiệu lực 27/05/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1416/BNN-KTHT
V/v: hướng dẫn lập Đề án cho xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2009

 

Kính gửi:

Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm “nông thôn mới” các Tỉnh uỷ, Thành uỷ: Điện Biên, Bắc Giang, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Lâm đồng, Bình Phước, Trà Vinh và Kiên Giang

 

Để thống nhất việc lập Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới cấp xã theo tinh thần Kết luận số 483-TB/VPTW ngày 28 tháng 4 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn đề cương và một số quy định về: mục đích, yêu cầu, trình tự, tiến độ lập, thẩm quyền lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án (thay thế công văn số 1320/BNN-KTHT ngày 18/5/2009), như sau:

1. Lập Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới:

Căn cứ vào kết luận số 238-TB/TW ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, việc lập đề án thí điểm mô hình nông thôn mới phải đạt mục đích và đáp ứng yêu cầu sau:

a. Mục đích:

Đánh giá đúng thực trạng; xác định đầy đủ các yêu cầu, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách, cân đối các nguồn lực đảm bảo cho việc xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới có căn cứ khoa học, thực tiễn và đạt hiệu quả cao.

b. Yêu cầu:

- Xây dựng nông thôn mới ở xã được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng địa phương là chính; khơi dậy tính tích cực, tự giác của cộng đồng dân cư, các thành phần kinh tế để xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Việc lập đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới cấp xã phải hướng tới thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; trên cơ sở lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn xã và các nguồn lực bổ sung. Với tiêu chí đang có chương trình, dự án triển khai nhưng mức đạt còn thấp do nguồn lực hạn chế thì bổ sung để đẩy nhanh tiến độ; đối với tiêu chí chưa có chương trình, dự án thì lập dự án mới để triển khai.

- Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp uỷ Đảng và Chính quyền xã đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng đề án, kế hoạch và tổ chức thực hiện.

- Người dân đóng vai trò là chủ thể trong qúa trình xây dựng nông thôn mới. Các nội dung của Đề án và hoạt động cụ thể của từng mô hình thí điểm do người dân bàn bạc dân chủ, công khai và quyết định trên cơ sở các quy chuẩn của Nhà nước, có sự tư vấn của cán bộ chuyên môn.

- Việc thực hiện các nội dung của Đề án chủ yếu dựa vào cơ chế, chính sách hiện hành. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, mỗi địa phương đề xuất thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, nâng cao khả năng áp dụng ra diện rộng sau này.

2. Nguồn vốn, đối tượng và mức hỗ trợ:

Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài Chính.

3. Về trình tự, thẩm quyền lập, phê duyệt và thực hiện đề án:

a. Về lập đề án:

Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới ở xã điểm do Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới của xã lập. Ban chỉ đạo tỉnh lập tổ công tác gồm các cán bộ chuyên môn và các ngành liên quan của tỉnh - huyện xuống tư vấn giúp đỡ. Việc thành lập Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã do Chủ tịch UBND xã quyết định sau khi có ý kiến của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới cấp tỉnh.

Căn cứ vào thực trạng của xã, các tiêu chí, quy chuẩn của nhà nước ban hành, Ban Quản lý xây dựng nông thôn xã tiến hành soạn thảo và lập đề án với nội dung cụ thể theo đề cương đính kèm.

Trong quá trình xây dựng đề án, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã tiến hành lấy ý kiến của các cộng đồng dân cư (thôn, ấp), đảm bảo mọi nội dung trong đề án được bàn bạc công khai, dân chủ; Ban Quản lý tập hợp ý kiến và hoàn thiện.

b. Trình tự, tiến độ thẩm định và phê duyệt đề án:

Bước 1: Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã trình Ban Chỉ đạo tỉnh (thành phố) thẩm định đề án (trước 30/6/2009)

Bước 2: Sau khi thẩm định, Ban Chỉ đạo tỉnh (thành phố) trình xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương (trực tiếp là Tổ công tác của BCĐ) (trước 10/7/2009).

Bước 3: trên cơ sở các ý kiến của BCĐ trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh (thành phố) tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện, phê duyệt đề án (trước 30/7/2009).

c. Tổ chức thực hiện đề án được duyệt: Từ tháng 8/2009 đến tháng 6/2011.

Do thời gian gấp, đề nghị các đồng chí tập trung chỉ đạo để việc xây dựng Đề án đạt kết quả tốt./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Bí thư (b/c);
- Thành viên BCĐTW;
- Thành viên Tổ giúp việc BCĐ;
- Cục KTHT;
- Lưu VP.
CVST:
 Trần Nhật Lam

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ