Công văn số 2275/BTM-QLCL ngày 13/06/2002 của Bộ Thương mại về việc giải quyết tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Trường Sinh

Số hiệu 2275/BTM-QLCL
Ngày ban hành 13/06/2002
Ngày có hiệu lực 13/06/2002
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Lê Danh Vĩnh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2275/BTM-QLCL
V/v giải quyết tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Trường Sinh

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2002

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

 

Bộ Thương mại nhận được công văn 2660/VPCP-VI ngày 20 tháng 5 năm 2002 của Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Thương mại có ý kiến chính thức về việc tranh chấp sở hữu nhãn hiệu hàng hóa Trường Sinh giữa Công ty TNHH Việt Nam Foremost (Công ty Việt Nam Foremost) với Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh (Công ty Trường Sinh), Bộ Thương mại có ý kiến như sau:

I/. DIỄN BIẾN SỰ VIỆC:

- Công ty Việt Nam Foremost được Cục Sở hữu công nghiệp cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 27080 ngày 15 tháng 6 năm 1998 với chữ “TRƯỜNG SINH” cho sản phẩm sữa đặc có đường và sữa bột. Công ty Việt Nam Foremost đã khởi kiện Công ty Trường Sinh xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa của mình vì sản xuất sữa đậu nành mà trên nhãn sản phẩm có chữ Trường Sinh.

- Tại Công văn 80/KN ngày 29/1/1999, Cục Sở hữu công nghiệp cho rằng, nhãn hiệu chữ Trường Sinh mà Công ty Trường Sinh sử dụng tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ theo giấy chứng nhận 27280, đồng thời sản phẩm mà nhãn hiệu đó áp dụng cũng là sản phẩm cùng loại. Cục Sở hữu công nghiệp cũng cho rằng, Công ty Trường Sinh “có đủ các yếu tố để bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” về Nhãn hiệu hàng hóa của Công ty Việt Nam Foremost đối với sản phẩm sữa bột, sữa đặc có đường Trường Sinh.

- Theo bản án số 08/DSST ngày 9 tháng 3 năm 2000 của toà án nhân dân Thành phố Hà Nội, trong công văn số 27 ngày 13 tháng 01 năm 2000 của Cục Sở hữu công nghiệp phúc đáp toà án nhân dân Thành phố Hà Nội cho rằng: Công ty Trường Sinh chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu Trường Sinh vì đó là hành vi xâm phạm quyền được bảo hộ của Công ty Việt Nam Foremost.

- Toà sơ thẩm toà án nhân dân thành phố Hà Nội ngày 19 tháng 3 năm 2000 và toà phúc thẩm toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội ngày 18 tháng 9 năm 2000 đã quyết định buộc Công ty Trường Sinh chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Trường Sinh” cho sản phẩm sữa đậu nành của Công ty, dẫn đến việc Công ty Trường Sinh gửi đơn thư kêu cứu tới các cơ quan, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội mong được xem xét giải quyết về việc này, một số các tổ chức, báo chí cũng có ý kiến.

- Ngày 19 tháng 6 năm 2001 Bộ Thương mại nhận được công văn số 2677/VPCP-VI ngày 19 tháng 6 năm 2001 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại tranh chấp nhãn hiệu sữa đậu nành Trường Sinh; yêu cầu Bộ Thương mại chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Ngày 16 tháng 7 năm 2001, Bộ Thương mại đã gửi công văn số 2721/BTM-QLCL tới Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường trình bày ý kiến của Bộ Thương mại; đồng thời đề nghị Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường xem xét và cho ý kiến để Bộ Thương mại tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Ngày 29 tháng 8 năm 2001, Bộ Thương mại cũng đã nhận được công văn phúc đáp số 2403/BKHCNMT-TTr ngày 24 tháng 8 năm 2001 của Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường bảo lưu ý kiến của mình.

- Ngày 8 tháng 3 năm 2002, Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường triệu tập cuộc họp cùng đại diện Văn phòng Chính phủ và một số bộ ngành hữu quan để giải quyết vấn đề này. Tại cuộc họp, đại diện Bộ Thương mại đã phát biểu ý kiến cho rằng: Công ty Trường Sinh không vi phạm Nhãn hiệu của Công ty Foremost và cũng không thể có sự nhầm lẫn Nhãn hiệu vì các sản phẩm của hai Công ty là khác loại.

II/. CƠ SỞ PHÁP LUẬT VÀ Ý KIẾN CỦA BỘ THƯƠNG MẠI:

1/. Cơ sở pháp luật

a/. Bộ luật dân sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 28 tháng 10 năm 1995 ghi rõ:

- “Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc” (điều 785).

b/. Nghị định 63/CP ghi rõ:

- Dấu hiệu không được Nhà nước bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu hàng hóa được quy định tại điểm b, khoản 2, điều 6: “Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa đảo người tiêu dùng về xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị của hàng hóa hoặc dịch vụ.”

- Điều 11, khoản 2 quy định: “Đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ phải bảo đảm tính thống nhất, cụ thể là mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ với một đối tượng hoặc một số đối tượng cùng loại thống nhất với nhau về mục đích sử dụng.”, “Trong một đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa có thể nêu nhiều sản phẩm, dịch vụ khác nhau cùng sử dụng một nhãn hiệu hàng hóa.”

- Điều 15, khoản 1 quy định: “Phạm vi, nội dung, thời hạn quyền sở hữu công nghiệp tương ứng được xác định theo văn bằng bảo hộ được cấp.”

- Điều 25, khoản 1 quy định: “Nội dung Văn bằng bảo hộ được xác định theo Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ, ngoài các thông tin nêu trong quyết định nói trên còn phải thể hiện đầy đủ bản chất, phạm vi (khối lượng) bảo hộ và các thông tin cần thiết khác liên quan tới quyền được bảo hộ.”

2./ Ý kiến chính thức của Bộ Thương mại

* Ý kiến thứ nhất: Sữa đặc có đường, sữa bột (của Công ty Việt Nam Foremost) và Sữa đậu nành (của Công ty Trường Sinh) là hai sản phẩm khác loại, thậm chí không cùng nhóm với lý do sau đây:

a/. Theo phân loại hàng hóa có ghi trong công báo sở hữu công nghiệp:

+ Sữa đặc có đường, sữa bột thuộc nhóm 29 (Sữa; sữa bột; các sản phẩm sữa.)

+ Sữa đậu nành thuộc nhóm 32 (đồ uống hoa quả và nước ép hoa quả; xi rô và các chế phẩm khác để làm đồ uống)

b/. Theo cách phân loại trong Hệ thống điều hoà và mô tả HS (Quyết định số 49 QĐ/CTN ngày 6/3/1998 của Chủ tịch nước và công văn 507/CP-QHQT ngày 7/5/1998 của Chính phủ về việc Việt Nam tham gia công ước HS từ 01/01/2000):

+ Sữa đặc có đường, sữa bột thuộc nhóm 0402/Chương 4/Phần I (các sản phẩm động vật).

+ Sữa đậu nành thuộc nhóm 2106/Chương 21/Phần IV

c/. Xét về nguồn gốc, tính chất và công dụng của sản phẩm:

Sản phẩm sữa bột, sữa đặc có đường và sản phẩm sữa đậu nành không cùng loại thực phẩm, chúng khác nhau về nguồn gốc, tính chất và thành phần cấu tạo, quy trình chế biến, giá trị cảm quan và giá trị dinh dưỡng.

* Ý kiến thứ hai: Công ty Trường Sinh không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Công ty Việt Nam Foremost đối với nhãn hiệu hàng hóa “TRƯỜNG SINH” với lý do sau đây:

- Cục Sở hữu công nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận Đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa số 27280 ngày 15 tháng 6 năm 1998 của Công ty Việt Nam Foremost với mẫu Nhãn hiệu hàng hóa và kiểu chữ “TRƯỜNG SINH”, không bảo hộ hình vẽ. Nhãn hiệu này dùng ghi nhãn và bảo hộ cho sản phẩm “Sữa đặc có đường; sữa bột”, không bảo hộ đối với sản phẩm sữa đậu nành.

- Sản phẩm sữa đậu nành do Công ty Trường Sinh sản xuất đóng chai ghi nhãn hàng hóa gồm: tên sản phẩm, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, thành phần,... và nhãn hàng hóa xin đăng ký bảo hộ có kiểu chữ “Trường Sinh” kết hợp với hình vẽ đặc trưng (dãy núi và cây đại thụ). Với một nhãn hiệu gồm sự kết hợp vừa hình vẽ, vừa có kiểu chữ Trường Sinh khác nhau cho sản phẩm khác loại thì không thể gây lầm lẫn với nhãn hàng hóa có kiểu chữ “TRƯỜNG SINH” cùng với hình vẽ ông già và hoa quả đào được sử dụng cho sữa bột, sữa đặc có đường của Công ty Việt Nam Foremost.

- Theo quy định của pháp luật thì những chữ “Trường thọ”, “Trường sinh”, “Bất lão”, “Trẻ mãi”, “Không già” hoặc “Longevity”, “Long life” đối với hàng thực phẩm, hoặc những chữ “Siêu bền”, “Vĩnh cửu”... đối với dụng cụ, máy móc không được bảo hộ riêng như một nhãn hiệu hàng hóa (vì là dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa đảo người tiêu dùng về công dụng, chất lượng, giá trị của hàng hóa nêu tại điểm b, khoản 2 điều 6, Nghị định 63/CP). Cho nên, dù sữa đặc có đường và sữa đậu nành có cùng loại cũng không thể nhầm lẫn đến mức cho rằng Công ty Trường Sinh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Công ty Việt Nam Foremost đối với nhãn hiệu hàng hóa “TRƯỜNG SINH”.

- Mặt khác đã có đầy đủ chứng cứ thực tế chứng minh rằng: Công ty Trường Sinh đã sử dụng nhãn hiệu hàng hóa “Trường Sinh + hình vẽ” cho sản phẩm Sữa đậu nành trước khi Công ty Việt Nam Foremost được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “TRƯỜNG SINH”. Sữa đậu nành Trường Sinh được sản xuất và bán rộng rãi, thường xuyên từ đầu năm 1997; tháng 5/1997 đã quảng cáo tên “Trường Sinh” trên Đài truyền hình Hà Nội (phát liền 5 buổi trong tháng 5 và 6 năm 1997).

Vì vậy, việc Công ty Việt Nam Foremost khởi kiện, đòi xử lý Công ty Trường Sinh và việc cơ quan bảo hộ sở hữu công nghiệp không cấp đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu cho Công ty Trường Sinh là không hợp lý và không hợp luật.

Bộ Thương mại thấy rằng, việc xử lý những tranh chấp liên quan đến sở hữu nhãn hiệu Trường Sinh không thuộc trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Thương mại. Tuy nhiên, chấp hành ý kiến của Văn phòng Chính phủ tại các công văn số 2677/VPCP-VI ngày 19 tháng 6 năm 2001 và công văn số 2660/VPCP-VI ngày 20 tháng 5 năm 2002, Bộ Thương mại xin có ý kiến như trên để Văn phòng Chính phủ tham khảo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

K/T BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Lê Danh Vĩnh