Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn 2188/BGDĐT-TTr hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 2188/BGDĐT-TTr
Ngày ban hành 26/05/2022
Ngày có hiệu lực 26/05/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Ngọc Thưởng
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2188/BGDĐT-TTr
V/v hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2022

 

Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo[1];
- Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng.

Căn cứ Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT ngày 13/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về tổ chức và hoạt động thanh tra các kỳ thi (sau đây gọi tắt là Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT); Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (sau đây gọi tắt là Quy chế thi); Hướng dẫn số 1523/BGDĐT-QLCL ngày 19/4/2022 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (gọi tắt là hướng dẫn số 1523); Bộ GDĐT hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (gọi tắt là Kỳ thi) như sau:

I. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Mục đích

a) Hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 góp phần giúp Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế thi;

b) Giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia Kỳ thi thực hiện đúng Quy chế thi, các văn bản liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi và chỉ đạo của Bộ GDĐT;

c) Kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về Kỳ thi; phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có);

d) Phát hiện những bất cập (nếu có) để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện Quy chế thi, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi và cơ chế, chính sách liên quan đến Kỳ thi trong những năm tiếp theo.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, giảm áp lực, công bằng, khách quan theo quy định;

b) Phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GDĐT, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND tỉnh) và Sở GDĐT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi;

c) Tuân thủ quy định của pháp luật; không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng thi (HĐT), không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.

II. NỘI DUNG VÀ CÁCH THỨC THANH TRA, KIỂM TRA

1. Nội dung thanh tra, kiểm tra

a) Công tác chuẩn bị tổ chức thi

Thực hiện quy định tại Điều 6 Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT; thanh tra/kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Điều 7, 8, 9, 10, 12, 13, 16, 18, 19, 20, 55, 57, 58, 59, 60 Quy chế thi và Phụ lục II, III Hướng dẫn số 1523, chú ý:

- Việc in sao đề thi:

+ Trước khi in sao đề thi: Kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất, an ninh, an toàn khu vực in sao đề thi; thành phần cán bộ các vòng thực hiện nhiệm vụ in sao đề thi; việc HĐT bố trí 01 cán bộ giám sát tại Vòng 2 khu vực in sao đề thi;

+ Khi hoạt động in sao đề thi đang diễn ra: Kiểm tra biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn khu vực in sao đề thi và việc bố trí, thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng tại Vòng 3 (vòng bảo vệ ngoài) khu vực in sao đề thi.

- Việc chuẩn bị địa điểm bảo quản vật dụng cá nhân, các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25 mét.

b) Công tác coi thi

Thực hiện quy định tại Điều 7 Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT; thanh tra/kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Điều 8, 9, 10, 14, 19, 20, 21, 22, 23, 54 Quy chế thi và Phụ lục IV Hướng dẫn số 1523, chú ý:

- Trưởng Điểm thi bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25 mét để bảo quản vật dụng cá nhân, các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi;

- Trưởng Điểm thi quán triệt đến những người tham gia công tác coi thi; Cán bộ coi thi phổ biến cho thí sinh trong phòng thi trước khi phát đề thi về mọi hành vi cung cấp, tiết lộ đề thi trong thời gian làm bài thi được coi là làm lộ bí mật nhà nước độ “Tối mật” và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

c) Công tác chấm bài thi tự luận

Thực hiện các quy định tại Điều 8 Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT; thanh tra/kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Điều 24, 25, 26, 27, 30 của Quy chế thi và Phụ lục V Hướng dẫn số 1523, chú ý:

- Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng thi, sau khi Ban Chấm thi hoàn thành công việc chấm điểm và nhập điểm toàn bộ các bài thi vào phần mềm (được Trưởng ban Chấm thi xác nhận bằng văn bản); Trưởng ban Làm phách hoặc Tổ Trưởng Tổ phách 1 mới được tổ chức xuất dữ liệu thông tin của thí sinh kèm số phách 1, Tổ Trưởng Tổ phách 2 mới được tổ chức xuất dữ liệu thông tin của phách 2 để phục vụ công tác khớp phách.

- Việc bố trí thư ký Hội đồng thi thực hiện nhiệm vụ tại Ban Chấm thi tự luận làm việc tại phòng bảo quản bài thi tự luận.

[...]