ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số: 2174/SGTVT-KT
V/v tổ chức bàn
giao, tiếp nhận, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông công chính các
dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu nhà ở trên địa bàn thành phố Hồ Chí
Minh.
|
TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 4
năm 2010
|
Kính gửi:
|
- Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4.
|
- Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của
Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Căn cứ Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ
về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ Quy định về
quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
- Căn cứ Thông tư số 08/2006/TT-BXD ngày 24/11/2006 của Bộ Xây dựng về việc
hướng dẫn công tác bảo trì công trình xây dựng;
- Căn cứ Thông tư số 16/2008/TT-BXD ngày 11/9/2008 của Bộ Xây dựng về việc
hướng dẫn kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng
nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng;
- Căn cứ Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn
một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Căn cứ Quyết định số 132/2002/QĐ-UB ngày 18/11/2002 của Ủy ban nhân dân thành
phố về phân cấp quản lý một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị từ Sở giao
thông Công chánh (nay là Sở Giao thông vận tải) cho Ủy ban nhân dân các quận -
huyện;
- Căn cứ Quyết định số 131/2007/QĐ-UBND ngày 13/11/2007 của Ủy ban nhân dân
thành phố Về ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo trì, khai thác, nâng cấp và
phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công chính giữa Sở Giao thông -
Công chính (nay là Sở Giao thông vận tải) và Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
Nhằm đảm bảo công tác bàn giao, tiếp nhận, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao
thông công chính (cầu, đường, thoát nước, chiếu sáng công cộng, công viên cây
xanh) các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu nhà ở trên địa bàn thành phố Hồ
Chí Minh được thống nhất và đúng quy định của pháp luật, Sở Giao thông vận tải
hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác này như sau:
1. Thủ tục bàn giao, quản lý:
- Chủ đầu tư dự án xây dựng khu dân cư, khu nhà ở có hệ
thống hạ tầng kỹ thuật hoặc hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thành,
sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản (kèm
theo thành phần hồ sơ theo quy định) cho Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân
quận - huyện (và các đơn vị liên quan) để phối hợp xem xét hồ sơ, kiểm tra chất
lượng công trình và tổ chức tiếp nhận quản lý.
- Riêng hạng mục chiếu sáng công cộng, đề nghị Chủ đầu tư
thực hiện thủ tục bàn giao theo quy định của Sở Giao thông vận tải tại công văn
số 1331/SGTVT-KT ngày 07/4/2010 về việc hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật khi đầu tư
xây dựng và bàn giao hệ thống đèn chiếu sáng công cộng đô thị.
2. Thành phần hồ sơ:
2.1. Văn bản đề nghị tiếp nhận bàn giao hạ tầng của Chủ đầu
tư (01 bản chính).
2.2. Danh mục, quy cách hồ sơ hoàn thành công trình theo Phụ
lục 7 - Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn một
số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng.
2.3. Lập danh sách các công trình: cầu, đường, thoát nước,
cây xanh …đã được hoàn thành để bàn giao quản lý; ứng với mỗi công trình cần
liệt kê các hạng mục với các kích thước, thông số kỹ thuật tương ứng… theo Phụ
lục đính kèm.
Hồ sơ hoàn thành công trình phải được lập đầy
đủ trước khi đưa hạng mục công trình hoặc công trình vào khai thác,
vận hành. Hồ sơ hoàn thành công trình có thể được lập một lần chung
cho toàn bộ dự án đầu tư xây dựng công trình nếu các công trình
(hạng mục công trình) trong dự án được đưa vào khai thác, sử dụng
cùng một thời điểm. Trường hợp các công trình (hạng mục công trình)
của dự án được đưa vào khai thác, sử dụng ở thời điểm khác nhau
thì có thể lập hồ sơ hoàn thành công trình cho riêng từng công trình
(hạng mục công trình) đó.
2.4. Quy trình bảo trì công trình xây dựng.
3. Thành phần Đoàn và nội dung kiểm tra hiện trường để tiến
hành nhận bàn giao công trình:
Sau khi kiểm tra hồ sơ đạt yêu cầu, Sở Giao thông vận tải sẽ
có văn bản đề nghị tổ chức Đoàn kiểm tra hiện trường để xem xét thực tế, cụ thể
như sau:
3.1. Thành phần Đoàn kiểm tra gồm:
- Đại diện Ủy ban nhân dân quận - huyện;
- Đại diện Sở Giao thông vận tải;
- Đại diện Khu Quản lý giao thông đô thị;
- Đại diện Chủ đầu tư dự án.
- Đại diện Trung tâm điều hành các chương trình chống ngập
nước thành phố (nếu có hệ thống thoát nước).
3.2. Nội dung kiểm tra:
- Kiểm tra cao độ thiết kế; kích thước hình học mặt đường,
vỉa hè, hệ thống thoát nước; chiều dày kết cấu áo đường, vỉa hè; đo mô đun đàn
hồi mặt đường và một số nội dung khác theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.
- Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ các dụng
cụ, máy móc, thiết bị cần thiết để thực hiện các nội dung kiểm tra nêu trên.
- Căn cứ quy mô, tính chất công trình, Đoàn kiểm tra bàn bạc
và thống nhất đề xuất đơn vị tiếp nhận quản lý.
- Ghi biên bản kiểm tra hiện trường (nêu cụ thể và rõ các
nội dung, hạng mục công trình đạt và không đạt) và ký xác nhận.
4. Trình tự xử lý khắc phục khiếm khuyết của hệ thống hạ
tầng (nếu có) và tiếp nhận, phân cấp quản lý hệ thống hạ tầng:
4.1. Trình tự xử lý khắc phục khiếm khuyết của hệ thống hạ
tầng:
- Căn cứ yêu cầu của Đoàn kiểm tra được nêu tại Biên bản
kiểm tra hiện trường, Chủ đầu tư tiến hành khắc phục các khiếm khuyết theo yêu
cầu của Đoàn kiểm tra (nếu có).
- Kết quả khắc phục cần được Chủ đầu tư báo cáo bằng văn bản
đến Sở Giao thông vận tải, Khu Quản lý giao thông đô thị quản lý địa bàn, Ủy
ban nhân dân quận - huyện và Trung tâm điều hành các chương trình chống ngập
nước thành phố (nếu có hệ thống thoát nước).
- Sau khi nhận được văn bản báo cáo kết quả khắc phục các
khiếm khuyết của Chủ đầu tư, Khu Quản lý giao thông đô thị quản lý địa bàn có
trách nhiệm phối hợp Ủy ban nhân dân quận – huyện, Trung tâm điều hành các
chương trình chống ngập nước thành phố (nếu có hệ thống thoát nước) kiểm tra
việc khắc phục các khiếm khuyết trong công trình của Chủ đầu tư (kết quả kiểm
tra cần được lập thành biên bản) và có văn bản báo cáo Sở Giao thông vận tải đề
xuất đủ hay không đủ điều kiện tiếp nhận.
4.2. Đề xuất tiếp nhận, phân cấp quản lý hệ thống hạ tầng:
- Căn cứ biên bản kiểm tra hiện trường thống nhất tiếp nhận
bàn giao hạ tầng (trong đợt kiểm tra đầu tiên tại Mục 3 hoặc sau khi Chủ đầu tư
khắc phục khiếm khuyết trong công trình tại Mục 4.1), Ủy ban nhân dân quận –
huyện có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Giao thông vận tải ban hành Quyết định
phân công, phân cấp quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu dân cư,
khu nhà ở.
- Căn cứ văn bản văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân quận –
huyện và báo cáo đề xuất của Khu Quản lý giao thông đô thị (nếu có), Giám đốc
Sở Giao thông vận tải sẽ ban hành Quyết định phân công, phân cấp quản lý các
công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu dân cư, khu nhà ở.
5. Quản lý chất lượng công trình nhận bàn giao:
Chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng các
công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án của mình và phải đảm bảo các nội dung
về quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số
209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật
về xây dựng, cụ thể:
5.1. Đối với những dự án thực hiện đầu tư kể từ ngày Nghị
định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công
trình xây dựng (và Nghị định 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ về Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm
2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng) có hiệu lực thực
hiện thì các tài liệu quản lý chất lượng phải được áp dụng theo các Nghị định
này.
5.2. Đối với những dự án thực hiện đầu tư trước ngày Nghị
định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công
trình xây dựng (và Nghị định 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ về Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm
2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng) có hiệu lực thực
hiện thì các tài liệu quản lý chất lượng phải được áp dụng theo Quyết định số
18/2003/QĐ-BXD ngày 27/6/2003 của Bộ Xây dựng.
5.3. Đối với những dự án thực hiện đầu tư trước ngày Quyết định
số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/6/2003 của Bộ Xây dựng về quản lý chất lượng công
trình xây dựng có hiệu lực thực hiện thì các tài liệu quản lý chất lượng phải
được áp dụng theo Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD ngày 02/8/2000 của Bộ Xây dựng.
6. Chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng:
6.1. Đối với những dự án thực hiện đầu tư kể từ ngày Nghị
định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7/02/2005 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng
công trình có hiệu lực thực hiện mà trong quá trình xây dựng các công trình hạ
tầng (đường, cây xanh, chiếu sáng công cộng, thoát nước…) không có sự tham gia
quản lý chất lượng của cơ quan sẽ được giao quản lý hạ tầng, xây dựng phù hợp
quy hoạch (chưa bàn giao cho cơ quan Nhà nước quản lý), Chủ đầu tư phải tổ chức
thuê đơn vị tư vấn chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình hạ tầng kỹ
thuật theo quy định của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 16/2008/TT-BXD ngày
11/9/2008 về việc hướng dẫn kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn
chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng, xác định
mốc chuẩn cao độ và thực hiện thủ tục bàn giao cho các Sở, ngành, chính quyền
địa phương theo hướng dẫn tại văn bản này.
6.2. Đối với những dự án thực hiện đầu tư trước ngày Nghị
định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7/02/2005 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng
công trình có hiệu lực thực hiện, Chủ đầu tư thực hiện thủ tục bàn giao công
trình hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở, khu dân cư theo hướng dẫn tại văn bản này với
các tài liệu quản lý chất lượng hướng dẫn tại Mục 5; việc chứng nhận sự phù hợp
về chất lượng công trình theo quy định tại Thông tư số 16/2008/TT-BXD ngày
11/9/2008 sẽ được yêu cầu trong quá trình kiểm tra thực địa của từng công trình
cụ thể.
6.3. Trường hợp toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật không phù
hợp quy hoạch, công trình không đảm bảo chất lượng (không an toàn cho người sử
dụng, gây ô nhiễm môi trường, ...) hoặc hồ sơ thiết kế không thông qua cơ quan
quản lý nhà nước, chủ đầu tư phải có biện pháp khắc phục các sai sót. Biện pháp
khắc phục phải được Sở Giao thông vận tải (Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao
thông đường bộ) xem xét thông qua trước khi triển khai thực hiện.
7. Chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành công trình theo quy định tại Điều 29
và 30 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý
chất lượng công trình xây dựng.
8.
Nguyên tắc phối hợp giữa Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các quận –
huyện thực hiện theo Quyết định số 131/2007/QĐ-UBND ngày 13/11/2007 của Ủy ban
nhân dân thành phố Về ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo trì, khai thác,
nâng cấp và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công chính giữa Sở
Giao thông - Công chính (nay là Sở Giao thông vận tải) và Ủy ban nhân dân các
quận - huyện.
9.
Văn bản này thay thế văn bản số 25/GT-PC ngày 25/10/2004 của Sở giao thông công
chánh về tổ chức tiếp nhận, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông công
chánh trong các dự án xây dựng khu dân cư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;
văn bản số 39/SGTCC-PC ngày 26/5/2006 của Sở giao thông - Công chính về việc
điều chỉnh lại mục 1.2 thành phần hồ sơ cần cung cấp tại văn bản số 25/GT-PC
ngày 25/10/2004 của Sở giao thông -Công chánh (nay là Sở Giao thông vận tải).
Sở Giao thông vận tải đề nghị các Sở - ban - ngành, Ủy ban
nhân dân quận - huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp cùng Sở Giao thông
vận tải tổ chức bàn giao, tiếp nhận, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật các dự
án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu nhà ở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh kịp
thời và đạt kết quả tốt./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND TP;
- Sở GTVT (GĐ, các PGĐ);
- Thanh tra SGTVT;
- P. QLXD; P. QLKT; P.CVCX;
P. CTN; P. GTT; P. PC;
- Lưu VT.NVT.
|
GIÁM ĐỐC
Trần Quang Phượng
|