Công văn 2146/BNN-TCTL năm 2016 tăng cường quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và khai thác cát sỏi lòng sông do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 2146/BNN-TCTL |
Ngày ban hành | 18/03/2016 |
Ngày có hiệu lực | 18/03/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghệp và phát triển nông thôn |
Người ký | Cao Đức Phát |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN
NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2146/BNN-TCTL |
Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2016 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều; các văn bản số 357/TB-VPCP ngày 06/11/2015, số 1338/VPCP-NC ngày 02/3/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, cửa biển và giải quyết tình hình khai thác cát, sỏi trái phép trên tuyến sông Hồng đoạn qua Hà Nội và Hưng Yên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều.
2. Tăng cường công tác quản lý, giám sát của UBND cấp tỉnh trong việc ngăn ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác cát, sỏi lòng sông; phân giao nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm người đứng đầu các ngành, chính quyền các cấp trong công tác kiểm tra, ngăn ngừa và xử lý vi phạm; giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp huyện chủ trì trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; xây dựng và ban hành các quy định cụ thể để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, xử lý vi phạm như quy chế phối hợp, quy trình thủ tục cấp phép và quản lý sau cấp phép các hoạt động liên quan đến đê điều, quy định điều kiện được phép hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi,…;
3. Ban hành và thực hiện Quy định trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác và kinh doanh cát sỏi lòng sông.
4. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức xây dựng quy chế về quản lý, phối hợp công tác, chế độ thông tin báo cáo của các tổ chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt tại địa bàn cấp huyện với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc tổ chức quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, nạo vét, khai thác và kinh doanh cát sỏi lòng sông liên quan đến đê điều trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt, thực hiện. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phong trào “Xây dựng đê kiểu mẫu” do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động.
5. Chỉ đạo các ngành và chính quyền các cấp thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý triệt để các vi phạm mới phát sinh, không để tồn tại vi phạm mới, tái phạm; tăng cường công tác phối hợp để xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra, các vi phạm có quy mô lớn, phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong dư luận; xử lý nghiêm các vụ tiếp tay hoặc làm ngơ của chính quyền địa phương đối với các hành vi lấn chiếm lòng dẫn, phá hoại đê điều, khai thác cát sỏi lòng sông trái phép, sai phép gây ảnh hưởng an toàn đê điều, sạt lở bờ sông; động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực thi công vụ.
6. Thường xuyên mở các đợt cao điểm xử lý các hành vi vi phạm về đê điều, khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát sỏi liên quan đến đê điều.
7. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xử lý, giải tỏa các vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng trên địa bàn, thống kê, phân loại vi phạm để kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật các vi phạm, sai phạm (ngăn chặn, giải tỏa, thu hồi giấy phép kinh doanh,...). Giao nhiệm vụ cụ thể đến các ngành và chính quyền các cấp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch.
8. Rà soát kiểm tra các hoạt động nạo vét luồng lạch, khai thác, tập kết cát sỏi; quy hoạch bến bãi kinh doanh cát sỏi và thăm dò khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn. Kiên quyết thu hồi, giải tỏa những bến bãi đang hoạt động trái phép, sai phép, không đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Việc cấp phép các hoạt động nạo vét, khai thác cát, sỏi lòng sông, sử dụng bến bãi cần có ý kiến của cơ quan quản lý đê điều theo quy định pháp luật về đê điều. Công khai quy hoạch, các điểm được cấp phép khai thác, kinh doanh cát sỏi, các điểm, cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
9. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai, nâng cao nhận thức của toàn xã hội; phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, cộng đồng dân cư trong việc tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều và khai thác, kinh doanh cát sỏi trái phép. Các tỉnh, thành phố thiết lập đường dây nóng tại các cấp, ngành để tiếp nhận tin báo, tố giác về vi phạm pháp luật đê điều, nạo vét, khai thác cát sỏi trên sông và cửa biển liên quan đến đê điều.
10. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, nạo vét luồng lạch liên quan đến đề điều; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an theo kế hoạch của Bộ Công an trong công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện./.
|
BỘ TRƯỞNG |