Công văn số 2131/TCHQ-GSQL của Tổng Cục Hải quan về việc thủ tục hải quan đối với nhập khẩu xăng dầu và tạm nhập tái xuất xăng dầu
Số hiệu | 2131/TCHQ-GSQL |
Ngày ban hành | 19/05/2006 |
Ngày có hiệu lực | 19/05/2006 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Người ký | Đặng Thị Bình An |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu |
BỘ TÀI CHÍNH
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2131/TCHQ-GSQL |
Hà Nội, ngày 19 tháng 05 năm 2006 |
Kính gửi: Cục hải quan các tỉnh, thành phố
Tổng cục Hải quan nhận được công văn của một số Cục Hải quan các tỉnh nêu vướng mắc về thủ tục hải quan đối với nhập khẩu xăng dầu và tạm nhập tái xuất xăng dầu, để thực hiện thống nhất, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Câu hỏi: Doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng dầu thực hiện tái xuất xăng dầu từ nguồn nhập khẩu thông qua các công ty cung ứng tàu biển là đại lý của mình có cần được Bộ Thương mại chấp thuận theo Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ hay tự quyết định theo Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trả lời: Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại, về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, tại khoản 2 điều 10 quy định: Việc nhập khẩu xăng dầu nhiên liệu thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ.
Thông tư số 04/2006/TT-BTM ngày 06/4/2006 của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ, tại mục IV, điểm 1 và mục V điểm 3 quy định: việc nhập khẩu xăng dầu nhiên liệu thực hiện theo Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu. Tạm nhập tái xuất xăng dầu thực hiện theo Quyết định số 1752/2003/QĐ-BTM ngày 15/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
Công văn số 1578/TCHQ-GSQL ngày 14/4/2006 của Tổng cục Hải quan về giải quyết các vướng mắc đã hướng dẫn: thủ tục hải quan đối với xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập tái xuất xăng dầu vẫn được thực hiện Quyết định số 30/2004/QĐ-BTC ngày 06/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo các quy định tại văn bản trên thì chỉ doanh nghiệp được Bộ Thương mại cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng dầu được tái xuất xăng dầu từ nguồn xăng dầu tạm nhập, không phải xin giấy phép của Bộ Thương mại cho từng lần tái xuất. Xăng dầu tái xuất phải được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi theo đúng các phương thức quy định của Ngân hàng nhà nước.
2. Câu hỏi: đề nghị hướng dẫn việc thực hiện Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 27/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn chất lượng xăng dầu phải kiểm tra nhà nước về chất lượng.
Trả lời: Văn phòng Chính phủ có công văn số 1997/VPCP-KG ngày 14/4/2006 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: cho phép áp dụng tiêu chuẩn đối với xăng dầu ban hành kèm theo Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng được thực hiện bắt đầu từ ngày 01/01/2007 (Tổng cục đã sao gửi cho Cục Hải quan các tỉnh, TP để thực hiện).
3. Câu hỏi: Công ty xăng dầu làm thủ tục tái xuất xăng dầu sang Lào, trong khai báo hải quan thường có chênh lệch khá lớn giữa khai báo với kiểm tra thực tế về số lượng, trọng lượng (có trường hợp chênh lệch 5-7 tấn). Công ty đề nghị Hải quan chấp nhận chênh lệch giữa khai báo trên tờ khai và thực tế kiểm tra theo tỷ lệ giãn nở quy định tại Quyết định số 1783/2000/QĐ-BTM ngày 26/12/2000 của Bộ Thương mại.
Trả lời: Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu và Quyết định số 1752/2003/QĐ-BTM ngày 15/12/2003 của Bộ Thương mại ban hành Quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu tạm nhập tái xuất không quy định tỷ lệ chênh lệch về xăng dầu tạm nhập tái xuất.
Tại điểm 3 và điểm 8, mục I Quyết định số 30/2004/QĐ-BTC ngày 06/4/2004 của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan đối với xăng dầu nhập khẩu và tạm nhập tái xuất xăng dầu quy định xăng dầu tái xuất được hoàn thuế đúng số lượng, chủng loại đã thực tái xuất. Cách xác định khối lượng xăng dầu: căn cứ vào chứng thư giám định của tổ chức giám định có chức năng giám định khối lượng xăng dầu hoặc đồng hồ đo xăng dầu, hoặc được xác định bằng Barem phương tiện. Vì vậy, khi làm thủ tục đối với xăng dầu tái xuất, Hải quan căn cứ vào việc xác định khối lượng theo quy định nói trên để xác định lượng xăng dầu tái xuất, không chấp nhận việc tính tỷ lệ chênh lệch giữa khai báo và kiểm tra thực tế.
4. Câu hỏi: Theo Quyết định số 30/2004/QĐ-BTC ngày 6/4/2004 của Bộ Tài chính quy định: xăng dầu nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, hải quan cho phép bơm vào bồn bể rỗng và niêm phong. Khi có văn bản xác nhận đạt yêu cầu về chất lượng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan hải quan mới quyết định cho thông quan và doanh nghiệp mới được đưa vào sử dụng.
a, Đề nghị Tổng cục cho phép không niêm phong bồn, bể, nhưng yêu cầu Doanh nghiệp phải có văn bản nêu rõ số bồn bể, số xăng dầu còn tồn lại và cam kết tự bảo quản và chỉ được đưa vào sử dụng khi được thông quan.
b, Đối với xăng dầu cung ứng cho tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế, đề nghị quy định cụ thể định mức bán xăng dầu theo hành trình của tàu như quy định đối với tàu bay bay chặng quốc tế kết hợp nội địa.
Trả lời:
a, Việc niêm phong hải quan đối với xăng dầu nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, yêu cầu thực hiện theo đúng quy định tại điểm 7, mục I Quyết định số 30/2004/QĐ-BTC ngày 06/4/2004 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu nhập khẩu và tạm nhập tái xuất xăng dầu.
b, Xăng dầu bán cho tàu biển Việt Nam xuất cảnh chạy tuyến quốc tế quy định tại điều 4, chương I, điều 6 chương II Quyết định số 1752/2006/QĐ-BTM ngày 15/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quy chế kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu được hiểu là doanh nghiệp có chức năng cung ứng tàu biển chỉ được bán xăng dầu cho tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế trước khi xuất cảnh khỏi Việt Nam, không bao gồm việc tàu biển Việt Nam mua xăng dầu tái xuất tại cảng Việt Nam đi tiếp các cảng khác của Việt Nam mới xuất cảnh khỏi Việt Nam.
Việc quy định định mức xăng dầu bán cho tàu biển xuất cảnh chạy tuyến quốc tế để sử dụng theo hành trình của tàu biển như đối với tàu bay bay tuyến nội địa kết hợp quốc tế là khó khả thi, mặt khác khi tàu biển nhập cảnh đều phải khai báo hải quan.
Trong quá trình thực hiện có vướng mắc yêu cầu báo cáo Tổng cục để có chỉ đạo./.
|
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |