Công văn 2005/BYT-VPB1 năm 2022 trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ Hai và kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc Hội Khóa XV do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 2005/BYT-VPB1 |
Ngày ban hành | 20/04/2022 |
Ngày có hiệu lực | 20/04/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Nguyễn Thanh Long |
Lĩnh vực | Bảo hiểm,Thể thao - Y tế |
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 2005/BYT-VPB1 |
Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh
Bộ Y tế nhận được Công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022 của Ban Dân nguyện về trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ Hai và kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, trong đó có kiến nghị của cử tri địa phương.
Sau khi nghiên cứu nội dung kiến nghị và rà soát các văn bản liên quan, Bộ Y tế xin trả lời các kiến nghị của cử tri địa phương về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế (nội dung trả lời cử tri gửi kèm).
Bộ Y tế trân trọng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội xem xét và trả lời, thông tin tới cử tri.
Trân trọng cảm ơn./.
|
BỘ TRƯỞNG |
TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI
TỈNH TÂY NINH SAU KỲ HỌP THỨ 2 VÀ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA
XV THUỘC LĨNH VỰC Y TẾ
(Kèm
theo Công văn số 2005/BYT-VPB1 ngày 20/4/2022)
Câu 1. Nước ta đang tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là một trong những chỉ tiêu quan trọng được các cấp đề ra hàng năm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, có một số trường hợp người dân khi đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế vẫn phải đóng thêm tiền hoặc mua thuốc từ bên ngoài. Do đó, kiến nghị Bộ Y tế xem xét bổ sung thêm danh mục thuốc trong hạng mục thuốc bảo hiểm, để giảm bớt gánh nặng về tài chính cho người tham gia bảo hiểm y tế; đồng thời, thu hút được người dân tham gia Bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế trả lời như sau:
- Hiện nay, danh mục thuốc tân dược được sử dụng và thanh toán bảo hiểm y tế tại tuyến xã bao gồm 326 thuốc, bao gồm hầu hết các thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của Việt Nam. Danh mục thuốc y học cổ truyền hiện có 229 chế phẩm và 349 vị thuốc được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, bao gồm bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế.
- Với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục; đặc biệt chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.
Câu 2. Hiện nay đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng tăng không có chiều hướng giảm, gây hoang mang trong xã hội. Đề nghị sớm tìm ra biện pháp ngăn chặn hiệu quả, hạn chế các ca lây nhiễm trong cộng đồng, sớm ổn định và phát triển kinh tế.
Bộ Y tế trả lời như sau:
- Trên thế giới, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, số người nhiễm vẫn ở mức cao do sự xuất hiện của các biến thể mới; việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin đã góp phần quan trọng giúp Chính phủ nhiều nước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, chuyển sang chiến lược sống chung an toàn với COVID-19, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ, phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh
- Tại nước ta, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh cả 4 tiêu chí (số ca nhiễm trong cộng đồng, số ca chuyển nặng, số ca nhập viện và tử vong). Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước do biến thể này chiếm chủ đạo tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3/2022, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay[1]. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh hiệu quả thời gian tới cần triển khai các biện pháp như sau:
- Các bộ, ngành, địa phương: (1) Tiếp tục tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19; (2) Thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; (3) Bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; (4) Xây dựng kế hoạch hành động, chuẩn bị nguồn lực ứng phó, sẵn sàng kịch bản đáp ứng kể cả khi xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn; không được lơ là, chủ quan với diễn biến dịch bệnh; (5) Tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất, tập trung; (6) Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương và hợp tác quốc tế.
- Về y tế: (1) Tiếp tục coi vắc xin là “vũ khí chiến lược”, là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 3 cho đối tượng chỉ định tiêm trong quý II/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi trong tháng 4/2022; đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận, nhập khẩu và phân bổ vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới; (2) Từng bước tự chủ về thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế để chuẩn bị cho tình huống mọi tình huống dịch bệnh; (3) Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc quản lý rủi ro nhất là đối với các đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, bệnh nền, trẻ em...); (4) Tiếp tục rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế và nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; (5) Đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm trong nước; rút gọn tối đa các thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm về chuyên môn, khoa học.
Câu 3. Ngành Y tế Tây Ninh và các địa phương đang quá tải, nhân lực cơ sở không thể đáp ứng yêu cầu chống dịch. Kiến nghị Bộ Y tế cần quan tâm đến cơ chế chính sách cho ngành y tế. Bên cạnh giải pháp lâu dài để nâng cao chất lượng y tế cơ sở thì trước mắt cần có biện pháp ngay để hỗ trợ tăng nguồn nhân lực y tế cho công tác chống dịch cấp thiết hiện nay.
Bộ Y tế trả lời như sau:
1. Về cơ chế, chính sách cho ngành y tế
- Trong năm 2022, ngành Y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch COVID-19 góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
- Tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật được sửa đổi, Luật dân số và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.
- Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe; cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế, chú trọng tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn.
- Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sắp xếp bộ máy y tế nhất là y tế cơ sở một cách phù hợp theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn; đổi mới phương thức quản lý trong lĩnh vực y tế; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước trong các hoạt động của Ngành.