Công văn 1891/BNN-TCTS năm 2018 về tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1891/BNN-TCTS
Ngày ban hành 08/03/2018
Ngày có hiệu lực 08/03/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Vũ Văn Tám
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1891/BNN-TCTS

V/v tổ chức triển khai thực hiện, tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản số 18/2017/QH14

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2018

 

Kính gửi: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 23 tháng 11 năm 2017, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thủy sản, Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Để kịp thời cung cấp thông tin và tổ chức thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1. Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 trên địa bàn tỉnh.

2. Xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo nội dung được giao tại Khoản 1, Điều 62 Luật Thủy sản số 18/2017/QH14.

3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật đến các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng tài liệu về những nội dung cơ bản của Luật Thủy sản năm 2017 và gửi kèm theo công văn này.

Đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Chị cục Thủy sản;
- Lưu: VT, TCTS (06b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG TÀI LIỆU GIỚI THIỆU, PHỔ BIẾN LUẬT THUỶ SẢN SỐ 18/2017/QH14
(Kèm theo Công văn số 1891 /BNN-TCTS ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT:

Luật Thuỷ sản được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2004, đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng, điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thủy sản. Thực tiễn những năm qua cho thấy, Luật Thuỷ sản 2003 và các văn bản dưới luật đã dần đi vào cuộc sống; khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư tham gia vào nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ sản; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho ngư dân, phát triển kinh tế của đất nước trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhờ đó, trong những năm gần đây ngành thuỷ sản Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có đóng góp lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, năm 2016 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7,16 tỷ USD và năm 2017 đạt 8,3 tỷ USD.

Ngành thủy sản đã, đang phát triển mạnh và xác định sẽ trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở phát huy lợi thế của một ngành sản xuất - khai thác tài nguyên có khả năng tái tạo, lợi thế của nghề cá nhiệt đới, dần chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại, có kiểm soát và có trách nhiệm nhằm tạo sự phát triển đồng bộ và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước (theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020).

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường. Nguồn lợi thuỷ sản đã và đang suy giảm, môi trường sống của các loài thuỷ sản có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển thủy sản chưa thực sự hiệu quả và thiếu bền vững; yêu cầu của hội nhập quốc tế; năng lực, kinh nghiệm quản lý và trang thiết bị phục vụ cho kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thuỷ sản còn hạn chế; xu hướng bảo hộ mậu dịch, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu là thách thức lớn đối với thuỷ sản Việt Nam.

Sau 13 năm thi hành Luật Thủy sản 2003 thực tế đã đặt ra các yêu cầu cần phải nghiên cứu, sửa đổi như:

- Một số quy định của Luật Thuỷ sản 2003 khi triển khai thực hiện đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của Ngành thuỷ sản Việt Nam như: Quy định về quy hoạch quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản; điều tra nghiên cứu nguồn lợi thủy sản; quản lý đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; quản lý hoạt động thả phóng sinh, thả tái tạo nguồn lợi thủy sản; quản lý giấy phép khai thác thủy sản; đăng kiểm tàu cá; kiểm ngư...

- Một số quy định mới của các Điều ước quốc tế về thuỷ sản đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuỷ sản cho phù hợp (như Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng; quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định...).

- Yêu cầu trong công tác cải cách hành chính của Chính phủ Việt Nam, tăng cường thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp tối đa cho địa phương; rà soát đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh.

- Một số quy định của Luật Thuỷ sản 2003 không còn phù hợp với các Luật mới được Quốc hội thông qua có liên quan đến lĩnh vực thủy sản (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai,...).

Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên việc sửa đổi Luật Thuỷ sản 2003 là hết sức cần thiết.

II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM:

1. Mục tiêu: Thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thủy sản nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân; phát triển thủy sản bền vững và có trách nhiệm; ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển.

2. Quan điểm:

Thứ nhất, thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng về thuỷ sản; phù hợp với chiến lược phát triển ngành thủy sản, phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững (Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008...).

Thứ hai, kế thừa những nội dung, quy định đã khẳng định tính phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn trong Luật Thủy sản 2003; các nội dung sửa đổi, bổ sung phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, sự phát triển thủy sản hiện nay, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Thủy sản 2003.

Thứ ba, bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là phù hợp với các luật mới được Quốc hội thông qua.

[...]