Công văn 18898/BTC-TCHQ năm 2014 kiểm tra thực tế đối với dầu thô xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ hoạt động dầu khí do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 18898/BTC-TCHQ
Ngày ban hành 25/12/2014
Ngày có hiệu lực 25/12/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18898/BTC-TCHQ
V/v kiểm tra thực tế đối với dầu thô xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ hoạt động dầu khí

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2014

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với dầu thô xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ hoạt động dầu khí đi, đến cảng dầu khí ngoài khơi, cơ quan Hải quan đã gặp khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa, Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể như sau:

1. Về đặc thù của hoạt động dầu khí:

Do hoạt động xuất khẩu dầu thô có tính chất đặc thù hàng hóa chủ yếu không đến đất liền / đi từ đất liền mà đến / đi ngay tại các cảng dầu khí ngoài khơi ( hiện có 10 cảng dầu khí ngoài khơi tương đương với 10 mỏ dầu thô đang hoạt động khai thác), ví dụ như hoạt động của mỏ dầu thô Tê giác trắng do Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) khai thác.

Từ đất liền ra mỏ dầu thô Tê giác trắng sử dụng tàu bay trực trăng hoặc tàu biển nhỏ; nếu dùng tàu bay trực thăng mất khoảng 45 phút (giá thuê tàu bay cả đi lẫn về khoảng 10.312 USD đến 150.000 USD); nếu dùng tàu biển mất 7 giờ (giá thuê tàu biển cả đi lẫn về khoảng 3.400 USD); đối với mỏ dầu thô xa nhất đi tàu bay mất 2,5 giờ.

Hiện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được thực hiện thủ tục xuất khẩu dầu thô theo ủy quyền của Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil):

- Từ khi có hoạt động khai thác mỏ dầu thô (bao gồm xuất khẩu dầu thô) đến nay chưa có tranh chấp giữa PVOil (bên bán) và bên mua; việc mua bán và quy trình giao hàng phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam; thủ tục hải quan thuận lợi, đúng quy định hiện hành, được bên mua, bên bán đánh giá cao; cụ thể là: PVOil là doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt, thủ tục xuất khẩu dầu thô, xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí được thực hiện thủ tục hải quan điện tử, theo đó các lô hàng xuất nhập khẩu thuộc luồng xanh và được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.

- Thực tế quy trình xuất khẩu dầu thô chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Mặt khác, các lô hàng xuất khẩu thuộc luồng xanh, được miễn kiểm tra thực tế, trong khi đó để thực hiện giám sát trực tiếp thì cơ quan Hải quan phải có kinh phí để đi từ đất liền ra mỏ dầu thô và trở về đất liền (có 10 mỏ, 250 chuyến xuất khẩu/tháng), ăn ở sinh hoạt trên tàu. Hiện tại 10 mỏ dầu ở ngoài khơi xa đất liền, cơ quan Hải quan chưa có phương tiện kỹ thuật để thực hiện giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nêu trên.

Ngoài ra, để phục vụ hoạt động dầu khí (hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, kể cả các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này), các nhà thầu phải nhập khẩu hàng hóa để phục vụ hoạt động này. Hàng hóa được các nhà thầu đưa từ nước ngoài đến thẳng cảng dầu khí ngoài khơi hoặc đưa từ cảng dầu khí ngoài khơi ra nước ngoài. Thực tế hiện nay công tác giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí được vận chuyển đi / đến các cảng dầu khí ngoài khơi (được thực hiện ngay tại giàn khoan bao gồm cả việc tháo / lắp ngay các thiết bị trên giàn khoan) được các bên liên quan (mua, bán) quản lý rất chặt chẽ. Mặt khác, vị trí để thực hiện giám sát của công chức hải quan rất khó khăn, ví dụ như không thể đứng hoặc treo người ở giàn khoan hoặc đứng trên boong tàu (tàu chứa sản phẩm dầu thô được khai thác từ mỏ) thì khoảng cách từ tàu đến giàn khoan xa, không thể giám sát được (nhất là khi thời tiết xấu).

2. Về quy định của pháp luật liên quan kiểm tra hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:

Khoản 1, Điều 33 Luật Hải quan số 12/2014/L-CTN ngày 30/6/2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015) quy định về kiểm tra thực tế hàng hóa:

"1. Hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây được miễn kiểm tra thực tế:

a) Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp;

b) Hàng hóa chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh;

c) Hàng hóa thuộc các trường hợp đặc biệt khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ "

Hiện tại, điểm a, khoản 2, Điều 11 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan quy định về kiểm tra thực tế hàng hóa:

"a) Miễn kiểm tra thực tế hàng hóa đối với:

a.1) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về hải quan;

a.2) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sau đây của các chủ hàng khác:

- Hàng hóa xuất khẩu (trừ hàng hóa xuất khẩu được sản xuất từ các nguyên liệu nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu có điều kiện theo quy định về chính sách quản lý xuất khẩu hàng hóa);

- Máy móc thiết bị tạo tài sản cố định thuộc diện miễn thuế của dự án đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước;

- Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào khu thương mại tự do, cảng trung chuyển, kho ngoại quan; hàng hóa quá cảnh; hàng hóa cứu trợ khẩn cấp...

- Hàng hóa thuộc các trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; "

3. Thực hiện quy định của Luật Hải quan (hiện là Nghị định số 154/2005/NĐ-CP), do đặc thù hoạt động dầu khí nêu tại điểm 1 nêu trên, cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát hải quan; cụ thể đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng phải kiểm tra thực tế hàng hóa tại các cảng dầu khí ngoài khơi (gồm dầu thô xuất khẩu, hàng hóa để phục vụ hoạt động dầu khí), căn cứ quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 33 Luật Hải quan, Bộ Tài chính đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý đối với vướng mắc nêu trên, cụ thể như sau:

Nếu lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí; lô hàng dầu thô xuất khẩu tại cảng dầu khí ngoài khơi phải kiểm tra thực tế hàng hóa, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan (nơi làm thủ tục nhập khẩu) trên cơ sở văn bản đề nghị cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp để xem xét quyết định không kiểm tra thực tế hàng hóa. Trường hợp có dấu hiệu nghi vấn thì Chi cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố quyết định thực hiện giám sát trực tiếp bởi công chức hải quan theo quy định.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ Tài chính sẽ quy định nội dung trên vào dự thảo Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí; dầu thô xuất khẩu, nhập khẩu.

Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng nội dung trên.

 

[...]