Kính gửi: Bảo
hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 06/9/2021, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã
có Công văn số 2802/BHXH-CSXH hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH đối với người lao
động đã đủ các điều kiện bao gồm cả điều kiện về thời gian đã thực đóng vào quỹ
BHXH (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) tại các đơn vị sử dụng lao động
đã phá sản còn chưa đóng đủ BHXH. Tuy nhiên, đối với người lao động có thời
gian làm việc tại các đơn vị chưa đóng đủ BHXH khác thì chưa có hướng dẫn của cấp
có thẩm quyền.
Nay, trên cơ sở ý kiến của Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội tại Công văn số 2591/LĐTBXH-BHXH ngày 09/8/2021 và số
1025/LĐTBXH-BHXH ngày 23/3/2023, BHXH Việt Nam tổng hợp hướng dẫn BHXH các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất thực hiện chế độ BHXH đối với người
lao động tại các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ BHXH như sau:
I. Các đơn vị sử dụng lao động
chưa đóng đủ BHXH bao gồm:
- Đơn vị đang làm thủ tục phá sản;
- Đơn vị đã có Quyết định phá sản của Tòa án;
- Đơn vị không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ
đã đăng ký;
- Đơn vị không có người đại diện theo pháp luật.
II. Xác nhận thời gian tham gia
BHXH trên sổ BHXH và thu BHXH đối với người lao động
1. Đối tượng: Người lao động tại các đơn vị sử dụng
lao động chưa đóng đủ BHXH nêu tại mục I Công văn này.
2. Xác nhận thời gian tham gia trên sổ BHXH đối với
người lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH:
Thực hiện theo điểm 3.2 khoản 3 Điều
46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam được sửa đổi,
bổ sung tại khoản 72 Điều 1 Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày
27/3/2020 của BHXH Việt Nam: Xác nhận sổ BHXH cho người lao động đến thời
điểm đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN).
3. Thu BHXH tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu:
3.1. Đối tượng: Người lao động tại tiết b điểm 2.1
khoản 2 mục III Công văn này.
3.2. Mức đóng: Theo quy định tại khoản
1, 4 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ;
trong đó, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện do người lao động lựa chọn
theo quy định của pháp luật.
4. Thủ tục hồ sơ, quy trình xác nhận thời gian tham
gia BHXH đối với người lao động tại đơn vị chưa đóng đủ BHXH; thu BHXH đối với
người lao động tại tiết b điểm 2.1 khoản 2 mục III Công văn này thực hiện theo
Quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN, BHTNLĐ-BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ
BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt
Nam đã được sửa đổi tại Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 và số
490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023 của BHXH Việt Nam.
5. Về nguồn tài chính khác đóng BHXH cho khoản tiền
chưa đóng BHXH: Đây là khoản tiền không do người lao động hoặc thân nhân người
lao động tự đóng.
III. Giải quyết chế độ BHXH đối
với người lao động
1. Về chế độ ốm đau, thai sản
a) Cơ quan BHXH giải quyết hưởng chế độ ốm đau,
thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe đối với người lao động căn cứ thời gian
thực đóng BHXH đã được xác nhận.
b) Đối với trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi,
mang thai hộ: Người lao động có thời gian đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản
(không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) mà đủ 6 tháng trở lên theo quy định
tại khoản 2 Điều 31 Luật BHXH năm 2014, khoản
2 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội, khoản 5 Điều 1 Thông tư số
06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
hoặc 3 tháng trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật BHXH
năm 2014, nếu đảm bảo căn cứ để xác định người lao động chưa hưởng chế độ
thì cơ quan BHXH giải quyết trợ cấp thai sản theo quy định tại thời điểm người
lao động sinh con, nhận nuôi con nuôi, nhận con.
c) Khi khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi
đơn vị hoặc nguồn tài chính khác và làm thay đổi mức trợ cấp thì điều chỉnh lại
mức hưởng theo quy định của chính sách (tại thời điểm người lao động đủ điều kiện
hưởng) để chi trả bổ sung.
2. Về chế độ hưu trí
2.1. Cơ quan BHXH giải quyết hưởng lương hưu đối với
các trường hợp:
a) Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương
hưu và có thời gian thực đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên (không bao gồm thời
gian chưa đóng tiền BHXH) thì được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định của
chính sách tại thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Khi khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn
vị hoặc nguồn tài chính khác thì tính bổ sung thời gian đóng BHXH (nếu có) để
điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương
hưu đã giải quyết trước đó và chi trả bổ sung chênh lệch mức hưởng cho người
lao động kể từ thời điểm đã hưởng.
b) Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương
hưu, có thời gian thực đóng BHXH từ đủ 10 năm đến dưới 20 năm (không bao gồm thời
gian chưa đóng tiền BHXH) mà người lao động có nguyện vọng thì được đóng BHXH tự
nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng
tháng; thời điểm hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại khoản
2 Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội.
Khi khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn
vị hoặc nguồn tài chính khác thì tính bổ sung thời gian đóng BHXH (nếu có) để
điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương
hưu đã giải quyết trước đó và chi trả bổ sung chênh lệch mức hưởng cho người
lao động kể từ thời điểm đã hưởng (không thực hiện hoàn trả số tiền người lao động
đã đóng BHXH tự nguyện để thống nhất với nội dung hướng dẫn tại Công văn số
276/LĐTBXH-BHXH ngày 06/02/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
2.2. Giải quyết hưởng BHXH một lần
a) Đối với người hưởng theo quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014:
Giải quyết hưởng BHXH một lần đối với thời gian thực
đóng BHXH. Trường hợp sau đó, khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị
hoặc nguồn tài chính khác thì sẽ giải quyết bổ sung BHXH một lần theo hướng dẫn
tại tiết đ điểm này.
b) Đối với người hưởng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 mà chưa đủ 20 năm
đóng BHXH (bao gồm cả thời gian chưa đóng tiền BHXH) thì giải quyết như đối với
trường hợp tại tiết a điểm này.
c) Đối với người hưởng theo Nghị quyết số
93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội, chưa đủ 20 năm đóng BHXH (bao gồm cả
thời gian chưa đóng tiền BHXH) được giải quyết như đối với trường hợp tại tiết
a điểm này.
Việc xác định người lao động sau một năm nghỉ việc
để làm cơ sở xem xét điều kiện hưởng BHXH một lần theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 căn cứ vào thời điểm
nghỉ việc cuối cùng trước khi người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần.
d) Khi khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi
đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì cơ quan BHXH ghi nhận và bảo lưu toàn bộ
thời gian đóng bổ sung. Trường hợp người lao động tiếp tục tham gia BHXH thì thời
gian đóng bổ sung nêu trên được cộng nối với thời gian tiếp tục tham gia BHXH
sau này để tính hưởng chế độ BHXH.
đ) Trường hợp khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng
bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác và người lao động đề nghị hưởng BHXH một
lần cho thời gian đóng bổ sung thì cơ quan BHXH tính gộp thời gian đã giải quyết
trước đó với thời gian đóng bổ sung để xác định lại mức hưởng mới theo quy định
của Luật BHXH 2014 tại thời điểm giải quyết sau và trừ đi mức hưởng được tính lại
tương ứng với thời gian đã được tính hưởng BHXH một lần trước đó bao gồm cả thời
gian đã làm tròn (nếu có) để chi trả bổ sung cho người lao động.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A có thời gian tham gia BHXH
từ tháng 01/2016 đến tháng 10/2019 là 03 năm 10 tháng; trong đó đơn vị đã đóng
BHXH cho ông A từ tháng 01/2016 đến tháng 7/2018, thời gian từ tháng 8/2018 đến
tháng 10/2019 đơn vị chưa đóng BHXH. Giả sử tháng 6/2021 ông A đề nghị hưởng
BHXH một lần với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là 6.000.000 đồng. Cơ
quan BHXH giải quyết hưởng BHXH một lần cho ông A với thời gian đã thực đóng
vào quỹ BHXH từ tháng 01/2016 đến tháng 7/2018 là 02 năm 7 tháng như sau:
Mức hưởng BHXH một lần của ông A tại thời điểm
tháng 6/2021 là:
6.000.000 đồng x 3 năm (làm tròn 02 năm 7 tháng) x
2 tháng = 36.000.000 đồng.
Giả sử tháng 8/2023 ông A được đóng BHXH bổ sung
cho thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2019 và đề nghị cơ quan BHXH giải
quyết BHXH một lần cho thời gian được đóng bổ sung. Cơ quan BHXH giải quyết như
sau:
- Tổng thời gian đóng BHXH của ông A là 03 năm 10
tháng, được làm tròn thành 4 năm.
- Giả sử mức bình quân tiền lương tháng tính lại tại
thời điểm tháng 8/2023 là 7.000.000 đồng.
- Tổng mức hưởng BHXH một lần sau khi tính lại là:
7.000.000 đồng x 4 năm x 2 tháng = 56.000.000 đồng.
- Số tiền ông A đã hưởng được tính lại là:
7.000.000 đồng x 3 năm x 2 tháng = 42.000.000 đồng.
- Số tiền ông A được điều chỉnh hưởng bổ sung là:
56.000.000 đồng - 42.000.000 đồng = 14.000.000 đồng.
e) Để đảm bảo quyền lợi hưởng BHXH lâu dài của người
lao động, chưa giải quyết hưởng BHXH một lần đối với trường hợp có thời gian
đóng BHXH đủ 20 năm trở lên (bao gồm cả thời gian chưa đóng tiền BHXH), trừ trường
hợp quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm
2014.
3. Về chế độ tử tuất
3.1. Giải quyết trợ cấp mai táng đối với người lo
mai táng khi người lao động có thời gian thực đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng
trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật BHXH năm
2014 hoặc tổng thời gian thực đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện từ đủ 60
tháng trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 80 của Luật BHXH
năm 2014 (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH).
3.2. Giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với
thân nhân người lao động có từ đủ 15 năm thực đóng BHXH bắt buộc trở lên (không
bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) theo quy định tại điểm a
khoản 1 Điều 67 của Luật BHXH năm 2014 và có thân nhân thuộc diện hưởng trợ
cấp tuất hằng tháng mà không lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần. Thời điểm hưởng
trợ cấp tuất hàng tháng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều
68 Luật BHXH năm 2014.
3.3. Giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần đối với
các trường hợp sau:
a) Người lao động chưa đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc
theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật BHXH năm 2014
(bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH);
b) Người lao động có đủ 15 năm thực đóng BHXH bắt
buộc trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) mà thân nhân thuộc
diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần
theo quy định tại khoản 3 Điều 69 của Luật BHXH năm 2014.
c) Người lao động có đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc
trở lên (bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) mà thân nhân thuộc diện hưởng
trợ cấp tuất hằng tháng có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần theo quy định
tại khoản 3 Điều 69 của Luật BHXH năm 2014.
d) Người lao động có đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc
trở lên (bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) và không có thân nhân đủ điều
kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều
67 của Luật BHXH năm 2014.
đ) Người lao động có đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc
trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) và không có thân nhân đủ
điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định tại khoản
2 Điều 67 của Luật BHXH năm 2014.
Khi khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn
vị hoặc nguồn tài chính khác thì giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần bổ sung
tương tự như đối với trường hợp hưởng BHXH một lần nêu tại tiết đ điểm 2.2 khoản
2 Công văn này.
3.4. Chưa xem xét giải quyết hưởng chế độ tử tuất đối
với trường hợp người lao động có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc đủ 15 năm trở
lên (trong đó thời gian thực đóng BHXH bắt buộc chưa đủ 15 năm), có thân nhân đủ
điều kiện và đề nghị hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
4. Hồ sơ, thủ tục thực hiện
4.1. Chế độ ốm đau; chế độ thai sản theo quy định tại
Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34, Điều 37 Luật BHXH năm 2014;
trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe: Thực hiện theo quy định của Luật BHXH năm
2014 trong đó Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản,
dưỡng sức phục hồi sức khỏe do Liên đoàn Lao động tỉnh lập theo hướng dẫn của Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 1188/LĐTBXH-BHXH ngày
12/4/2016 gửi kèm theo (không bao gồm trường hợp đơn vị đang làm thủ tục phá sản).
4.2. Chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nữ
sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi, người mẹ mang thai hộ và người mẹ
nhờ mang thai hộ; lao động nam, người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng
trợ cấp thai sản một lần: Thực hiện như đối với người thôi việc trước thời điểm
sinh con, nhận nuôi con nuôi, nhận con.
4.3. Chế độ hưu trí, tử tuất: Thực hiện như đối với
người bảo lưu thời gian tham gia BHXH.
4.4. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ BHXH đối với
trường hợp không có người đại diện theo pháp luật
Việc xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động
làm cơ sở xem xét, giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động đối với trường
hợp không có người đại diện theo pháp luật: BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương để xác định thời điểm chấm
dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 7 Điều 34 và khoản
2 Điều 45 Bộ luật Lao động (được tính từ ngày cơ quan chuyên môn về đăng ký
kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện
theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại
diện theo pháp luật).
IV. Tổ chức thực hiện
1. Trung tâm Công nghệ thông tin
Điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ để tổ chức thực
hiện các nội dung hướng dẫn trong Công văn này, mã hóa theo từng chế độ BHXH tại
mục III để phục vụ công tác tổng hợp, thống kê số liệu báo cáo khi có yêu cầu.
Đồng thời, thực hiện cập nhật, điều chỉnh phần mềm TCS tại mục Hồ sơ xét duyệt
đáp ứng nội dung sau:
a) Thể hiện trạng thái đơn vị chưa đóng đủ tiền
BHXH của các đơn vị tại mục I Công văn này khi cán bộ nhập mã số BHXH của người
lao động.
b) Bổ sung trường điều kiện giải quyết chế độ “Công
văn 1025” để cán bộ xét duyệt tích nhập.
c) Dự tính được số tiền còn phải chi trả của từng
loại chế độ đối với những trường hợp đã được giải quyết hưởng theo hướng dẫn tại
Công văn này (những trường hợp có tích chọn điều kiện giải quyết là “Công văn
1025”) khi khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài
chính khác.
2. BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
2.1. Báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH,
BHYT trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định thời điểm chấm dứt
hợp đồng lao động tại đơn vị không có người đại diện theo pháp luật theo quy định
tại khoản 7 Điều 34 và khoản 2 Điều 45 Bộ luật Lao động.
2.2. Triển khai thực hiện và kịp thời phản ánh những
vướng mắc phát sinh (nếu có) về BHXH Việt Nam để nghiên cứu, hướng dẫn.
2.3. Rà soát, tổng hợp số liệu đối với trường hợp
quy định tại điểm 3.4 khoản 3 mục III Công văn này gửi về BHXH Việt Nam kèm
theo đề xuất phương án giải quyết trước ngày 01/8/2023 để BHXH Việt Nam có căn
cứ báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn.
3. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam theo chức
năng, nhiệm vụ hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung liên quan.
Công văn này thay thế Công văn số 2802/BHXH-CSXH
ngày 06/9/2021 của BHXH Việt Nam./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ LĐTBXH (để b/c);
- Văn phòng HĐQL BHXH (để b/c);
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam;
- BHXH BQP, BHXH CAND;
- Lưu: VT, CSXH.
|
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Lê Hùng Sơn
|