Công văn 17164/BTC-QLN về dự án vay nước ngoài có bảo lãnh Chính phủ do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 17164/BTC-QLN
Ngày ban hành 15/12/2011
Ngày có hiệu lực 15/12/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trương Chí Trung
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 17164/BTC-QLN
V/v Các dự án vay nước ngoài có bảo lãnh Chính phủ

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2011

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7502/VPCP-KTTH ngày 26/10/2011 về việc “giao Bộ Tài chính kiểm tra giám sát thường xuyên việc thực hiện nghĩa vụ của người được bảo lãnh, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các dự án vay có bảo lãnh Chính phủ (trong đó có các dự án xi măng) để đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả sử dụng các khoản vay, xác định nguyên nhân không trả được nợ đúng hạn của các dự án; đánh giá hiệu quả các biện pháp đã được áp dụng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15/12/2011”, Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay nước ngoài tính đến ngày 30/8/2011 (báo cáo đính kèm).

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

Hiện nay Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành cơ quan chủ quản và chủ dự án để cập nhật và tổng hợp, đánh giá chung tình hình các dự án vay vốn nước ngoài có bảo lãnh Chính phủ, đồng thời đang xây dựng kế hoạch kiểm tra các dự án gặp khó khăn, khả năng trả nợ thấp, tiềm ẩn rủi ro (dự kiến trong quí I/2012). Trên cơ sở tổng hợp này, Bộ Tài chính sẽ có báo cáo đánh giá như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 7502/VPCP-KTTH ngày 26/10/2011 nêu trên (dự kiến đầu quí II/2012).

Bộ Tài chính xin báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Bộ Công thương;
- Bộ Xây dựng;
- UBND Thành phố Hồ Chí Minh;
- Bộ NN&PTNT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Tập đoàn Sông Đà;
- Cục TCDN, Thanh tra Tài chính;
- Lưu: VT, QLN

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

 

TÌNH HÌNH CẤP BẢO LÃNH CHÍNH PHỦ
(Đến 31/8/2011)

1. Tình hình cấp bảo lãnh Chính phủ:

1.1. Tình hình cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay nước ngoài:

- Tính đến 31/8/2011, số dự án đã được cấp bảo lãnh là 88 với tổng vốn vay nước ngoài là 9,737 tỷ USD, trong đó có 19 dự án đã hoàn trả hết nợ, còn lại 69 dự án đang trong quá trình trả nợ. Các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất mặt hàng thiết yếu và cung cấp dịch vụ của nền kinh tế như điện, dầu khí, phân bón, đóng tàu, hàng không, giấy, xi măng.

- Trong 69 dự án đang trả nợ (tổng số vốn cam kết tương đương 9,15 tỷ USD) có 37 dự án điện (chiếm 56,1% tổng giá trị vốn vay BL), 6 dự án hàng không (chiếm 18,35%), 15 dự án xi măng (chiếm 13,67%), 3 dự án dầu khí (chiếm 2,73%), 3 dự án giấy (chiếm 4,42%), các dự án thuộc các lĩnh vực khác chiếm 4,76% tổng giá trị vốn vay BL (Phụ lục đính kèm).

- Trong tổng số vốn cam kết vay được bảo lãnh (tương đương 9,737 tỷ USD), tổng số vốn đã giải ngân tính đến 31/8/2011 là 6,65 tỷ USD(1). Dư nợ gốc tính đến 31/8/2011 là 5,08 tỷ USD.

1.2. Tình hình cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay trong nước:

- Tổng số dự án vay trong nước được cấp bảo lãnh đến 31/8/2011 là 15 dự án với tổng số vốn cam kết là tương đương 2,86 tỷ USD (có 5 dự án đã trả hết nợ). Các dự án tập trung cho các lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thiết yếu và cung cấp dịch vụ của nền kinh tế như điện, dầu khí, phân bón, đóng tàu, hàng không, giấy, xi măng.

- Trong 10 dự án đang trả nợ hiện có 2 dự án điện (chiếm 48,5% tổng giá trị vốn bảo lãnh), 1 dự án hàng không (chiếm 0,86%), 3 dự án xi măng (chiếm 5,38%), 6 dự án dầu khí (chiếm 40,8%) và 3 dự án thuộc các lĩnh vực khác (chiếm 16,7%); có 1 số dự án nằm trong danh sách được cấp bảo lãnh chính phủ để vay vốn nước ngoài (Phụ lục 2 đính kèm).

- Trong tổng số vốn cam kết vay được bảo lãnh trị giá tương đương 2,86 tỷ USD, tổng số đã giải ngân đến 31/8/2011 là 2,15 tỷ USD(2), Dư nợ gốc là 1,4 tỷ USD.

2. Đánh giá tình hình bảo lãnh chính phủ:

2.1. Về cơ chế chính sách:

a) Đối với việc bảo lãnh các khoản vay nước ngoài:

- Trước năm 1999, các dự án được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính bảo lãnh theo chỉ đạo của Chính phủ cho từng dự án cụ thể mà chưa có một quy chế nào điều chỉnh việc cấp bảo lãnh của Chính phủ.

- Từ 1999 - 2006, việc cấp BLCP thực hiện theo QĐ số 233/1999/QĐ-TTg ngày 20/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về Quy chế bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng (trong đó quy định Chính phủ chỉ cấp bảo lãnh đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng quốc doanh).

- Từ 2006 - 2009, việc cấp BLCP thực hiện theo QĐ số 272/2006/QĐ-TTg ngày 28/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài (trong đó mở rộng Chính phủ cấp bảo lãnh cho các khoản vay của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đáp ứng các điều kiện bảo lãnh).

b) Đối với việc bảo lãnh các khoản vay trong nước:

Từ trước năm 2009, việc cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay trong nước không có một quy định nào điều chỉnh. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong nước đối với từng dự án cụ thể, thông thường là các dự án quan trọng, có tính cấp bách đối với kinh tế xã hội của quốc gia nói chung và của địa phương nói riêng.

c) Quy định hiện hành đối với cấp BLCP (cho vay trong và ngoài nước):

Ngày 17/6/2009, Quốc hội ban hành Luật Quản lý nợ công (số 29/2009/QH12), trong đó có quy định về việc cấp bảo lãnh chính phủ và ngày 16/2/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2011/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ (hướng dẫn Luật Quản lý nợ công) để thay thế cho Quyết định số 272/2006/QĐ-TTg ngày 28/11/2006 nói trên. Nghị định 15/2011/NĐ-CP đã đưa ra được khung pháp lý chung và đầy đủ, bao gồm bảo lãnh cho các khoản vay trong nước và nước ngoài, bảo lãnh cho phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.

[...]