Công văn 1709/TTg-QHQT năm 2007 về gia nhập Nghị định thư sửa đổi Công ước quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 1709/TTg-QHQT |
Ngày ban hành | 13/11/2007 |
Ngày có hiệu lực | 13/11/2007 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phạm Gia Khiêm |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu,Bộ máy hành chính |
THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1709/TTg-QHQT |
Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2007 |
Kính gửi: Chủ tịch nước.
Thủ tướng Chính phủ xin báo cáo Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc Việt Nam gia nhập Nghị định thư sửa đổi Công ước quốc tế về đơn giản hoá và hài hoà thủ tục hải quan (Công ước Kyoto sửa đổi) như sau:
1, Nội dung cơ bản của Công ước Kyoto sửa đổi
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới, đòi hỏi thủ tục hải quan phải có thay đổi căn bản để vừa đảm bảo thuận lợi thương mại vừa tăng cường pháp luật hải quan. Do Công ước Kyoto năm 1973 về đơn giản hoá và hài hoà thủ tục hải quan (Việt Nam đã gia nhập vào ngày 04 tháng 7 năm 1997 theo Quyết định số 735/QĐ-CTN của Chủ tịch nước) còn có nhiều hạn chế như chỉ quy định việc tham gia của các nước ở mức độ tối thiểu, mức độ ràng buộc không cao, nên chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ về thủ tục hải quan ở các bên tham gia. Vì vậy, Tổ chức Hải quan thế giới đã quyết định sửa đổi Công ước Kyoto năm 1973 và thông qua Nghị định thư sửa đổi Công ước Kyoto năm 1973 tại phiên họp lần thứ 93/94 vào tháng 6 năm 1999 (Công ước Kyoto sửa đổi).
Công ước Kyoto sửa đổi bao gồm: Nghị định thư sửa đổi, thân công ước, phụ lục tổng quát và các phụ lục chuyên đề.
Nghị định thư sửa đổi. Nghị định thư sửa đổi là văn bản tuyên bố chính thức việc sửa đổi, bổ sung Công ước 1973 và quy định các thủ tục để các quốc gia tham gia Công ước sửa đổi.
Thân công ước. Thân công ước sửa đổi là các quy định về cơ chế sửa đổi, bổ sung Công ước, cơ chế quản lý Công ước thông qua ủy ban quản lý Công ước gồm các bên tham gia, cơ chế ràng buộc pháp lý quản lý và bảo lưu đối với bên tham gia Công ước; các quy định về thủ tục hành chính khác.
Phụ lục tổng quát: phụ lục tổng quát bao gồm những quy định liên quan đến những thủ tục cốt lõi không thể thiếu được đối với quy trình làm thủ tục liên quan và được áp dụng cho tất cả phụ lục chuyên đề. Phụ lục tổng quát chia thành 10 chương bao gồm các chuẩn mực chuyển tiếp đề cấp đến các thủ tục khai báo kiểm tra chứng từ, hàng hoá, tính thuế, các biện pháp đảm bảo, cách thức cung cấp thông tin cho các bên liên quan, quy định về cơ chế khiếu nại các quyết định của hải quan, v.v. . .
Phụ lục chuyên đề: bao gồm 10 phụ lục, mỗi phụ lục gồm một số chương liên quan đến thủ tục đặc thù cho từng loại hình xuất nhập khác nhau như quá cảnh, kho ngoại quan, hành khách xuất nhập cảnh, v.v...
Hướng dẫn thực hành: để giải thích và dễ dàng thực hiện Công ước, những hướng dẫn thực hành là văn bản không ràng buộc về mặt pháp lý, giúp cho các bên tham gia hiểu sâu hơn về Công ước và đưa ra những khuyến nghị và thông lệ về cách thức thực hiện.
Những thay đổi căn bản trong Công ước sửa đổi so với Công ước năm 1973, bao gồm:
- Công ước quy định áp dụng tối đa công nghệ thông tin.
Công ước quy định áp dụng kỹ thuật tiên tiến như quản lý rủi ro, kiểm tra trên cơ sở kiểm toán, các biện pháp bảo đảm và trao đổi thông tin trước khi hàng đến, cho phép giải quyết được mâu thuẫn giữa đảm bảo tăng cường kiếm soát hải quan và tạo thuận lợi thương mại.
- Công ước yêu cầu tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hải quan và doanh nghiệp, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và ngược lại, doanh nghiệp cam kết công tác chặt chẽ với hải quan trong lĩnh vực kiểm soát và tăng cường pháp luật.
- Công ước có cấu trúc liên kết tạo ra hệ thống công cụ pháp lý lôgic và gắn kết giữa thân, phụ lục tổng quát và 10 phụ lục chuyên đề.
Công ước có mức độ ràng buộc cao hơn đối với các thành viên Công ước, quy định cơ chế bảo lưu chặt chẽ, yêu cầu bên tham gia tối thiểu phải chấp nhận thân và phụ lục tổng quát và không được phép bảo lưu với chuẩn mực và chuẩn mực chuyển tiếp. Bảo lưu chỉ được phép với khuyến nghị thực hành của phụ lục chuyên đề, nhưng phải nêu lý do và phải xem xét bảo lưu định kỳ 3 năm 1 lần.
- Cơ chế sửa đổi và bổ sung thông qua ủy ban quản lý Công ước bao gồm các bên tham gia giúp Công ước vận động linh hoạt và luôn phù hợp thực tiễn của thương mại.
- Công ước cho phép thời gian quá độ là 3 năm với chuẩn mực và 5 năm với chuẩn mực chuyển tiếp kể từ khi Công ước có hiệu lực.
2. Sự cần thiết gia nhập Công ước
Gia nhập Công ước Kyoto sửa đổi thể hiện thiện chí, nỗ lực của ta trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Về kinh tế, gia nhập Công ước Kyoto sửa đổi góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đẩy mạnh thương mại, khuyến khích xuất khẩu, thu hút đầu tư và du lịch quốc tế vào Việt Nam, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu của khu vực doanh nghiệp.
Về nghiệp vụ Hải quan, Công ước Kyoto sửa đổi là công cụ pháp lý hiệu quả để giải quyết các mâu thuẫn khi thực hiện nhiệm vụ của ngành Hải quan như nhu cầu công việc ngày càng tăng trong khi nguồn lực hạn chế; vừa phải tăng cường kiểm soát hải quan, lại vừa phải tạo thuận lợi cho thương mại thông qua việc thực hiện các quy định của Công ước về áp dụng tối đa công nghệ !hông tin, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến như quản lý rủi ro, kiểm tra trên cơ sở kiểm toán, các biện pháp bảo đảm và trao đổi thông tin. Việc tham gia Công ước đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của WCO cũng như các thành viên của Công ước trong việc đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá hoạt động hải quan.
3. Những khó khăn và giải pháp khi gia nhập Công ước
Về cơ bản, nội dung Công ước Kyoto sửa đổi. không có quy định nào trái với Hiến pháp và các văn bản pháp luật do Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Phần lớn các quy định của pháp luật và thực tiễn Hải quan Việt Nam đã phù hợp với các chuẩn mực của Công ước Kyoto sửa đổi, cụ thể như sau:
- Tổng số chuẩn mực của Công ước: 148
- Số chuẩn mực đã phù hợp : 121 (81,2%)
- Số Chuẩn mực phù hợp một phần: 23 (16,1%)
- Số chuẩn mực chưa phù hợp: 4 (2,7%)