Công văn 1702/LNTC-GDĐT năm 2012 về tổ chức huy động các khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh trong cơ sở giáo dục và đào tạo do Liên Sở Giáo dục và Đào tạo - Tài chính tỉnh Hà Tĩnh ban hành
Số hiệu | 1702/LNTC-GDĐT |
Ngày ban hành | 28/08/2012 |
Ngày có hiệu lực | 28/08/2012 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hà Tĩnh |
Người ký | Hà Văn Trọng,Nguyễn Quốc Anh |
Lĩnh vực | Giáo dục |
UBND TỈNH HÀ TĨNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1702/LNTC-GDĐT |
Hà Tĩnh, ngày 28 tháng 8 năm 2012 |
HƯỚNG DẪN LIÊN NGÀNH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC HUY ĐỘNG CÁC KHOẢN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN CỦA CHA MẸ HỌC SINH TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước.
Căn cứ Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBNVQH11 ngày 20/4/2007 của Uy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Căn cứ Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ về việc ban hành Qui chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của xã, phường, thị trấn, thị trấn;
Căn cứ Thông tư 19/2005/TT-BTC ngày 11/3/2005 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn gốc từ các khoản đóng góp của nhân dân.
Thực hiện Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở Giáo dục và Đào tạo.
Liên Sở Giáo dục và Đào tạo, Tài chính hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung khi tổ chức vận động đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục và đào tạo như sau:
I. Đối tượng, mục đích, nguyên tắc và phương thức huy động:
1. Quy định này áp dụng trong công tác tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản huy động nguồn đóng góp tự nguyện phục vụ công tác dạy và học của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân trường, nhà để xe, cổng trường, tường bao quanh,…hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy - học.
2. Huy động đóng góp phải có sự thống nhất về chủ trương, kế hoạch triển khai thực hiện trong Ban giám hiệu, Hội đồng nhà Trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh; được sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp và Thường trực HĐND các cấp; Việc đóng góp dựa trên nguyên tắc tự nguyện, không được áp dụng bất kỳ hình thức ép buộc nào, không bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh.
3. Phương thức huy động đóng góp tự nguyện: Bằng tiền mặt, hiện vật hoặc ngày công lao động.
II. Quy trình huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp:
1. Vận động đóng góp tự nguyện để xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, các dụng cụ phục vụ học tập, sinh hoạt của học sinh:
1.1. Sau khi thống nhất chủ trương và kế hoạch triển khai trong Ban giám hiệu, Hội đồng nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh: Các cơ sở giáo dục này báo cáo bằng văn bản gửi Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp (UBND huyện đối với các Trung Tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp và Giáo dục Thường xuyên cấp huyện; Sở Giáo dục và Đào tạo đối với các trường THPT, Trung tâm bồi dưỡng NVSP và GDTX, Trường PTDT nội trú; Phòng giáo dục & Đào tạo đối với các trường THCS, Tiểu học, Mầm non) và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã (đối với khối Mầm non, Tiểu học, THCS), Thường trực HĐND cấp huyện (đối với khối THPT , Trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp và GDTX). Sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan này thì cơ sở giáo dục mới triển khai các bước tiếp theo.
1.2. Sau khi có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền: Nhà trường lập kế hoạch công việc và dự trù kinh phí chi tiết (bao gồm: Mục đích huy động, mức huy động, đối tượng và phương thức huy động; các nội dung chi và dự kiến mức chi cụ thể…).Niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh kế hoạch công việc và dự trù kinh phí; Nhu cầu huy động đóng góp tự nguyện phải được tính trên cơ sở tổng dự toán công trình được duyệt sau khi trừ đi các nguồn vốn: Nguồn Ngân sách nhà nước; Nguồn tài trợ, viên trợ từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước (nếu có).
1.3.Việc huy động các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh để thực hiện các nội dung nêu trên phải thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định tại Thông tư số 19/2005/TT-BTC ngày 11/3/2005 của Bộ Tài chính và Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhà trường phải tổ chức họp toàn thể cha mẹ học sinh để thảo luận và biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín (hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín do Hội nghị quyết định) về việc thống nhất các nội dung huy động. Những nội dung bàn bạc về việc huy động đóng góp tự nguyện chỉ được thực hiện khi có trên 70% tổng số cha mẹ học sinh tham gia dự họp tán thành.
Quản lý và sử dụng: Khi thu các khoản huy động đóng góp của cha mẹ học sinh phải thực hiện đúng các quy định về chứng từ kế toán hiện hành và nộp đầy đủ, kịp thời số tiền thu được vào tài khoản tiền gửi của trường mở tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện theo quy định. Căn cứ dự toán, khối lượng công việc hoàn thành, tổ chức nghiệm thu, biên bản bàn giao công trình, tài sản đưa vào sử dụng để thanh toán kinh phí; Sau khi hoàn thành công việc, các trường phải niêm yết công khai và báo cáo Quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện với các tổ chức, cá nhân đã đóng góp kinh phí; nguồn kinh phí huy động đóng góp phải được quản lý theo chế độ kế toán hiện hành.
2. Đối với việc huy động các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất trường học ngoài các quy định tại Hướng dẫn này, các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn số 408/STC-NSHX ngày 21/3/2011 của Sở Tài chính Hướng dẫn tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng.
3. Thu quỹ Hội cha mẹ học sinh thực hiện theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
4. Thu để mua quần áo đồng phục, phù hiệu học sinh, vở mang tên trường … các cơ sở giáo dục thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với cha mẹ học, cha mẹ học sinh tự lựa chọn và quyết định hình thức mua thích hợp; chi phục vụ trực tiếp cho học sinh như tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống, trông giữ phương tiện … theo nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh,… nhà trường phải thỏa thuận với cha mẹ học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi.
5. Thu lập quỹ Khuyến học, quỹ Đoàn, Đội, quỹ Chữ thập đỏ … phải có ý kiến bằng văn bản của Hội Khuyến học, Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức khác từ cấp huyện trở lên.
6. Các cơ sở giáo dục tuyệt đối không thu các khoản kinh phí để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí theo quy định như chi phục vụ công tác dạy, học, điện, nước, khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi,…tiền lao động của học sinh .
Trên đây là một số nội dung Liên ngành Sở Tài chính, Sở Giáo dục & Đào tạo hướng dẫn về các khoản đóng của cha mẹ học sinh, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào điều kiện của địa phương để chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch; phòng Giáo dục & đào tạo hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương mình.
Hướng dẫn này thực hiện từ năm học 2012-2013. Các trường và cơ sở giáo dục đã tổ chức vận động không đúng theo hướng dẫn thì điều chỉnh lại cho phù hợp (không đúng quy trình thì làm lại quy trình, không đúng nội dung vận động hoặc mức thu quá cao thì không tổ chức thu hoặc điều chỉnh lại mức thu cho phù hợp)
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc hoặc chưa rõ đề nghị các trường, cơ sở giáo dục phản ánh về Sở Tài chính, Sở Giáo dục & Đào tạo để xem xét, giải quyết./.