Công văn 16838/BTC-TCT năm 2015 về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lãi tiền gửi ngân hàng và lãi cho vay do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 16838/BTC-TCT |
Ngày ban hành | 13/11/2015 |
Ngày có hiệu lực | 13/11/2015 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16838/BTC-TCT |
Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2015 |
Kính gửi: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Bộ Tài chính nhận được công văn số 1709/TLĐ ngày 23/10/2015 và công văn số 1267/TLĐ ngày 13/8/2015 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị về chính sách thuế TNDN đối với lãi tiền gửi ngân hàng và lãi cho vay. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
- Điều 26 Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 quy định:
“Điều 26. Tài chính công đoàn
Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:
1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài”.
- Điều 1; Khoản 3, 4 Điều 3 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn quy định:
“1. Nghị định này quy định chi tiết về tài chính công đoàn đối với nguồn thu kinh phí công đoàn và ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ.
2. Đối với nguồn thu đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
3. Đối với nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng đối với từng khoản thu.
…
3. Tổ chức công đoàn các cấp thực hiện công tác kế toán, thống kê, báo cáo, quyết toán tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.
4. Tổ chức công đoàn được giao quản lý, sử dụng tài chính công đoàn được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; được mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng để phản ánh các khoản thu, chi kinh phí công đoàn theo quy định của Luật công đoàn.”
- Tiết đ, Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định về Người nộp thuế bao gồm:
“đ) Tổ chức khác ngoài tổ chức quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản này có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.”
- Khoản 5 Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP quy định:
“5. Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:
a) Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay): 5%. Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật áp dụng mức thuế quy định tại điểm c khoản này;
b) Đối với kinh doanh hàng hóa: 1%;
c) Đối với hoạt động khác: 2%”.
Căn cứ các quy định nêu trên, Bộ Tài chính thống nhất với ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: khoản lãi tiền gửi ngân hàng từ quỹ công đoàn theo quy định của Luật công đoàn để sử dụng đúng với quy định của Luật Công đoàn không phải nộp thuế TNDN.
Trường hợp Tổ chức công đoàn các cấp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có khoản thu nhập từ lãi cho vay và các khoản thu nhập từ kinh doanh khác thì phải kê khai, nộp thuế TNDN theo quy định, kể cả trường hợp sử dụng nguồn thu của quỹ công đoàn để kinh doanh./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |