TỔNG
CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 16468/CT-TTHT
V/v chính sách thuế TNCN đối
với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 3
năm 2020
|
Kính
gửi: Ông Watanabe Takemi
Địa chỉ: Phòng 804, tầng 8, số 109 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; MST: 5852716436)
Cục thuế TP Hà Nội nhận được công văn
không số ngày 16/03/2020 về việc xác định thu nhập chịu thuế và các vấn đề liên
qua của Ông Watanabe Takemi, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
1. Về
chính sách thuế
- Tại Điều 3 Luật Thuế GTGT số
13/2008/QH12 quy định:
“Điều 3. Đối tượng chịu thuế
Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản
xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia
tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật
này.”
- Tại Khoản 1, Điều 2 Luật Thuế TNCN
số 04/2007/QH12 quy định:
“Điều 2. Đối tượng nộp thuế
1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu
thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh
trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không
cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong
lãnh thổ Việt Nam.”
- Tại Điều 4 Thông tư số
92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“Điều 4. Phương pháp tính thuế đối
với cá nhân cho thuê tài sản
1. Nguyên tắc áp dụng
a) Cá nhân cho thuê tài sản là cá
nhân có phát sinh doanh thu từ cho thuê tài sản bao gồm: cho thuê nhà, mặt bằng,
cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi không bao gồm dịch vụ lưu trú, cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người
điều khiển; cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ....
b) Đối với cá nhân cho thuê tài sản
thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để
xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế
thu nhập cá nhân là tổng doanh thu phát sinh trong năm dương lịch của các hợp đồng cho thuê tài sản.
2. Về khai, nộp
thuế
- Tại Điều 8 Thông tư số 92/2015/TT-BTC
ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“1. Đối
với trường hợp cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ
quan thuế
Cá nhân cho thuê tài sản trực tiếp
khai thuế với cơ quan thuế là cá nhân ký hợp đồng cho thuê tài sản với cá nhân;
cá nhân ký hợp đồng cho thuê tài sản với tổ chức
không phải là tổ chức kinh tế (cơ quan Nhà nước, tổ chức Đoàn thể, Hiệp hội, tổ
chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán,...); cá nhân ký hợp đồng cho thuê tài sản với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mà trong hợp
đồng không có thỏa thuận bên thuê là người nộp thuế thay.
a) Nguyên tắc khai thuế
- Cá nhân trực tiếp khai thuế thực
hiện khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân nếu có tổng doanh thu
cho thuê tài sản trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng.
- Cá nhân lựa chọn khai thuế theo
kỳ thanh toán hoặc khai thuế một lần theo năm. Trường hợp có sự thay đổi về nội
dung hợp đồng thuê tài sản dẫn đến thay đổi doanh thu tính thuế, kỳ thanh toán,
thời hạn thuê thì cá nhân thực hiện khai điều chỉnh,
bổ sung.
- Cá nhân khai thuế theo từng hợp
đồng hoặc khai thuế cho nhiều hợp đồng trên một tờ khai nếu tài sản cho thuê tại
địa bàn có cùng cơ quan thuế quản lý.
b) Hồ sơ khai thuế
Hồ sơ khai thuế gồm:
- Tờ khai theo mẫu số 01/TTS ban
hành kèm theo Thông tư này;
- Phụ lục theo mẫu số 01-1/BK-TTS ban hành kèm theo Thông tư này (nếu là lần khai thuế đầu tiên của
Hợp đồng hoặc Phụ lục hợp đồng);
- Bản chụp hợp đồng thuê tài sản,
phụ lục hợp đồng (nếu là lần khai thuế đầu tiên của Hợp đồng hoặc Phụ lục hợp đồng);
- Bản chụp Giấy ủy quyền theo quy
định của pháp luật (trường hợp cá nhân cho thuê tài sản ủy quyền cho đại diện hợp
pháp thực hiện thủ tục khai, nộp thuế).
c) Nơi nộp hồ sơ khai thuế
Nơi nộp hồ sơ khai thuế là Chi cục
Thuế nơi có tài sản cho thuê.
d) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân khai thuế theo kỳ hạn thanh toán chậm nhất là ngày thứ 30
(ba mươi) của quý tiếp theo quý bắt đầu thời hạn cho thuê.
đ) Thời hạn nộp thuế
Thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp
hồ sơ khai thuế.”
- Căn cứ Nghị định
139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của chính phủ về lệ phí môn bài:
+ Tại Điều 2 quy định người nộp lệ
phí môn bài:
“...7. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ
gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
+ Tại Điều 3 quy định miễn lệ phí môn
bài
“Điều 3. Miễn lệ phí môn bài
Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:
1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ
gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
2. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình
hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định
theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia
đình sản xuất muối.
4. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân,
hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
…”
- Căn cứ Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng
dẫn về người nộp lệ phí môn bài, các trường hợp miễn lệ phí môn bài, mức thu lệ
phí môn bài và khai, nộp lệ phí môn bài do Bộ Tài chính ban hành ngày
15/11/2016.
+ Tại Điều 4 quy định
“2. Mức thu lệ phí môn bài đối với
cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch
vụ như sau:
…
c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia
đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.
Doanh thu để làm căn cứ xác định mức
thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình tại khoản này là
tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy
định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
…”
+ Tại Điều 5 quy định:
“Điều 5. Khai, nộp lệ phí môn bài
2. Khai, nộp lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh
hàng hóa, dịch vụ
a) Khai lệ phí môn bài
...a.2) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ
gia đình cho thuê bất động sản khai lệ phí môn bài một lần theo từng hợp đồng
cho thuê bất động sản. Trường hợp hợp đồng cho thuê bất động sản kéo dài trong
nhiều năm thì nộp lệ phí môn bài theo từng năm
tương ứng với số năm cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị
gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình
khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân một lần đối với hợp đồng
cho thuê bất động sản kéo dài trong nhiều năm thì nộp mức lệ phí môn bài của một
năm.
a.3) Trường hợp cá nhân, nhóm cá
nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh không trực tiếp khai, nộp thuế với cơ
quan thuế mà có tổ chức khai và nộp thay thuế thì tổ chức có trách nhiệm nộp
thuế thay có trách nhiệm nộp thay lệ phí môn bài của cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia
đình hoạt động sản xuất kinh doanh khi cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình này chưa nộp.
b) Nộp lệ phí môn bài
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình
thực hiện nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.
…”
3. Quy định về việc áp dụng Hiệp định
tránh đánh thuế 2 lần
- Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ Nhật
Bản và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tránh đánh thuế hai
lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập:
+ Tại Khoản 3 Điều 2 quy định:
“3/ Những loại thuế hiện hành được
áp dụng trong Hiệp định này là:
a. Tại Việt Nam:
(i)
Thuế thu nhập cá nhân;
(ii)
Thuế lợi tức;
(iii)
Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài;
(iv)
Thuế đối với các nhà thầu nước ngoài (trong phạm vi được coi như là thuế
thu trên lợi tức);
(v) Thuế đối với các nhà thầu phụ
nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí (trong phạm vi được
coi như là thuế thu trên lợi tức); và
(vi) Thuế đối với tiền bản quyền;
(Dưới đây được gọi là “thuế Việt
Nam”);
b, Tại Nhật Bản:
(i)
Thuế thu nhập;
(ii)
Thuế công ty; và
(iii) Các
loại thuế cư trú của địa phương;
(Dưới đây được gọi là “thuế Nhật Bản).”
- Tại Điều 6 quy định:
“1/
Thu nhập mà một đối tượng cư trú của một Nước ký kết
thu được từ bất động sản (kể cả thu nhập từ nông nghiệp hoặc lâm nghiệp) nằm tại Nước ký kết kia thì có thể bị đánh thuế tại
Nước ký kết kia.
2/ Thuật ngữ “bất động sản” sẽ có
nghĩa theo như luật của Nước ký kết nơi có tài sản.
Trong mọi trường hợp thuật ngữ này sẽ bao gồm cả tài sản đi liền với bất động sản,
đàn gia súc và thiết bị sử dụng trong nông nghiệp và lâm nghiệp, các quyền lợi được áp dụng theo như những quy định tại luật chung về
bất động sản, quyền sử dụng bất động sản và các quyền được hưởng các khoản
thanh toán thay đổi hay cố định trả cho việc khai
thác hay quyền khai thác các mỏ, nguồn khoáng sản
và các tài nguyên thiên nhiên khác; các tàu thủy và máy bay sẽ không được coi
là bất động sản.
3/ Những
quy định tại khoản 1 sẽ áp dụng đối với thu nhập phát sinh từ việc trực tiếp sử
dụng, cho thuê hay sử dụng các loại bất động sản dưới bất kỳ hình thức nào
khác....”
- Tại Khoản 1 Điều 22 quy định:
“1/ Tại Việt Nam, việc đánh thuế
hai lần sẽ được xóa bỏ như sau:
Khi một
đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được thu nhập, lợi tức hay các khoản lợi tức
từ chuyển nhượng tài sản mà những khoản này, theo luật của Nhật Bản và phù hợp
với Hiệp định này, có thể bị đánh thuế tại Nhật Bản, Việt Nam sẽ cho phép đối tượng đó được khấu trừ vào thuế Việt Nam tính trên thu nhập, lợi tức
hay các khoản lợi tức từ chuyển nhượng tài sản một khoản tiền tương đương với số
tiền thuế đã nộp tại Nhật Bản. Tuy nhiên, số tiền thuế được khấu trừ sẽ không
vượt quá phần thuế Việt Nam được tính trên thu nhập,
lợi tức hay các khoản lợi tức từ chuyển nhượng tài sản theo các luật và quy định thuế của Việt Nam.”
- Căn cứ Điều 48 Thông tư số 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 hướng dẫn biện pháp
khấu trừ thuế:
“Trường hợp một đối tượng cư trú của Việt Nam có thu nhập, và đã nộp thuế tại
Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, nếu tại Hiệp định, Việt Nam cam kết thực hiện
biện pháp khấu trừ thuế thì khi đối tượng cư trú
này kê khai thuế thu nhập tại Việt Nam, các khoản thu nhập đó sẽ được tính vào
thu nhập chịu thuế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam và số tiền thuế đã nộp ở Nước ký kết sẽ được khấu trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam. Việc khấu trừ
thuế thực hiện theo các nguyên tắc dưới đây:
a) Thuế đã nộp ở Nước ký kết được khấu trừ là sắc thuế được quy định tại Hiệp định;
b) Số thuế được khấu trừ không vượt
quá số thuế phải nộp tại Việt Nam tính trên thu nhập
từ Nước ký kết theo quy định pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam nhưng cũng
không được khấu trừ hoặc hoàn số thuế đã nộp cao
hơn ở nước ngoài;
c) Số thuế đã nộp ở Nước ký kết được khấu trừ là số thuế phát sinh
trong thời gian thuộc năm tính thuế tại Việt Nam....”
- Căn cứ điểm e.1, Khoản 2, Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2018 của Bộ
Tài chính có hướng dẫn:
“e) Nguyên tắc khai thuế, quyết toán thuế đối với một số trường hợp như sau:
e.1) Trường
hợp cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh tại nước ngoài đã tính và nộp thuế thu
nhập cá nhân theo quy định của nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước
ngoài, số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của
Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại
nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế.”
Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP
Hà Nội có ý kiến như sau:
1. Về
việc xác định thu nhập chịu thuế: Về nguyên tắc, đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam thì phải kê khai nộp
thuế TNCN tại Việt Nam đối với thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt
Nam không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập. Trường hợp ông Watanabe Takemi là
cá nhân cư trú tại Việt Nam có thu nhập từ cho thuê nhà tại Nhật Bản thì Ông Watanabe Takemi phải kê khai nộp thuế TNCN tại Việt Nam đối với
thu nhập từ cho thuê bất động sản tại Nhật Bản
2. Về
việc kê khai thuế, hồ sơ khai thuế:
- Thuế GTGT, TNCN: Đối với thu nhập từ
cho thuê bất động sản tại Nhật Bản có tổng doanh thu trong năm dương lịch trên
100 triệu đồng, Ông Watanabe Takemi thực hiện khai thuế giá trị gia tăng, thuế
thu nhập cá nhân theo nguyên tắc khai thuế và hồ sơ khai thuế theo hướng dẫn tại
điểm a, điểm b Điều 8 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài
chính.
Do tài sản cho thuê tại Nhật Bản nên
không thể khai tại nơi có nhà cho thuê, do đó, Ông Watanabe Takemi thực hiện nộp
hồ sơ khai thuế đối với hoạt động cho thuê nhà này tại Cục Thuế trực tiếp quản
lý nơi phát sinh thu nhập từ tiền lương, tiền công (nơi cá nhân làm việc hoặc
nơi phát sinh công việc tại Việt Nam).
- Lệ phí môn bài: Ông Watanabe Takemi
cho thuê bất động sản khai và nộp lệ phí môn bài năm 2019 theo hướng dẫn tại Điều
5 Thông tư 302/2016/TT-BTC, mức nộp lệ phí môn bài theo hướng dẫn tại Điều 4
Thông tư 302/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.
3. Về
việc khấu trừ thuế đã nộp ở nước ngoài:
Về nguyên tắc áp dụng Hiệp định giữa Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập: Trường hợp cá nhân
cư trú tại Việt Nam có thu nhập phát sinh tại Nhật Bản, cơ quan chi trả ở Nhật
Bản đã khấu trừ thuế TNCN thì được trừ vào số thuế TNCN phải nộp ở Việt Nam đối
với các khoản tương ứng đã nộp ở Nhật Bản, số thuế được trừ
không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ
cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ
lệ giữa số thu nhập phát sinh tại Nhật Bản và tổng thu nhập chịu thuế. Việc khấu
trừ thuế thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 48 Thông tư số
205/2013/TT-BTC
Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng
mắc đề nghị Ông Watanabe Takemi liên hệ với Cục Thuế TP Hà Nội để được hướng dẫn.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để ông Watanabe Takemi được biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng DTPC;
- Phòng CNTK;
- Lưu: VT, TTHT(2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Tiến Trường
|