Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn số 1646/TCHQ-KTTT về danh mục dữ liệu quản lý rủi ro giá do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 1646/TCHQ-KTTT
Ngày ban hành 10/04/2008
Ngày có hiệu lực 10/04/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Đặng Thị Bình An
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 1646/TCHQ-KTTT
V/v ban hành danh mục dữ liệu quản lý rủi ro giá

Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2008

 

Kính gửi: Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố

Qua theo dõi công tác kiểm tra, tham vấn và xác định giá của Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố trong thời gian qua, Tổng cục nhận thấy việc kiểm tra, tham vấn, xác định giá tính thuế nhập khẩu sau khi bác bỏ trị giá tại khâu tham vấn còn nhiều tồn tại, tình trạng xác định trị giá chưa thống nhất giữa các Cục Hải quan địa phương do sử dụng không thống nhất các nguồn dữ liệu diễn ra khá phổ biến, tạo ra sự bất bình đẳng trong nghĩa vụ nộp thuế giữa các doanh nghiệp.

Nhằm tăng cường công tác quản lý giá tính thuế, ngăn chặn và hạn chế các hiện tượng gian lận thương mại đồng thời bổ sung thêm nguồn thông tin để hỗ trợ Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố trong công tác kiểm tra, tham vấn và xử lý đối với các trường hợp khai báo trị giá không phù hợp với giá thực tế phải thanh toán.

- Căn cứ Nghị định 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

- Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ tại thông báo số: 174/TB-BTC ngày 11/3/2008 về tăng cường công tác quản lý giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo công văn này “Danh mục dữ liệu quản lý rủi ro về giá mặt hàng ô tô, xe gắn máy” và hướng dẫn sử dụng như sau:

1. Danh mục dữ liệu quản lý rủi ro về giá mặt hàng ô tô, xe gắn máy là một bộ phận trong cơ sở dữ liệu giá làm cơ sở để so sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá khai báo của doanh nghiệp, phân loại các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ và thực hiện tham vấn theo quy định.

Các mức trong danh mục được xây dựng trên cơ sở tổng hợp, phân tích từ các nguồn thông tin sau:

- Trị giá khai báo của doanh nghiệp đã được chấp nhận làm trị giá tính thuế nhưng không sử dụng trị giá khai báo của những lô hàng nghi ngờ, chờ tham vấn.

- Trị giá tính thuế do cơ quan hải quan xác định theo trình tự & các phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại nghị định 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ.

- Thông tin khác có liên quan đến trị giá do cơ quan hải quan thu thập được như: Giá bán trên thị trường, giá do các nhà sản xuất trong nước cung cấp, giá do nhà xuất khẩu cung cấp, …

2. Phương pháp kiểm tra: So sánh trị giá khai báo của lô hàng nhập khẩu với mức giá mặt hàng giống hệt, tương tự có trong danh mục dữ liệu giá này, nếu trị giá khai báo thấp hơn thì xác định dấu hiệu nghi ngờ trên hệ thống GTT22 (đánh dấu đỏ) đồng thời tổ chức tham vấn theo đúng thời gian quy định, xác định cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, xác định lại trị giá tính thuế theo đúng trình tự, nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá quy định tại nghị định số: 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.

Trường hợp không tìm được hàng hóa giống hệt, hàng hóa tương tự theo quy định để so sánh, kiểm tra trị giá khai báo thì áp dụng linh hoạt, mở rộng hơn khái niệm hàng hóa giống hệt, tương tự, cụ thể:

- Mặt hàng nhập khẩu có nhiều tính năng, công dụng đi kèm có thể so sánh với trị giá của mặt hàng cùng loại có một tính năng cơ bản đã có trong danh mục dữ liệu quản lý rủi ro về giá.

- Mặt hàng nhập khẩu có phẩm cấp, chất lượng cao hơn có thể so sánh với trị giá của mặt hàng cùng loại có phẩm cấp chất lượng thấp hơn đã có trong danh mục dữ liệu quản lý rủi ro về giá.

- Mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ từ các nước, khối nước phát triển có thể so sánh với trị giá của mặt hàng cùng loại có xuất xứ từ các nước, khối nước chưa phát triển, đang phát triển có trong danh mục dữ liệu quản lý rủi ro về giá.

3. Trình tự sử dụng các nguồn dữ liệu khi xác định trị giá: Dữ liệu được sử dụng để xác định trị giá sau khi bác bỏ trị giá khai báo được sử dụng theo trình tự như sau:

3.1. Dữ liệu về trị giá trên hệ thống GTT22 đã được Tổng cục kiểm tra, phân tích và xác định mức độ tin cậy cao bao gồm:

- Trị giá khai báo của doanh nghiệp đã được chấp nhận làm trị giá tính thuế có trạng thái “Dòng xanh” trên hệ thống GTT22.

- Trị giá tính thuế do cơ quan hải quan xác định sau khi bác bỏ trị giá khai báo có trạng thái “Dòng xanh” trên hệ thống GTT22.

3.2. Dữ liệu về trị giá trên hệ thống GTT22 đã được các Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố kiểm tra, phân tích và xác định mức độ tin cậy cao bao gồm toàn bộ trị giá khai báo đã được chấp nhận làm trị giá tính thuế có trạng thái “dòng đen”.

3.3. Các lô hàng có trị giá khai báo hoặc trị giá điều chỉnh thuộc trạng thái “dòng đỏ hoặc dòng vàng” chỉ được sử dụng để tham khảo trong quá trình kiểm tra, tham vấn, không sử dụng làm dữ liệu xác định trị giá.

4. Giao Cục trưởng Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố:

- Tổ chức thu thập, phân tích và tổng hợp các nguồn thông tin, đề xuất mức giá xây dựng bổ sung đối với các loại xe chưa được quy định cụ thể tại danh mục này khi có hàng thực nhập (có mẫu kèm theo).

- Đề xuất, kiến nghị sửa đổi mức giá ban hành kèm theo công văn này khi có sự biến động tăng, giảm trên 10% (có mẫu kèm theo).

5. Công văn này áp dụng kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2008.

Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan các Tỉnh thành phố biết và triển khai thực hiện./.

 

[...]