Công văn 164/LĐTBXH-BĐG thực hiện công tác bình đẳng giới năm 2014 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 164/LĐTBXH-BĐG |
Ngày ban hành | 21/01/2014 |
Ngày có hiệu lực | 21/01/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Nguyễn Thanh Hòa |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 164/LĐTBXH-BĐG |
Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2014 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, |
Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, các quy định pháp luật về bình đẳng giới đã được triển khai ở hầu hết các ngành, các cấp; bước đầu tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức và người dân. Kết quả thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực đã từng bước được cải thiện.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Bình đẳng giới, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các Chiến lược, Chương trình có liên quan, năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Ban, ngành liên quan tiếp tục tập trung triển khai các hoạt động bình đẳng giới, cụ thể như sau:
1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới
- Nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cụ thể:
+ Nội dung: Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, giáo dục về pháp luật bình đẳng giới, Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, các cam kết quốc tế liên quan mà Việt Nam đã tham gia (CEDAW, Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, các tuyên bố của khu vực ASEAN...), kết quả triển khai thực hiện các cam kết quốc tế, và các chủ đề ưu tiên hàng năm của Liên hợp quốc và Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Chú trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước xóa bỏ định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt là xóa bỏ các hình thức bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có hành vi phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi, hành vi xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu về các mô hình dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới ở địa phương, cơ sở.
+ Hình thức: Tuyên truyền thông qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn, thăm quan học tập kinh nghiệm, các cuộc thi tìm hiểu; tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông tại cộng đồng phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng, địa bàn dân cư; hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai hoạt động tuyên truyền theo chuyên đề; khuyến khích các địa phương xây dựng và lắp đặt các pano, áp phích, tranh cổ động về bình đẳng giới; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền nhằm tạo hiệu ứng tốt cho công tác truyền thông, lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới trong triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị; tiếp tục phát huy công tác tuyên truyền qua đài phát thanh và truyền hình, đài truyền thanh ở xã, thôn, bản; xuất bản các sản phẩm truyền thông; lưu ý có các sản phẩm truyền thông phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền; xây dựng các dịch vụ thông tin, tư vấn về bình đẳng giới.
- Xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, báo cáo viên về bình đẳng giới ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới.
2. Nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới
- Tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức và cán bộ, cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp theo quy định hiện hành, phù hợp với thực tế của từng địa phương, đơn vị, đảm bảo bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các cấp.
+ Đối với cấp trung ương: Phân công đơn vị chuyên môn làm đầu mối để tham mưu, thực hiện công tác bình đẳng giới.
+ Đối với cấp địa phương: Phân công làm rõ trách nhiệm cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
- Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Tổ chức tập huấn kiến thức về giới và kỹ năng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, cộng tác viên nói chung và cán bộ chuyên trách nói riêng; đối với các cơ quan làm chính sách cần chú trọng tới các lĩnh vực có đông phụ nữ tham gia.
+ Đối với cấp trung ương: Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác xây dựng và hoạch định chính sách, cán bộ pháp chế, thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để từng bước có đủ kiến thức cần thiết xác định được những nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới.
+ Đối với cấp địa phương: Tổ chức các đợt tập huấn kiến thức giới và kỹ năng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạch định và thực thi chính sách cho cán bộ quản lý nhà nước về bình đẳng giới, cán bộ tư pháp, thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ lao động - xã hội và cộng tác viên cấp xã.
3. Nghiên cứu, xây dựng và phát triển các dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới
- Xây dựng và phát triển các hệ thống dịch vụ nhằm hỗ trợ phụ nữ và nam giới bình đẳng về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Thí điểm xây dựng các mô hình dịch vụ nhằm hỗ trợ phụ nữ và nam giới phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới.
- Tăng cường xã hội hóa và công tác phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động về bình đẳng giới.
4. Công tác thanh tra, kiểm tra về bình đẳng giới
- Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thanh tra về bình đẳng giới nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; đồng thời có kế hoạch thanh tra chuyên đề về thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và thông báo kết quả kiểm tra về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Đẩy mạnh triển khai thực hiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới, trong đó có Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới. Đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất cần tháo gỡ trong việc thực hiện Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.
5. Về triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015
Năm 2014 là năm bản lề chuẩn bị kết thúc việc thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, do đó, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 đồng thời bám sát thực trạng công tác bình đẳng giới của đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí chi tiết các hoạt động gắn với từng dự án triển khai trong năm 2014. Trong đó, tập trung ưu tiên những hoạt động phù hợp nhiệm vụ và thế mạnh của đơn vị; đồng thời chú ý lồng ghép với các chương trình, dự án khác mà đơn vị đang quản lý hoặc đang thực hiện.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị Bộ Tài chính phân bổ kinh phí thực hiện một số nhiệm vụ chi ngân sách trung ương năm 2014 tại Công văn số 4011/LĐTBXH-KHTC ngày 17/10/2013, trong đó có hỗ trợ kinh phí cho một số Bộ, ngành trung ương và hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới năm 2014 (Chi tiết phân bổ theo Phụ lục đính kèm).
a) Đối với cơ quan trung ương:
Năm 2014, do khó khăn về kinh phí ngân sách mới chỉ bố trí được cho các Bộ: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc để thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới. Đề nghị các Bộ căn cứ vào dự toán đã được thông báo, phân bố cho các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả kinh phí được giao; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính kết quả thực hiện kinh phí được giao của năm 2013 (đối với các Bộ: Thông tin truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nội vụ; Ủy ban Dân tộc) (Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 28/2/2014).