Công văn 16364/BTC-CST năm 2014 về kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 16364/BTC-CST
Ngày ban hành 11/11/2014
Ngày có hiệu lực 11/11/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Thị Mai
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16364/BTC-CST
V/v kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2014

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Trả lời công văn số 87-17/VPCP-V.III ngày 3/11/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị có ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tại công văn số 117/ĐĐBQH ngày 24/10/2014 về vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế, chính sách tại Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

I. Về một số vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách tại Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị (Phần A):

1. Vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg:

a) Về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sản xuất tại Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu về tiêu thụ tại nội địa (đối với dự án đầu tư sản xuất được cấp giấy chứng nhận đầu tư sau ngày 15/01/2014).

Theo quy định trước đây tại Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg ngày 12/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, thuế suất thuế nhập khẩu phải nộp tính trên nguyên liệu, linh kiện cấu thành trong hàng hóa đó. Tuy nhiên, theo Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, thuế suất nhập khẩu phải nộp được tính trên hàng hóa. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất tại khu vực đang chịu bất lợi hơn so với doanh nghiệp tại nội địa do phải chịu thuế nhập khẩu cao hơn so với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cùng loại tại nội địa khi nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài để sản xuất hàng hóa (đưa về tiêu thụ tại nội địa).

Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, đảm bảo tính thống nhất về cơ chế, chính sách trước và sau khi có Quyết định 72/2013/QĐ-TTg, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào khu vực, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép: "Hàng hóa sản xuất gia công tái, chế tại Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam chỉ phải nộp thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa đó. Thuế nhập khẩu phải nộp căn cứ vào số lượng, mức thuế suất và giá tính thuế của phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa nhập khẩu vào nội địa Việt Nam " áp dụng đối với các dự án đầu tư sản xuất được cấp Giấy chứng nhận đầu tư cả trước đây tại Quyết định 11/2005/QĐ-TTg, Quyết định 33/2009/QĐ-TTg ngày 02/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Về nội dung này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

- Theo Quyết định 11/2005/QĐ-TTg, Quyết định 33/2009/QĐ-TTg ngày 02/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì hàng hóa sản xuất, gia công tái chế tại Khu phi thuế quan có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam chỉ phải nộp thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa đó; thuế nhập khẩu phải nộp căn cứ vào số lượng, mức thuế suất và giá tính thuế của phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa nhập khẩu vào nội địa Việt Nam.

- Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu khoản 1 Điều 6 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì căn cứ tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là: Số lượng từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong Tờ khai hải quan, Giá tính thuế và Thuế suất từng mặt hàng.

Theo đó, nội dung quy định, về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế tại khu phi thuế quan có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam được điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ và quy định tại khoản 6 Điều 12 Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg như sau: "Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu; trường hợp có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài thì khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam chỉ phải nộp thuế nhập khẩu tính trên phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu cấu thành trong hàng hóa đó (trừ hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp của dự án đầu tư có tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng tại khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh và khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài, khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam thì được miễn thuế nhập khẩu 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất). Việc xác định thuế nhập khẩu phải nộp đối với phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa nhập vào nội địa Việt Nam thực hiện như sau:

a) Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại khu phi thuế Quan nhập khẩu vào nội địa đã có đăng ký với cơ quan Hải quan về danh mục hàng hóa nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu, linh kiện sản xuất hàng nhập khẩu vào nội địa và định mức nguyên liệu, linh kiện dùng để sản xuất hàng nhập khẩu trước khi nhập vào nội địa Việt Nam thì việc xác định thuế nhập khẩu phải nộp căn cứ vào số lượng, mức thuế suất của mặt hàng nhập khẩu vào nội địa Việt Nam và trị giá tính thuế tính trên phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa nhập khẩu vào nội địa Việt Nam;

b) Trường hợp không xác định được trị giá tính thuế theo quy định tại điểm a khoản này thì cơ quan hải quan ấn định thuế đối với phần nguyên liệu, linh kiện cấu thành trong mặt hàng nhập khẩu vào nội địa Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và trị giá hải quan

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, Thông tư số 109/2014/TT-BTC ngày 15/8/2014 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn đối với các dự án đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành được lựa chọn việc xác định thuế nhập khẩu phải nộp đối với phần nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa nhập khẩu vào nội địa Việt Nam theo một trong hai cách (dựa trên nguyên liệu hoặc hàng hóa thành phẩm) cho thời gian còn lại của dự án.

b) Về Danh mục hàng hóa không bán miễn thuế cho khách du lịch khi tham quan khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu

Trước đây, tại Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg không có quy định danh mục này. Tại Quyết định 72/2013/QĐ-TTg có quy định: Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu quy định danh mục mặt hàng không bán miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan bao gồm hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng hóa quản lý theo hạn ngạch thuế quan. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Danh mục mặt hàng không bán miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan kèm theo Thông tư số 109/2014/TT-BTC quy định gồm 13 nhóm mặt hàng, trong đó có mặt hàng rượu bia là các mặt hàng hấp dẫn tiêu dùng, thu hút khách tham quan và nghiên cứu đầu tư tại Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo, trong thời gian qua công tác quản lý đối với những mặt hàng này vẫn thực hiện tốt, không có bất cập xảy ra. Sau khi có quy định về điều kiện kinh doanh bán hàng miễn thuế và ban hành Quy chế mua, bán hàng miễn thuế (theo Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư số 109/2014/TT-BTC sẽ ủy quyền cho UBND các tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện) thì công tác quản lý sẽ chặt chẽ hơn.

Vì vậy, Đoàn đại Biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép: Đối với Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo, được phép bán miễn thuế cho các mặt hàng bia, rượu cho khách tham quan trong định mức 1.000.000 đồng/1 người/1 ngày theo quy định tại Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo quy định tại các Quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng KKTCK thì có chính sách bán hàng miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan với trị giá không quá 500.000 đồng/1 người/1 ngày, trường hợp trị giá hàng hóa vượt quá 500.000 đồng thì người có hàng hóa phải nộp đủ thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế TTĐB (nếu có) đối với phần vượt quá định mức theo quy định của pháp luật hiện hành. Tại Quyết định 93/2009/QĐ-TTg quy định áp dụng danh mục hàng hóa hạn chế nhập khẩu bán miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan (gồm thuốc lá điếu, bia và rượu các loại). Trên thực tế các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá là những mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, nhập khẩu, nên có mức thuế cao và thường bị lợi dụng chính sách ưu đãi này để thu gom, buôn lậu hàng vào nội địa. Do đó, Quyết định số 72/2013./QĐ-TTg quy định "danh mục mặt hàng không bán miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan bao gồm hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng hóa quản lý theo hạn ngạch thuế quan".

Về nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 109/2014/TT-BTC về vấn đề này, Bộ Tài chính xin báo cáo như sau:

- Hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt: Đã được quy định cụ thể tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (gồm 11 loại hàng hóa, như: thuốc lá, rượu, bia,. xe ô tô dưới 24 chỗ...).

- Hàng hóa quản lý theo hạn ngạch thuế quan: Được thực hiện theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), gồm 4 loại hàng hóa là: đường, trứng, muối, thuốc lá lá chưa chế biến.

Thông tư số 109/2014/TT-BTC tổng hợp lại những quy định này, không bổ sung thêm nội dung gì mới so với quy định của Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO,

2. Vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư số 109/2014/TT-BTC.

a) Tại Thông tư số 109/2014/TT-BTC đã có quy định khác nhau về chính sách ưu đãi về thuế đối với khu phi thuế quan (KPTQ) thuộc khu kinh tế cửa khẩu được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng và KPTQ không được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng.

Theo Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, về cơ bản thì KPTQ được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng và KPTQ không được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng được hưởng các cơ chế, chính sách tài chính giống và bình đẳng như nhau. Điểm khác nhau là khi quy định về thuế giá trị gia tăng (tại Điều 10) thì KPTQ không được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng có Danh mục hàng hóa không thực hiện thủ tục hải quan khi xuất khẩu từ các khu chức năng khác trong KKTCK và từ nội địa Việt Nam vào Khu vực này.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Thông tư số 109/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính đã có nhiều quy định khác nhau về cơ chế, chính sách ưu đãi về tất cả các loại thuế đối với KPTQ thuộc khu kinh tế cửa khẩu được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng và KPTQ không được ngăn cách, với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng. Với quy định như trên đã làm xuất hiện và tạo ra sự phân biệt đối xử đối với 02 loại hình KPTQ, làm giảm bớt ưu đãi đối với KPTQ không được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng có tính đặc thù cao như Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị và Khu KTCK Quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh, chưa phù hợp với các quy định tại Quyết định số 72/2013/QĐ- TTg.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

[...]