Công văn 16027/BTC-QLKT năm 2019 về thực hiện hợp đồng kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành theo quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 1000 - Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 16027/BTC-QLKT
Ngày ban hành 31/12/2019
Ngày có hiệu lực 31/12/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Tuyết Nhung
Lĩnh vực Đầu tư,Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16027/BTC-QLKT
V/v trả lời Công ty CP Đầu tư xây lắp Khởi Nguyên

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2019

 

Kính gửi: Công ty CP Đầu tư xây lắp Khởi Nguyên

Trả lời câu hỏi của Công ty CP Đầu tư xây lắp Khởi Nguyên liên quan đến nội dung thực hiện hợp đồng kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành theo quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 1000 - Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành (kèm theo công văn số 10204/VPCP-ĐMDN ngày 07/11/2019), Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo đoạn 27 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 1000 - Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành (ban hành kèm theo Thông tư số 67/2015/TT-BTC ngày 08/5/2015 của Bộ Tài chính) (sau đây gọi tắt là Chuẩn mực 1000), nội dung kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành được quy định như sau:

“27. Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên phải thực hiện kiểm tra báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo các quy định của pháp luật về quyết toán dự án hoàn thành, trên cơ sở vận dụng các quy định và hướng dẫn của các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam có liên quan phù hợp với từng cuộc kiểm toán, bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

(a) Kiểm tra hồ sơ pháp lý;

(b) Kiểm tra nguồn vốn đầu tư;

(c) Kiểm tra chi phí đầu tư;

(d) Kiểm tra chi phí đầu tư thiệt hại không tính vào giá trị tài sản hình thành qua đầu tư;

(e) Kiểm tra giá trị tài sản hình thành qua đầu tư;

(f) Kiểm tra các khoản công nợ và vật tư, thiết bị tồn đọng;

(g) Kiểm tra việc chấp hành của Chủ đầu tư đối với ý kiến kết luận của các cơ quan Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước (nếu có)”.

Đoạn 06 Chuẩn mực 1000 quy định về yêu cầu đối với một cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, trong đó có yêu cầu Kiểm toán viên phi lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán với thái độ hoài nghi nghề nghiệp để nhận biết các trường hợpthể dẫn đến việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư trong quá trình thực hiện dự án và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành có sai sót trọng yếu” đồng thời Nhằm đạt được sự đảm bảo hợp lý, kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm giảm rủi ro kiểm toán xuống một mức thấp có thể chấp nhận được, từ đó cho phép kiểm toán viên đưa ra kết luận phù hợp làm cơ sở cho việc hình thành ý kiến kiểm toán”;

Đối với kiểm tra chi phí đầu tư, đoạn 30 Chuẩn mực 1000 yêu cầu kiểm toán viên phải thực hiện kiểm tra và đưa ra ý kiến về: (a) Tổng số chi phí đầu tư thực hiện; (b) Chi tiết chi phí đầu tư thực hiện theo từng loại phù hợp với quy định và hướng dẫn về phân loại chi phí theo quy định của pháp luật về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trong từng thời gian phù hợp.

Trong đó Chi phí đầu tư thực hiện đề nghị quyết toán phải trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán, tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, phù hợp với hợp đồng đã ký kết và các quy định của pháp luật có liên quan. Đối với chi phí đầu tư thực hiện đề nghị quyết toán ngoài phạm vi dự án, thiết kế, dự toán, tổng mức đầu tư được duyệt thì phải ghi rõ, như nội dung, nguyên nhân, tổng giá trị phát sinh trong báo cáo kiểm toán”.

“Trường hợp có sự nghi ngờ về tính xác thực của thông tin thể hiện trên hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành, kiểm toán viên có thể thực hiện kiểm tra hiện trường, đo đạc, chụp ảnh hiện trạng... nhằm cung cấp bổ sung các bằng chứng về tính hiện hữu của dự án và/hoặc tính chính xác của thông tin thể hiện trên hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành.

Căn cứ các quy định trên của Chuẩn mực 1000, trường hợp kiểm toán viên có nghi ngờ về tính xác thực của dự toán thì phải kiểm tra dự toán để cung cấp bổ sung bằng chứng về tính chính xác của thông tin thể hiện trên hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành. Nếu phát hiện có sai sót thì trình bày trên báo cáo kiểm toán hoặc thư quản lý tùy thuộc vào mức độ trọng yếu của sai sót.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính để Công ty biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);

- Vụ Pháp chế;
- Lưu: VT, Cục QLKT (6b).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ,
GIÁM SÁT KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Lê Thị Tuyết Nhung