BỘ
TÀI CHÍNH
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 15948/BTC-TCDN
V/v: Sử dụng nguồn thu phí hạn ngạch dệt may
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2005
|
Kính gửi:
|
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Tổng công ty dệt may việt nam, hiệp hội dệt may Việt Nam
|
Bộ Tài chính đã nhận đựơc công văn của Hiệp hội
Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Dệt May Việt Nam đề nghị hướng dẫn bổ sung thực
hiện hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp từ nguồn thu phí
hạn ngạch dệt may theo Quyết định số 55/2001/QĐ-TTg ngày 23/04/2001 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2010
và Thông tư số 106/2001/TT-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực
hiện Quyết định số 55/2001/QĐ-TTg. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ
chi công tác xúc tiến thương mại bằng nguồn thu phí hạn ngạch dệt may như sau:
I. NỘI DUNG VÀ MỨC KINH PHÍ HỖ TRỢ:
1. Việc tổ chức gian hàng hội chợ triển
lãm ở nước ngoài:
1.1. Nội dung chi:
- Chi phí thuê gian hàng, chi phí vận chuyển sản
phẩm trưng bày.
- Chi phí cho đoàn cán bộ tham gia hội chở triển
lãm ở nước ngoài.
Các khoản chi được xác định trên cơ sở các chứng
từ hợp pháp theo quy định hiện hành.
1.2. Mức kinh phí hỗ trợ:
- Chi thuê gian hàng, chi phí vận chuyển sản phẩm
trưng bày được hỗ trợ tối đa không quá 70% số chi thực tế trong dự toán được
duyệt.
- Chi cho đoàn cán bộ tham gia hội chợ, triển
lãm ở nước ngoài: Cán bộ, thành viên đoàn là đối tượng được hỗ trợ kinh phí phải
do cơ quan có thẩm quyền quyết định theo chế độ hiện hành cụ thể:
+ Số lượng người tham gia của Văn phòng Tổng
công ty Dệt May Việt Nam và Văn phòng Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ do hai Văn
phòng thỏa thuận và mức hỗ trợ cho cả đoàn (Văn phòng Hiệp hội và Văn phòng Tổng
Công ty Dệt May) theo số người thực tế đi nhưng không vượt quá sáu người.
+ Trường hợp các chương trình riêng do Hiệp hội
Dệt May Việt Nam hoặc Tổng Công ty Dệt May Việt Nam chủ trì tổ chức: kinh phí hỗ
trợ theo số người của văn phòng Tổng công ty Dệt May Việt Nam thực tế đi, nhưng
tối đa không quá năm người; hỗ trợ theo số người của Văn phòng Hiệp hội Dệt May
Việt Nam thực tế đi, nhưng tối đa không quá ba người.
+ Đối với các doanh nghiệp tham gia cùng đoàn: hỗ
trợ mỗi doanh nghiệp một người.
Mức chi cho mỗi cán bộ được hỗ trợ theo mức quy
định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 45/1999/TT-BTC ngày 4/5/1999 và Thông tư
số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức
nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài. Các khoản chi phí khác chung cho
đoàn được hỗ trợ tối đa không quá 50% theo số chi thực tế nằm trong dự toán được
duyệt.
2. Việc đặt trung tâm xúc tiến thương mại
hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp và Hiệp hội Dệt May Việt Nam ở nước
ngoài:
2.1. Nội dung chi:
- Chi phí thuê trụ sở năm đầu tiên.
- Chi phí mua sắm trang thiết bị văn phòng.
- Chi phí phải nộp theo quy định của nước sở tại
để thành lập trung tâm xúc tiến thương mại hoặc văn phòng đại diện của doanh
nghiệp và Hiệp hội Dệt May Việt Nam.
Các khoản chi được xác định trên cơ sở các chứng
từ hợp pháp theo quy định hiện hành.
2.2. Mức kinh phí hỗ trợ:
- Đối với thị trường tại Đức, Hoa Kỳ, Nga, Nhật,
Hồng Kông, Iraq, các Tiểu vương quốc Ả Rập (Đubai) được cấp ngân sách 100%.
- Đối với thị trường khác: ngân sách hỗ trợ 50%
mức chi thực tế của doanh nghiệp và Hiệp hội.
3. Chi cho các hoạt động tham gia các tổ
chức dệt may quốc tế:
3.1. Nội dung chi:
- Chi phí đi dự hội nghị thường niên của các tổ
chức Dệt May quốc tế tổ chức tại nước ngoài khi Việt Nam là thành viên.
- Chi phí tổ chức hội nghị thường niên của các tổ
chức Dệt May quốc tế tổ chức tại Việt Nam khi Việt Nam là thành viên.
3.2. Mức kinh phí hỗ trợ:
- Mức hỗ trợ kinh phí đi dự hội nghị thường niên
tổ chức tại nước ngoài khi Việt Nam là thành viên bao gồm: hỗ trợ cho số người
đi thực tế nhưng tối đa không vượt quá hai người. Mức chi cho mỗi người được hỗ
trợ theo mức quy định tai Thông tư số 45/1999/TT-BTC ngày 4/5/1999 và Thông tư
số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí cho
cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài. Các khoản chi
khác chung cho đoàn được hỗ trợ tối đa không quá 50% theo số chi thực tế nằm
trong dự toán được duyệt.
- Mức hỗ trợ kinh phí tổ chức hội nghị thường
niên của các tổ chức Dệt May quốc tế tổ chức tại Việt Nam khi Việt Nam là thành
viên bao gồm:
+ Chi phí chung để tổ chức hội nghị sẽ được hỗ
trợ 50% theo chi phí thực tế phát sinh bao gồm những nội dung: tiền thuê phòng
họp, thuê thiết bị phục vụ hội nghị, dịch tài liệu, phiên dịch, văn phòng phẩm,
chiêu đãi các thành viên tham gia hội nghị.
+ Chi cho cán bộ Văn phòng Hiệp hội Dệt May Việt
Nam chủ trì tổ chức hội nghị trong nước: hỗ trợ theo số người thực tế tham gia
nhưng tối đa không quá năm người. Mức chi hỗ trợ cho mỗi người theo hóa đơn thực
chi nhưng tiền khách sạn tối đa không vượt quá 450.000đ/đêm cho lãnh đạo Hiệp hội
và 350.000đ/đêm cho cán bộ Văn phòng Hiệp hội. Tiền ăn hỗ trợ 50.000đ/ngày/người.
4. Các hoạt động xúc tiến thương mại
khác:
4.1. Chi thu thập thông tin về thị trường, khách
hàng và hàng hóa xuất khẩu:
- Chi phí mua thông tin hàng hóa, thị trường
chuyên đề (có đăng ký đặt mua)
- Chi phí mua thông tin của nước ngoài (có hợp đồng
đi kèm).
4.2. Chi thuê tư vấn kinh tế thương mại về xuất
khẩu hàng hóa (có hợp đồng đi kèm)
Mức kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 50% mức chi
thực tế của doanh nghiệp và hiệp hội theo nội dung chi quy định tại Điểm 4.1,
4.2 Mục này. Các khoản chi được xác định trên cơ sở các chứng từ hợp pháp theo
quy định hiện hành.
4.3. Chi hoạt động tìm kiếm thị trường xuất khẩu
khác:
Mức chi công tác phí cho cán bộ đi công tác nước
ngoài để tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh theo quy định tại Điểm
4.3 Mục này theo mức quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 45/1999/TT-BTC
ngày 4/5/1999 và Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005. Trường hợp Hiệp hội
Dệt May Việt Nam hoặc Tổng công ty Dệt May Việt Nam cần thuê người mẫu, các nghệ
sỹ tham gia phục vụ biểu diễn, trình diễn thời trang phục vụ cho việc quảng bá
thương hiệu sản phẩm dệt may ở nước ngoài thì mức hỗ trợ là 50% so với mức chi
cho cán bộ và số lượng người được hỗ trợ tối đa không quá sáu người. Các khoản
chi phí chung khác được hỗ trợ tối đa 50% mức chi thực tế. Các khoản chi được
xác định trên cơ sở các chứng từ hợp pháp theo quy định hiện hành.
II. HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ CHI XÚC TIẾN THƯƠNG
MẠI:
Theo quy định tại Điểm c Mục 7
Thông tư số 106/2001/TT-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ Tài chính.
III. THỰC HIỆN CẤP PHÁT VÀ QUYẾT TOÁN:
Hàng năm, Tổng công ty Dệt May Việt Nam, Hiệp hội
Dệt May Việt Nam có trách nhiệm xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại đăng ký với
Bộ Tài chính.
Hàng quý, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp kinh
phí xúc tiến thương mại của đơn vị, Bộ Tài chính sẽ xem xét và thực hiện cấp tạm
ứng 70% kinh phí theo dự toán được duyệt. Số còn lại Bộ Tài chính sẽ thực hiện
cấp bổ sung khi có quyết toán chính thức của đơn vị.
Đối với các đoàn do Hiệp hội Dệt May Việt Nam chủ
trì tổ chức: kinh phí sẽ được cấp phát và quyết toán thực hiện qua Hiệp hội Dệt
May Việt Nam (bao gồm toàn bộ kinh phí chi cho cả đoàn).
Đối với các đoàn do Tổng Công ty Dệt May Việt
Nam chủ trì tổ chức: kinh phí sẽ được cấp phát và quyết toán thực hiện qua Tổng
Công ty Dệt May Việt Nam (bao gồm toàn bộ kinh phí chi cho cả đoàn).
Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại do các
doanh nghiệp tự tổ chức sẽ cấp phát và quyết toán đối với từng doanh nghiệp 6
tháng một lần hoặc mỗi năm một lần.
Các đơn vị được Nhà nước hỗ trợ chi phí xúc tiến
thương mại phải đảm bảo sử dụng kinh phí được hỗ trợ tiết kiệm, có hiệu quả và
phải chịu trách nhiệm về nội dung chi theo đúng chế độ hiện hành.
IV. QUY ĐỊNH VỀ HẠCH TOÁN:
Toàn bộ các khoản hỗ trợ phát triển thị trường
và xúc tiến thương mại quy định tại phần I công văn này đều hạch toán giảm chi
phí kinh doanh (chi phí quản lý). Trừ trường hợp chi phí trang thiết bị văn
phòng tại Mục 2, phần I nếu đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định thì hạch toán tăng
vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với Tổng công ty Dệt May Việt Nam và Hiệp hội
Dệt May Việt Nam hạch toán vào nguồn thu kinh phí cho các hoạt động xúc tiến
thương mại của Tổng công ty hoặc Hiệp hội.
Đề nghị các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tổng công ty Dệt
May Việt Nam hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản
ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.
Công văn này thay thế công văn số 4714 TC/TCDN
ngày 17/5/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc sử dụng nguồn thu phí hạn
ngạch dệt may.
Các đoàn đi xúc tiến thương mại từ ngày 1/7/2005
đến hết ngày 31/12/2005 sẽ được thực hiện hỗ trợ kinh phí theo hướng dẫn tại
công văn này.
Từ 01/01/2006 trở đi các khoản chi xúc tiến thương
mại của các doanh nghiệp dệt may sẽ thực hiện theo chế độ chung của nhà nước./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ NSNN;
- Lưu: VT, TCDN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Thị Băng Tâm
|