Kính
gửi:
|
- Tổ chức tín dụng;
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
|
Theo đề nghị của tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố
tại các Hội nghị tập huấn triển khai Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày
30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến về một số nội dung liên quan
đến các quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng tại Bảng giải đáp
các câu hỏi liên quan đến Thông tư số 39/2016/TT-NHNN
(đính kèm văn bản này)./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban lãnh đạo NHNN;
- NHNN Chi nhánh tỉnh,
thành phố;
- Vụ Pháp chế;
- Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng;
- Lưu: VP, Vụ CSTT.
|
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Nguyễn Thị Hồng
|
BẢNG
GIẢI ĐÁP MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ NỘI DUNG CỦA THÔNG TƯ 39/2016/TT-NHNN NGÀY
30/12/2016 QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CHO VAY CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN
HÀNG NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG
(Ban hành kèm theo Công văn số 1576/NHNN-CSTT ngày 14 tháng 3 năm 2017)
1. Điều 1: Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
Câu hỏi 1: Ngân hàng Chính sách xã hội có thuộc
phạm vi điều chỉnh của Thông tư 39 không?
Trả lời: Ngân hàng Chính sách xã hội không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư
39; việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo các Quyết định
của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định của Chính phủ.
Câu hỏi 2: Chi nhánh tổ chức tín dụng Việt Nam được
thành lập và hoạt động ở nước ngoài có thực hiện hoạt động cho vay theo quy định tại Thông tư 39 không?
Trả lời: Chi nhánh tổ chức tín dụng Việt Nam được thành lập và hoạt động ở nước
ngoài không phải thực hiện hoạt động cho vay theo quy định tại Thông tư 39.
2. Điều 2: Giải
thích từ ngữ
Câu hỏi 3:
Khoản 3 Điều 2 Thông tư 39 quy định khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng là pháp nhân, cá
nhân. Vậy các đối tượng khác không có tư cách pháp nhân như tổ hợp tác, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu vay vốn thì thực hiện cho vay
như thế nào?
Trả lời: Khoản 3 Điều 2 Thông tư 39
quy định khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng là pháp nhân, cá nhân; quy định
này phù hợp với quy định về chủ thể tham gia giao dịch dân sự tại Bộ luật Dân sự
năm 2015. Đối với tổ chức không có tư cách pháp nhân, thì tổ chức tín dụng xem
xét cho vay đối với cá nhân (một hoặc một số cá nhân) phù hợp với các quy định
tại Thông tư 39 và Bộ luật Dân sự năm 2015.
Câu hỏi 4: Khoản 4 Điều 2 Thông tư 39 quy định cho vay phục vụ nhu cầu đời sống
bao gồm việc TCTD cho vay đối với khách hàng là cá nhân để thanh toán các chi
phí cho mục đích sinh hoạt gia đình của cá nhân đó.
Vậy xác định mối quan hệ gia đình như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia
đình, thì gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan
hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa
họ với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Theo đó, tổ chức tín dụng
cần căn cứ quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình để xác định mối quan hệ gia
đình, từ đó xem xét quyết định việc cho vay đối với cá
nhân để thanh toán các chi phí cho mục đích sinh hoạt gia
đình của cá nhân đó cho phù hợp.
Câu hỏi 5: Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống có bao gồm việc cho vay để chứng minh khả năng tài chính khi làm thủ
tục du học, chữa bệnh ở nước ngoài?
Trả lời: Nhu cầu vay vốn để chứng minh khả năng tài chính khi làm thủ tục du học,
chữa bệnh ở nước ngoài là nhu cầu vay vốn để gửi tiền tại tổ chức tín dụng nhằm
chứng minh khả năng tài chính, không phải là nhu cầu vay vốn cho việc du học,
chữa bệnh ở nước ngoài nên không phải là nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống theo
quy định tại Thông tư 39.
Câu hỏi 6: Đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống,
thì phương án sử dụng vốn có cần bao gồm thông tin
về phương án phục vụ nhu cầu đời sống không?
Trả lời: Theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 2 Thông tư 39,
thì phương án sử dụng vốn là tập hợp các thông tin về việc sử dụng vốn của khách hàng, trong đó phải có thông tin về
phương án, dự án thực hiện hoạt động kinh doanh (trừ nhu cầu vốn phục vụ đời sống).
Theo đó, trường hợp khách hàng vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống, thì phương án
sử dụng vốn của khách hàng không bao gồm thông tin về phương án, dự án phục vụ
nhu cầu đời sống.
Câu hỏi 7: Điểm a khoản 10 Điều 2 quy định điều chỉnh kỳ hạn
trả nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài
thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền
vay của kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận (bao gồm cả trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận), thời hạn cho vay không thay đổi. Theo đó, trường hợp khách hàng thay đổi ngày trả nợ (không thay
đổi số kỳ và phân kỳ trả nợ) nhưng ngày trả nợ mới rút ngắn hơn và không bỏ qua kỳ trả nợ nào, thì có phải
là điều chỉnh kỳ hạn trả nợ không?
Trả lời: Theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 2, thì trường
hợp khách hàng thay đổi ngày trả nợ, như từ ngày 10 hàng
tháng sang ngày 05 hàng tháng và không thay đổi số kỳ trả nợ, thì không phải là
điều chỉnh kỳ hạn trả nợ.
3. Điều 7: Điều
kiện vay vốn
Câu hỏi 8: Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư 39, thì
khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn muốn được vay vốn với lãi suất cho vay tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39
phải được đánh giá có tình hình tài chính minh bạch,
lành mạnh. Trường hợp khách hàng không đủ điều kiện để chứng minh có tình hình
tài chính minh bạch, lành mạnh nhưng vẫn đủ điều kiện để cho vay thì tổ chức
tín dụng có được cho vay theo mức lãi suất thỏa thuận quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 39 không?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 5 Điều 7, khoản 2 Điều 13 và
khoản 1 Điều 16 Thông tư 39, thì tổ chức tín dụng phải
xây dựng các tiêu chí xác định khách hàng có tình hình tài chính minh bạch,
lành mạnh được vay vốn theo lãi suất cho vay tối đa nhằm đáp ứng một số nhu cầu
vốn; có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng các tiêu chí xác định khách hàng
vay vốn này. Trường hợp khách hàng không đáp ứng các tiêu chí của tổ chức tín dụng
về việc xác định khách hàng vay vốn theo lãi suất cho vay tối đa, nhưng vẫn đáp
ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại Thông tư 39, thì được tổ chức tín dụng
xem xét quyết định cho vay theo lãi suất cho vay thỏa thuận quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 39.
4. Điều 8: Những
nhu cầu vốn không được cho vay
Câu hỏi 9: Tổ chức tín dụng có được cho vay để mua vàng trang sức?
Trả lời: Khoản 4 Điều 8 Thông tư 39 quy định tổ chức tín dụng
không được cho vay để mua vàng miếng; do đó đối với nhu cầu vay vốn để mua vàng
trang sức, tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng đáp
ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại Thông tư 39.
Câu hỏi 10: Thông tư 39 không quy định bãi bỏ công văn số
6960/NHNN-TTGSNH ngày 16/9/2016 về việc yêu cầu dừng
việc cho vay mới trả nợ trước hạn và cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần
hoàn. Theo đó, TCTD có được phép cho vay để trả nợ
trước hạn, cho vay tuần hoàn không?
Trả lời: Thông tư 39 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017, trong đó có quy định
về trường hợp cho vay trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng cho vay, tổ chức
tín dụng khác và phương thức cho vay tuần hoàn. Theo đó, từ ngày 15/3/2017, việc
cho vay để trả nợ khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng và cho vay theo
phương thức cho vay tuần hoàn, tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định tại
Thông tư 39.
Câu hỏi 11: Điều 8 Thông tư 39 quy định tổ chức tín dụng không
được cho vay đối với một số nhu cầu vốn, vậy tổ chức
tín dụng có được cho vay đối với các nhu cầu vốn để trả nợ cá nhân và tổ chức
khác không phải là tổ
chức tín dụng?
Trả lời: Tổ chức tín dụng căn cứ vào khoản
1, 2 và 3 Điều 8 Thông tư 39 để xác định nhu cầu vay vốn để trả nợ cá nhân,
tổ chức không phải là tổ chức tín dụng có thuộc nhu cầu vốn
không được cho vay. Trường hợp không thuộc nhu cầu vốn
không được cho vay, thì TCTD có thể xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng
đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn quy định tại Thông tư 39 và các quy định khác
của pháp luật có liên quan.
Câu hỏi 12: Khoản vay của khách hàng tại tổ chức tín dụng khác có nhiều kỳ hạn trả nợ, trong đó có một kỳ hạn đã
được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tổ chức tín dụng có được cho vay để trả nợ trước hạn đối với toàn bộ khoản vay đó
không?
Trả lời: Khoản vay có một kỳ hạn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì khoản vay đó đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Do đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Thông tư 39 tổ chức tín dụng không được cho vay
để trả nợ trước hạn khoản vay này.
Câu hỏi 13: Trường hợp khách hàng có khoản vay tại tổ chức tín dụng đến hạn nhưng sổ tiết kiệm chưa đến hạn rút, khách
hàng muốn cầm cố sổ tiết
kiệm để vay vốn trả nợ tổ chức tín dụng có được không?
Trả lời: Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, thì việc cầm cố sổ tiết kiệm để
vay vốn là một biện pháp bảo đảm tiền vay. Do đó, theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 8 Thông tư 39, tổ chức tín dụng không
được cho vay đối với khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm vay vốn
để trả nợ khoản vay đến hạn tại tổ chức tín dụng.
5. Điều 15: Lãi
suất cho vay
Câu hỏi 14: Theo quy định tại khoản 1
Điều 13 Thông tư 39, thì tổ chức tín dụng và
khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay. Vậy mức lãi suất cho vay thỏa thuận
này có phải thực hiện theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự
không?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015,
thì lãi suất thỏa thuận của khoản tiền vay không được vượt
quá 20%/năm trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác; theo quy định
tại khoản 2 và 3 Điều 91 Luật các TCTD 2010, thì TCTD và
khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất cho vay theo
quy định của pháp luật; trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường,
NHNN có quyền quy định lãi suất trong hoạt động kinh doanh của TCTD. Như vậy,
Luật các TCTD năm 2010 có quy định khác về lãi suất cho vay so với quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015. Do vậy, lãi suất cho vay thực hiện
theo quy định tại Luật các TCTD 2010. Căn cứ khoản 3 Điều 90,
khoản 2 Điều 91 Luật các TCTD 2010, Thông tư số 39 đã quy định cụ thể về
lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay do TCTD và khách hàng thỏa thuận
theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách
hàng; trừ trường hợp khách hàng vay vốn nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn và
khách hàng này đáp ứng các điều kiện vay vốn, được TCTD đánh giá là có tình
hình tài chính minh bạch, lành mạnh, thì lãi suất cho vay
do TCTD và khách hàng thỏa thuận, nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối
đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ.
Câu hỏi 15: TCTD có thể không ghi mức % lãi suất cụ thể
trong thỏa thuận cho vay mà chỉ đề cập lãi suất vay sẽ được áp dụng cho từng lần
rút vốn vay và sẽ được nêu rõ trong đơn rút vốn vay
kiêm khế ước nhận nợ” hay không?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 23 Thông tư 39, thì thỏa thuận
cho vay phải được lập thành văn bản dưới hình thức thỏa thuận cho vay cụ thể hoặc
thỏa thuận khung và thỏa thuận cho vay cụ thể và tối thiểu có 14 nội dung, trong đó có nội dung về lãi suất cho vay và mức lãi suất quy đổi theo tỷ
lệ %/năm tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian
duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó. Như vậy, tùy theo hình thức của thỏa thuận
cho vay, thỏa thuận về lãi suất cho vay phải được quy định cụ thể tại thỏa thuận
cho vay (có thể là khế ước nhận nợ).
Câu hỏi 16: Trường hợp khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, TCTD có thể áp dụng
lãi suất phạt chậm trả đối với dư nợ gốc, nợ lãi tiền
vay trong thời gian được gia hạn?
Trả lời: Theo quy định tại điểm
b khoản 4 Điều 13 Thông tư 39, trường hợp khi đến hạn thanh toán mà khách
hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo thỏa thuận thì khách hàng phải trả lãi chậm
trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận, nhưng không
vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Như vậy, khi khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, kể cả trường hợp khoản vay
được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì
tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận với khách hàng áp dụng
lãi suất chậm trả đối với số dư lãi chậm trả nhưng không
vượt quá 10%/năm. Theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 13
Thông tư 39, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất nợ quá
hạn đối với số dư nợ gốc bị quá hạn do khách hàng không trả
được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời
hạn trả nợ. Như vậy, trường hợp được gia hạn nợ, tổ chức tín dụng không áp dụng
lãi suất nợ quá hạn đối với dư nợ gốc được gia hạn nợ trong thời gian được gia
hạn nợ.
Câu hỏi 17: Đề nghị giải thích mức lãi suất cho vay thấp nhất tại Khoản 5 Điều 13:
Trả lời: Quy định về mức lãi suất thấp nhất tại khoản 5 Điều 13
Thông tư 39 là nhằm tăng tính minh bạch về lãi suất cho vay trong trường hợp
cho vay theo lãi suất điều chỉnh. Do đó, trường hợp TCTD thỏa thuận với khách hàng về mức lãi suất cho vay điều chỉnh trong từng thời
kỳ, như lãi suất cho vay bằng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng cộng
biên độ 4%/năm và tại thời điểm xác định lãi suất cho vay,
tổ chức tín dụng đang yết niêm 03 mức lãi suất tiền gửi khác nhau áp dụng đối với
kỳ 12 tháng, thì tổ chức tín dụng cần lựa chọn mức lãi suất
tiền gửi 12 tháng thấp nhất để xác định lãi suất cho vay của kỳ điều chỉnh.
Câu hỏi 18: Việc hạch toán và tính lãi của khoản vay
được thực hiện theo quy định tại Thông tư 39 hay thực hiện theo quy định của
NHNN về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi
của các TCTD (Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN)?
Trả lời: Thông tư 39 không quy định việc hạch toán, cách tính lãi của khoản vay,
do vậy việc hạch toán và tính lãi của khoản vay thực hiện
theo quy định hiện hành của NHNN về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi
của các TCTD (Hiện nay, là Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN).
Câu hỏi 19: Cách ghi lãi suất cho vay trong trường hợp
TCTD và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất khác không theo phương pháp tính lãi quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư 39?
Trả lời: Trường hợp TCTD thỏa thuận với khách hàng về mức lãi suất không theo tỷ
lệ %/năm (một năm là 365 ngày) và/hoặc phương pháp tính lãi không áp dụng
phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thì tại văn bản thỏa thuận
về cho vay, TCTD và khách hàng phải quy đổi và thỏa thuận thêm mức lãi suất cho
vay theo tỷ lệ %/năm (một năm là 365 ngày) theo phương pháp tính lãi theo số dư
nợ cho vay thực tế theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông
tư 39.
Ví dụ: TCTD và khách hàng thỏa thuận
về lãi suất cho vay, thời hạn cho vay là 30 ngày, mức lãi suất cho vay là 7,5%/năm (cơ sở tính một năm là 360 ngày). Theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư 39, thì TCTD phải
tính mức lãi suất cho vay quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một
năm là 365 ngày), phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế và thỏa
thuận với khách hàng tại hợp đồng cho vay. Theo đó, tại hợp
đồng cho vay ngoài mức lãi suất theo thỏa thuận
(7,5%/năm), TCTD phải quy đổi và thỏa thuận thêm mức lãi suất theo tỷ lệ %/năm (một năm là 365 ngày) là: (7,5%/năm : 360 ngày) x 365 ngày = 7,6042%/năm (một năm là 365 ngày).
6. Điều 14: Phí
liên quan đến hoạt động cho vay
Câu hỏi 20: Đối với khoản vay có thời hạn
rút vốn dài và được chia làm nhiều giai đoạn, mỗi một giai đoạn khách hàng
cam kết rút một số tiền cụ thể, nếu khách hàng
không rút vốn theo đúng cam kết ở những giai đoạn sau ngày giải ngân đầu tiên
thì ngân hàng có được thu phí cam kết cho những giai đoạn đó hay không?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 39, phí cam kết
rút vốn chỉ áp dụng một lần từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến
ngày giải ngân vốn vay lần đầu.
7. Điều 16: Cung
cấp thông tin
Câu hỏi 21: TCTD có thể cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay thông qua việc công
khai những thông tin này tại quầy giao dịch và/hoặc website chính thức của tổ chức tín dụng hay
không?
Trả lời: Hình thức cung cấp thông tin theo Điều 16 Thông tư 39
giữa tổ chức tín dụng và khách hàng được thực hiện phù hợp với thỏa thuận giữa
tổ chức tín dụng và khách hàng trên cơ sở quy định nội bộ
của tổ chức tín dụng.
8. Điều 18: Trả nợ
gốc và lãi tiền vay
Câu hỏi 22: Trong trường hợp khách hàng bị
quá hạn nợ lãi thì thứ
tự thu nợ thực hiện như thế nào? Khách hàng quá hạn nợ lãi, chưa quá hạn nợ gốc.
Đến ngày thanh toán nợ gốc, khách hàng có dòng tiền
chuyển về nhưng dòng tiền không đủ để thu cả nợ gốc đến hạn và lãi đã quá hạn, TCTD thực hiện thu nợ theo thứ tự nào?
Trả lời: Đối với trường hợp khoản vay chưa quá hạn nợ gốc, thì việc thu hồi nợ gốc,
nợ lãi thực hiện theo thỏa thuận giữa TCTD và khách hàng tại thỏa thuận cho
vay. Trường hợp khoản nợ vay bị quá hạn nợ gốc, thì tổ chức tín dụng áp dụng
thu nợ gốc trước, nợ lãi tiền vay sau.
9. Điều 19: Cơ cấu
lại thời hạn trả nợ
Câu hỏi 23: Việc rút ngắn kỳ hạn trả nợ có được xem là
cơ cấu lại thời hạn trả nợ? Trường hợp thay đổi số tiền trả nợ của từng kỳ hạn
trả nợ (số kỳ trả nợ, thời hạn cho vay không thay đổi), có được xem là cơ cấu lại thời hạn trả nợ? Trường hợp khách hàng đề
nghị kéo dài ngày trả nợ do nguồn trả nợ thay đổi
(nguồn từ lương thay đổi ngày nhận lương) có bị coi
là cơ cấu lại thời hạn trả nợ?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 10 Điều 2 và Điều 19 Thông tư
39, thì trường hợp rút ngắn kỳ hạn trả nợ không phải
là cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc thay đổi số tiền trả nợ của từng kỳ hạn trả
nợ theo hướng số tiền trả đầu kỳ ít hơn và chuyển số tiền trả nợ nhiều hơn vào
các kỳ tiếp theo hoặc kéo dài thời gian trả nợ của kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận
là các trường hợp cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Câu hỏi 24: Khoản vay có nhiều kỳ hạn trả nợ, kỳ thứ nhất bị quá hạn, thì kỳ 2 có
xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ không?
Trả lời: Tổ chức tín dụng không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản vay đã có một kỳ hoặc nhiều kỳ hạn bị quá hạn trả nợ.
10. Điều 20: Nợ
quá hạn
Câu hỏi 25: Trường hợp khoản vay chưa bị quá hạn trả nợ gốc nhưng có lãi tiền vay
không trả đúng hạn thì có bị chuyển nợ quá hạn hay không?
Trả lời: Điều 20 Thông tư 39 quy định
tổ chức tín dụng thực hiện chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng
không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ
chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Quy định về nợ quá hạn này
là nhằm xác định trạng thái khoản nợ (trong hạn hay quá hạn), thời điểm chuyển
khoản nợ từ trong hạn sang quá hạn, số dư nợ bị chuyển sang quá hạn và là căn cứ
để tính lãi quá hạn; việc kiểm soát chất lượng tín dụng của khách hàng vay đã
được quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-NHNN. Do đó, trường
hợp khách hàng có lãi tiền vay quá hạn thanh toán theo thỏa thuận, thì tổ chức
tín dụng không bắt buộc phải chuyển nợ gốc sang nợ quá hạn. Tuy nhiên, khi
khách hàng có lãi tiền vay quá hạn, thì tổ chức tín dụng có thể thực hiện quyền
đơn phương chấm dứt cho vay, thu nợ vay trước hạn theo thỏa
thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng trong thỏa thuận
cho vay phù hợp với quy định tại Điều 21 Thông tư 39.
Câu hỏi 26: Việc chuyển nợ quá hạn chỉ áp dụng đối với
số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn.
Quy định này có mâu thuẫn với quy định về phân loại
nợ và trích lập dự phòng theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN?
Trả lời: Việc chuyển nợ quá hạn theo quy định tại Thông tư 39 nhằm mục đích xác
định thời điểm chuyển nợ quá hạn, dư nợ quá hạn để tính lãi suất quá hạn; còn
việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-NHNN.
11. Điều 23: Thỏa
thuận cho vay
Câu hỏi 27: Ngân hàng ký hợp đồng vay với khách hàng
là hợp đồng cho vay có hạn mức và hạn mức đó thể hiện bằng USD, tuy nhiên trong
hợp đồng ghi rõ điều kiện giải ngân là tiền VND hoặc USD hoặc tương đương
loại ngoại tệ khác tùy theo mục đích vay vốn. Vậy trong hợp
đồng ghi đồng tiền giải ngân quy định đồng tiền nào thì đồng tiền trả nợ sẽ là
đồng tiền đó, thì có đúng theo yêu cầu của Thông tư
39 không?
Trả lời: Tại văn bản thỏa thuận về cho vay (thỏa thuận cụ thể hoặc thỏa thuận
khung và thỏa thuận cụ thể) cần quy định cụ thể đồng tiền
cho vay và đồng tiền trả nợ phù hợp với quy định tại Thông tư 39.
12. Điều 24: Kiểm
tra sử dụng tiền vay
Câu hỏi 28: Trong trường hợp vay cầm cố
sổ tiết kiệm thì khách hàng có cần cung cấp tài liệu chứng minh?
Trả lời: Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015,
thì việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn là một biện pháp bảo đảm tiền vay. Do
đó, theo quy định tại Thông tư 39, khách hàng vay đều phải
đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn và phải cung cấp cho TCTD các tài liệu chứng
minh đủ điều kiện vay vốn, kể cả cho vay cầm cố sổ tiết kiệm.
Câu hỏi 29: Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 thì có thể hiểu
là TCTD có quyền nhưng không có nghĩa vụ yêu cầu
khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn không?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 3 Điều 94 Luật các TCTD, thì tổ chức tín dụng có quyền và nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng
vốn vay và trả nợ của khách hàng. Do vậy, TCTD có nghĩa vụ kiểm tra, giám sát
việc sử dụng vốn vay của khách hàng.
13. Điều 25: Phạt
vi phạm và bồi thường thiệt hại
Câu hỏi 30: Trong thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về
việc khách hàng cam kết rút vốn tối thiểu theo một
tỷ lệ tương ứng với hạn mức vay nhưng tại thời điểm giải ngân, khách hàng rút vốn
thấp hơn tỷ lệ thỏa thuận thì ngân hàng có thể thực hiện phạt vi phạm đối với
khách hàng không?
Trả lời: Việc phạt vi phạm được thực hiện thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và
khách hàng tại thỏa thuận cho vay (không được thỏa thuận phạt vi phạm đối với
vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi).
14. Điều 27:
Phương thức cho vay
Câu hỏi 31: Trong phương thức cho vay theo hạn mức, mỗi lần giải ngân, tổ chức tín
dụng và khách hàng có phải thực hiện thủ tục cho vay và ký kết thỏa thuận cho vay không?
Trả lời: Trong phương thức cho vay theo hạn mức, TCTD thực
hiện ký kết hợp đồng hạn mức (hợp đồng khung) và mỗi lần thực hiện cho vay,
TCTD ký kết một thỏa thuận cho vay cụ thể (có thể là giấy nhận nợ). Như vậy, thỏa
thuận cho vay đối với trường hợp cho vay theo phương thức hạn mức sẽ bao gồm một
hợp đồng hạn mức và các thỏa thuận cho vay cụ thể.
Câu hỏi 32: Thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng không vượt quá 01 năm
được hiểu như thế nào?
Trả lời: Thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng không quá 01 năm được
hiểu là thời hạn có hiệu lực của một hạn mức cho vay dự phòng không quá 01 năm
từ ngày có hiệu lực.
Câu hỏi 33: Trong phương thức cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản tại khoản 6 Điều 27 Thông tư 39 thì khách hàng chỉ được sử dụng hạn mức thấu chi để thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài
khoản thanh toán đúng không? Dịch vụ thanh toán trong trường hợp này được hiểu
như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Thông tư 39, phương thức cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán là việc
khách hàng chỉ được sử dụng số tiền được thấu chi trên tài khoản thanh toán để
thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài khoản thanh toán theo quy định tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012, Thông tư số
46/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014.
Câu hỏi 34: Hạn mức thấu chi tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian 01 năm
được hiểu là khách hàng được sử dụng hạn mức thấu chi trong 01 năm? Mỗi năm có được gia hạn thời
hạn này không. Khoản vay theo hạn mức thấu chi có chịu
sự điều chỉnh về thủ tục cho vay, giám sát mục đích sử dụng vốn vay?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Thông tư 39, thì
sau khi kết thúc 01 năm duy trì hạn mức thấu chi, tổ chức tín dụng và khách
hàng phải ký kết lại hợp đồng hạn mức thấu chi; việc cho vay theo phương thức
cho vay thấu chi, tổ chức tín dụng và khách hàng cần tuân
thủ đúng quy định tại Thông tư 39, trong đó có cả nội dung
về thủ tục vay vốn và giám sát mục đích sử dụng vốn vay.
Câu hỏi 35: Quy định về cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán có
cho phép khách hàng sử dụng hạn mức thấu chi dưới
hình thức rút tiền mặt thông qua thẻ ghi nợ tại
Thông tư 19?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư số
19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016, thì việc cho vay theo hạn mức thấu chi đối với thẻ ghi nợ thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật
và của Ngân hàng Nhà nước về cho vay. Theo đó, việc cho vay theo hạn mức thấu
chi đối với thẻ ghi nợ thực hiện theo quy định tại Thông tư 39. Vì vậy, khách hàng không được sử dụng hạn mức thấu chi dưới hình thức rút
tiền mặt thông qua thẻ ghi nợ.
Câu hỏi 36: Đề nghị giải thích sự khác biệt giữa
phương thức cho vay quay vòng và cho vay tuần hoàn và hướng dẫn việc kiểm tra
khách hàng có nợ xấu tại ngân hàng khác?
Trả lời: Phương thức cho vay quay vòng theo quy định tại khoản 6
Điều 27 Thông tư 39 là phương thức cho vay đối với
khách hàng có chu kỳ kinh doanh rất ngắn dưới 01 (một) tháng. Để tạo điều kiện cho khách
hàng không phải đến TCTD để làm thủ tục vay vốn cho khoản tiếp theo, thì TCTD
xem xét cho khách hàng vay vốn từ ban đầu với thời hạn cho vay dài hơn 01 (một) chu kỳ hoạt động kinh doanh và tối đa không quá 03 tháng; để
thực hiện phương thức này, TCTD cần xây dựng quy trình nội bộ để kiểm soát chặt
chẽ chất lượng tín dụng.
Phương thức cho vay tuần hoàn thường
áp dụng đối với chu kỳ kinh doanh của khách hàng dài hơn (thường là trên 06
(sáu) tháng). Theo phương thức này, khách hàng có thể vay vốn với thời hạn ngắn
hạn (ví dụ 01 (một) tháng) do có thể có dòng tiền để trả nợ
cho TCTD; theo đó, TCTD và khách hàng thỏa thuận ngay từ ban đầu tại thỏa thuận
cho vay về việc khách hàng sẽ vay vốn 01 tháng và cho phép khách hàng có quyền lựa chọn hoặc trả nợ khi đến hạn hoặc tự động kéo dài thời hạn vay, tối
đa không quá một chu kỳ sản xuất kinh doanh của khách hàng. Tổng thời hạn vay vốn
của phương thức cho vay này được hiểu là bắt đầu từ khoản vay đầu tiên đến khi
khách hàng trả toàn bộ gốc và lãi khoản vay và tối đa không quá 1 năm.
Câu hỏi 37: Trong phương thức cho vay tuần hoàn, việc kéo dài thời hạn trả nợ có
phải là điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hay không? Nếu coi là điều chỉnh kỳ hạn trả nợ
thì khách hàng có bị hạ bậc tín dụng không?
Trả lời: Việc kéo dài thời hạn cho vay theo phương thức cho vay tuần hoàn không
được xem là điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, do việc kéo dài thời hạn cho vay được thỏa
thuận ngay từ ban đầu khi ký kết hợp đồng cho vay. Đồng thời, trong suốt thời
gian vay vốn khách hàng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Thông tư
39 và TCTD có quy trình kiểm soát về vấn đề này.
Câu hỏi 38: Trong phương thức cho vay tuần hoàn, tổng thời hạn vay vẫn không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh của khách hàng được hiểu
như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 8 Điều 27 Thông tư 39, thì
tổng thời hạn vay vốn trong phương thức cho vay tuần hoàn không quá 12 tháng kể
từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh của
khách hàng. Do vậy, tổng thời hạn cho vay (bao gồm cả thời
hạn cho vay theo thỏa thuận ban đầu và thời hạn tự động kéo dài thời hạn không
được vượt quá một chu kỳ kinh doanh của khách hàng.
15. Điều 28: Thời
hạn cho vay
Câu hỏi 39: Đối với những ngân hàng có thời hạn hoạt động
còn lại ngắn, thì ngân hàng có được cho vay lớn hơn thời hạn hoạt động không?
Trả lời: Trường hợp giấy phép hoạt động của TCTD có thời hạn hoạt động còn lại
ngắn, thì TCTD không được cho vay vượt quá thời hạn còn lại
của giấy phép.
16. Điều 29 và
Điều 32: Lưu giữ hồ sơ cho vay
Câu hỏi 40: Hồ sơ đề nghị vay vốn có bao gồm giấy đề nghị vay vốn không?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 39, thì hồ sơ đề
nghị vay vốn là các tài liệu chứng minh khách hàng đủ điều
kiện vay vốn và các tài liệu khác do TCTD quy định. Thông
tư 39 bỏ quy định về việc khách hàng phải có giấy đề nghị
vay vốn.
Câu hỏi 41: Điểm c khoản 1 Điều 32 quy định trường hợp cho vay
phục vụ nhu cầu đời sống, thì TCTD lưu giữ hồ sơ
cho vay bao gồm báo cáo tình hình thu nhập được thực hiện trong thời gian vay vốn,
vậy TCTD có cần làm báo cáo thu nhập trong thời
gian thẩm định để quyết định cho vay hay không? Việc thu thập báo cáo này theo
quy định của TCTD hay phải theo định kỳ?
Trả lời: Các báo cáo thu thập trong thời gian thẩm định chính là hồ sơ đề nghị
vay vốn, vì là các tài liệu chứng minh khách hàng đủ điều kiện vay vốn, nên
TCTD cần lưu giữ. Còn việc định kỳ thu thập báo cáo do
TCTD xem xét quyết định nhằm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay và khả
năng trả nợ của khách hàng.
17. Điều 34: Quy
định chuyển tiếp
Câu hỏi 42: Khách hàng vay vốn theo quy định tại Thông tư 39 chỉ bao gồm hai đối tượng là cá nhân và pháp
nhân. Trường hợp khách hàng là doanh nghiệp tư nhân ký hợp đồng tín dụng theo hạn
mức tín dụng với TCTD trước ngày 15/3/2017, nếu giải ngân sau ngày 15/3/2017 thì giấy nhận nợ ký với tư cách
cá nhân hay doanh nghiệp tư nhân?
Trả lời: Quy định chuyển tiếp tại Điều 34
Thông tư 39 đã quy định về các hợp đồng tín dụng được
ký kết trước ngày Thông tư có hiệu lực; theo đó, tổ chức tín dụng và khách hàng
tiếp tục thực hiện các nội dung trong hợp đồng tín dụng đã ký kết phù hợp với
quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký kết hợp đồng đó hoặc
thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định của Thông tư
39. Trường hợp hợp đồng tín dụng hạn mức đã ký kết có đầy
đủ các nội dung tối thiểu phải có theo quy định tại Điều 17 Quy
chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định
1627/2001/QĐ-NHNN, thì khi khách hàng ký giấy nhận nợ không phải sửa đổi bổ
sung hợp đồng tín dụng hạn mức đã ký kết và có thể ký giấy nhận nợ với tư cách là doanh nghiệp tư nhân. Trường hợp hợp đồng tín dụng hạn mức đã
ký kết chưa đầy đủ các nội dung tối thiểu phải có theo quy định tại Điều 17 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng
ban hành kèm theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN, thì việc ký giấy nhận nợ (thỏa thuận cụ thể) phải có đầy đủ các thông tin để đảm bảo
hợp đồng tín dụng hạn mức và giấy nhận nợ (thỏa thuận cụ thể) có đầy đủ các nội
dung theo quy định tại khoản 1 Điều 23
Thông tư 39 và tư cách vay vốn phải là cá nhân.
Câu hỏi 43: Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 thì trường hợp hợp
đồng tín dụng có thỏa thuận thời hạn duy trì hạn mức tín dụng là 01 năm nhưng có
thêm điều khoản tự động gia hạn trong hợp đồng thì Ngân hàng có phải dừng việc
duy trì hạn mức tín dụng đó vào thời điểm tự động gia hạn không?
Trả lời: Trường hợp hợp đồng tín dụng có thỏa thuận về thời
hạn duy trì hạn mức tín dụng là 01 năm và có thêm điều khoản tự động gia hạn
trong hợp đồng, thì việc gia hạn (sửa đổi, bổ sung) phải thực hiện theo quy định
tại Thông tư 39.
Câu hỏi 44: Các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày
Thông tư 39 có hiệu lực và đã giải ngân, nhưng chưa đến thời hạn trả nợ có được
áp dụng hình thức cho vay tuần hoàn hoặc quay vòng cho những khoản giải ngân đó không?
Trả lời: Đối với các hợp đồng tín dụng đã ký kết trước ngày
Thông tư 39 có hiệu lực, thì TCTD và khách hàng tiếp tục thực hiện các nội dung
trong hợp đồng đã ký kết; trường hợp bổ sung phương thức cho vay tuần hoàn,
quay vòng, thì TCTD phải sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định
tại Thông tư 39./.