Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn 1568/TCT/HTQT của Tổng cục Thuế về việc thực hiện thí điểm cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế

Số hiệu 1568/TCT/HTQT
Ngày ban hành 25/05/2004
Ngày có hiệu lực 25/05/2004
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Phạm Duy Khương
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1568/TCT/HTQT
V/v: Thực hiện thí điểm cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2004

 

Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo của Bộ thực hiện Quyết định 197/2003/QĐ/TTg ngày 23/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm cơ chế cơ sở kinh doanh tự kê khai, tự nộp thuế (cơ chế tự khai-tự nộp thuế) tại công văn số 116/TB-BTC ngày 18/5/2004, để chuẩn bị cho việc thực hiện thí điểm cơ chế này với một số Cục thuế trong năm 2005, Tổng cục Thuế đánh giá sơ kết 4 tháng thực hiện thí điểm ở Cục thuế TP. Hồ Chí Minh, Cục thuế tỉnh Quảng Ninh và nêu các biện pháp chuẩn bị thực hiện thí điểm ở các Cục thuế khác như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA VIỆC THỰC HIỆN CƠ CHẾ TỰ KHAI, TỰ NỘP THUẾ

1. Mục tiêu

Mục tiêu của việc thực hiện cơ chế tự kê khai - tự nộp thuế là nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả và hiện đại hóa công tác quản lý thuế để cơ quan thuế có đủ năng lực thực hiện tốt các luật thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế vào ngân sách nhà nước, dựa trên cơ sở cơ quan thuế thực hiện được tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn cho đối tượng nộp thuế hiểu rõ và tự giác thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, đồng thời giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ nghĩa vụ thuế của đối tượng nộp thuế để phát hiện, xử lý kịp thời, đúng đắn những hành vi gian lận, trốn thuế của đối tượng nộp thuế.

2. Yêu cầu

Để thực hiện được tốt cơ chế tự khai - tự nộp thuế đòi hỏi phải có đầy đủ và đồng bộ nhiều yếu tố như: trình độ và sự nhận thức của người dân về nghĩa vụ thuế, chính sách thuế, tổ chức quản lý thuế, nghiệp vụ quản lý thuế, trình độ của cán bộ và các thẩm quyền cần thiết của cơ quan thuế trong quản lý thuế:

- Người dân phải có được hiểu biết cơ bản về nghĩa vụ thuế, đối tượng nộp thuế có ý thức tuân thủ nghĩa vụ thuế, cộng đồng xã hội lên án những hành vi gian lận trốn thuế.

- Chính sách thuế phải rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện như: thuế GTGT chỉ có 1 mức thuế suất, ít miễn giảm trong thuế TNDN..., các qui định về kê khai, nộp thuế thuận lợi, phù hợp với điều kiện kinh doanh của đối tượng nộp thuế.

- Cơ quan thuế có đủ thẩm quyền về điều tra, khởi tố, cưỡng chế thuế để xử phạt nghiêm, kịp thời những trường hợp gian lận, trốn thuế, chây ỳ, nợ thuế, thu hồi đủ tiền thuế cho NSNN và đảm bảo sự công bằng trong quản lý thuế.

- Bộ máy quản lý thuế ở cơ quan thuế các cấp phải tổ chức tập trung theo các chức năng: tuyên truyền, hướng dẫn đối tượng nộp thuế; theo dõi, xử lý việc kê khai thuế; đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thuế; kiểm tra, thanh tra thuế để nhằm chuyên môn hoá, nâng cao năng lực quản lý thuế ở từng chức năng.

- Quản lý thuế phải dựa trên kỹ thuật quản lý hiện đại - kỹ thuật quản lý rủi ro, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả quản lý thông qua việc tập trung phân bổ nguồn lực quản lý đối với các đối tượng nộp thuế không tuân thủ nghĩa vụ thuế gây rủi ro cao, có ảnh hưởng lớn đến nguồn thu NSNN.

Để thực hiện được quản lý thuế theo kỹ thuật quản lý rủi ro, cơ quan thuế cần phải có:

+ Thông tin đầy đủ và liên tục về đối tượng nộp thuế trong một khoảng thời gian nhất định (ít nhất là 3 năm), gồm: thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh(vị trí, qui mô, cơ cấu tổ chức của công ty hoặc tập đoàn trên phạm vi cả nước hoặc trên toàn cầu, tình hình tài chính), về tình hình tuân thủ nghĩa vụ thuế... Trên cơ sở các thông tin đó cơ quan thuế phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế để xác định biện pháp quản lý phù hợp với từng đối tượng: đối tượng nào cần tập trung tuyên truyền, hỗ trợ, hỗ trợ với hình thức nào là phù hợp; đối tượng nào cần tập trung thanh tra, kiểm tra, thanh tra nội dung gì, cách thức nào; đối tượng nào cần tăng cường thu nợ, kế hoạch, biện pháp nào...

+ Các thông tin này phải đầy đủ, kịp thời và tin cậy, từ các nguồn: tờ khai thuế, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, thông tin từ các bên có liên quan (cơ quan quản lý đầu tư, ngân hàng, hải quan, hiệp hội ngành nghề kinh doanh...) trong và ngoài nước

+ Các thông tin này phải được chuẩn hoá, thống nhất trong toàn ngành, được quản lý tập trung ở trung ương và cơ quan thuế ở các cấp của địa phương đều có thể cùng khai thác, sử dụng để vừa đáp ứng được yêu cầu lập kế hoạch, giám sát, chỉ đạo của cấp trung ương đối với hoạt động quản lý thuế của toàn ngành, cũng như hoạt động quản lý trực tiếp đối tượng nộp thuế của cơ quan thuế địa phương.

+ Do đó, cần phải ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tập hợp, khai thác, sử dụng thông tin về đối tượng nộp thuế và ở tất cả các hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế.

+ Cán bộ thuế được đào tạo, có đủ kiến thức, năng lực để thực hiện kỹ năng quản lý thuế chuyên sâu (tính chuyên nghiệp cao) theo từng chức năng quản lý.

Tuy nhiên, các điều kiện này hiện nay còn chưa đủ, chưa đồng bộ. Do đó, chưa thể triển khai thực hiện ngay được cơ chế này trên toàn quốc, mà phải thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm, đồng thời chuẩn bị dần, đủ các điều kiện để từng bước mở rộng và tiến đến triển khai trong toàn quốc. Đó cũng là quá trình cơ quan thuế từng bước thực hiện đổi mới, hiện đại hoá công tác quản lý thuế với đội ngũ cán bộ thuế chuyên nghiệp, tổ chức quản lý thuế hợp lý, sử dụng kỹ thuật quản lý thuế hiện đại, trên cơ sở ứng dụng tin học vào quản lý.

II. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ TỰ KHAI, TỰ NỘP THUẾ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 197/2003/QĐ-TTG NGÀY 23/9/2003 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Theo Quyết định số 197/2003/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, sẽ thực hiện thí điểm cơ chế tự khai, tự nộp thuế đối với 2 loại thuế: thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với lộ trình như sau:

- Từ ngày 1/1/2004, thí điểm áp dụng cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế đối với một số cơ sở kinh doanh đăng ký kê khai, nộp thuế tại Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh và Cục thuế tỉnh Quảng Ninh.

- Từ năm 2005, Tổng cục thuế tiến hành sơ kết tình hình thực hiện thí điểm cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế và báo cáo Bộ Tài chính để mở rộng thí điểm áp dụng cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế đối với các cơ sở kinh doanh khác thuộc Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh và Cục thuế tỉnh Quảng Ninh và các cơ sở kinh doanh thuộc một số Cục thuế khác.

Trong quá trình thí điểm, Bộ Tài chính có thể xem xét, trình Chính phủ việc mở rộng thí điểm đối với các loại thuế khác.

- Năm 2007, Bộ Tài chính tổ chức, tổng kết, đánh giá việc thí điểm thực hiện cơ chế tự kê khai, nộp thuế để báo cáo Chính phủ và Quốc hội chuẩn bị áp dụng quản lý thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp thuế trên phạm vi toàn quốc.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM THEO QUYẾT ĐỊNH 197 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Bám sát theo các yêu cầu của cơ chế tự khai-tự nộp thuế, Tổng cục Thuế đã triển khai các công việc sau

1. Về văn bản pháp lý

[...]