Công văn 154B/TANDTC-PC năm 2023 trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu | 154B/TANDTC-PC |
Ngày ban hành | 11/08/2023 |
Ngày có hiệu lực | 11/08/2023 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân tối cao |
Người ký | Nguyễn Hòa Bình |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 154B/TANDTC-PC |
Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2023 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương
Tòa án nhân dân tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023. Tòa án nhân dân tối cao trân trọng cảm ơn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã phản ánh kiến nghị của cử tri đối với hoạt động của Tòa án nhân dân.
1. Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương nêu “Có ý kiến cho rằng trong thực tiễn xét xử có nhiều ý kiến chưa thống nhất việc trong việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL vì bên cạnh việc chứng minh bị cáo dùng hung khí nguy hiểm, tấn công vào vùng nguy hiểm trọng yếu trên cơ thể nạn nhân còn phải chứng minh thêm các tình tiết tính chất, mức độ, cường độ tấn công, sự quyết liệt trong hành động phạm tội của bị cáo để làm rõ ý thức chủ quan của bị cáo có mong muốn tước đoạt tính mạng của bị hại hay không hoặc có thái độ bỏ mặc, bất chấp hậu quả, xem thường tính mạng người bị hại để từ đó xem xét định tội danh “Giết người”. Nếu bị cáo không quyết liệt trong hành động phạm tội, chỉ dùng hung khí nguy hiểm đâm 01 nhát vào vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại, bị hại không chết, đồng thời với thương tích của bị hại do bị cáo gây nên nếu không cấp cứu kịp thời cũng không nguy hiểm đến tính mạng thì chỉ định tội danh Cố ý gây thương tích”.
Về nội dung kiến nghị nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao xin trả lời như sau:
Tại Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023, Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn thống nhất trong việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL “Về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại”, theo đó: Để áp dụng án lệ này, trước tiên cần xác định vùng trọng yếu trên cơ thể của con người là những vùng có các cơ quan quan trọng quyết định đến sự sống của con người (ví dụ: tim, gan, thận, não, động mạch chủ...), nếu bị xâm hại mà người bị xâm hại không được cấp cứu kịp thời sẽ chết. Do đó, ngoài việc chứng minh bị cáo đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại thì cần phải xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ của vụ án, các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí cơ thể bị hại mà bị cáo có ý định tấn công để chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bị hại; hành vi của bị cáo thể hiện sự côn đồ, hung hãn, quyết liệt, coi thường tính mạng người khác; bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị cáo.
Do vậy, không phải trường hợp nào bị cáo có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại cũng áp dụng Án lệ số 47/2021/AL, mà chỉ xem xét áp dụng án lệ này trong trường hợp hành vi của bị cáo có đầy đủ các yếu tố nêu trên để xác định bị cáo phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
2. Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương nêu “Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao làm rõ khái niệm “các quyết định khác của bản án” quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật Hình sự”.
Về nội dung kiến nghị nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao xin trả lời như sau:
Các “quyết định khác của bản án” quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật Hình sự được hiểu là các quyết định về biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, án phí, xử lý vật chứng, tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa,... được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong thời gian tới, thông qua công tác tổng kết thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân tối cao sẽ nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật Hình sự nếu xét thấy cần thiết.
3. Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương nêu “Hướng dẫn tại Mục 7 Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính có được áp dụng trong trường hợp hết thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự hay không?”.
Về nội dung kiến nghị nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao xin trả lời như sau:
Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Như vậy, Luật Thi hành án dân sự đã dành nhiều thời gian để người phải thi hành án dân sự chủ động yêu cầu thi hành án.
Mặt khác, Điều 70 của Bộ luật Hình sự quy định các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Do vậy, người bị kết án nếu hết thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự mà chưa thực hiện xong nghĩa vụ thì cũng được coi là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.
4. Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương nêu “Ngày 08/10/2021, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 355/QĐ-TANDTC về việc công bố danh mục các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của Tòa án nhân dân tối cao trong khi chưa có quy định mới để thay thế các nội dung đã hết hiệu lực gây khó khăn cho cơ quan thi hành. Cử tri đề nghị cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới thay thế các văn bản đã hết hiệu lực để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn”.
Về nội dung kiến nghị nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao xin trả lời như sau:
Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội, trong thời gian qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, thay thế cho các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã hết hiệu lực1. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều án lệ, giải đáp vướng mắc, công văn trao đổi về nghiệp vụ.
Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục rà soát, tổng kết thực tiễn xét xử để ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng, thống nhất các quy định còn có vướng mắc và cách hiểu khác nhau của Bộ luật Hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác xét xử và bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 41/2017/QH14.
5. Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương nêu “Việc định tội danh đối với hành vi của người cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh của mình hoặc cung cấp thông tin cần thiết có liên quan để thuê đối tượng khác làm giả con dấu, giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ giả này nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hiện có nhiều quan điểm xử lý khác nhau. Cử tri đề nghị Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn cụ thể trường hợp này để thống nhất áp dụng”.
Về nội dung kiến nghị nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao xin trả lời như sau:
Trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành một số công văn, giải đáp hướng dẫn liên quan đến tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 của Bộ luật Hình sự)2. Trong thời gian tới, thông qua công tác tổng kết thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử đối với Điều 341 của Bộ luật Hình sự nếu xét thấy cần thiết.
6. Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương nêu “Về nội dung kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn cụ thể về một số vấn đề liên quan đến “Tội đánh bạc”, “Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” quy định tại Điều 321 và Điều 322 của Bộ luật Hình sự như: Xác định tội danh đối với hành vi của đối tượng cho mượn chỗ ở, nơi làm việc do mình trực tiếp quản lý để một số đối tượng tham gia đánh bạc cùng với các con bạc khác, xác định số tiền đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá hay trường hợp mua bán số đề dựa trên kết quả xổ số của nhiều công ty xổ số của tỉnh, thành phố trong 01 ngày thì xác định số tiền đánh bạc có được cộng dồn hay không?
Về nội dung kiến nghị nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao xin trả lời như sau:
Về vấn đề này, Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 67/TANDTC-PC ngày 20/4/2023 gửi các Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an về việc tổng kết thực tiễn thi hành quy định của Bộ luật Hình sự về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc. Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân tối cao đang xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đối với các tội này và dự kiến ban hành trong thời gian tới.
Trên đây là trả lời của Tòa án nhân dân tối cao đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương. Tòa án nhân dân tối cao trân trọng cảm ơn và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đối với công tác của Tòa án nhân dân trong thời gian tới./.
|
CHÁNH ÁN |