Kính
gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt
Nam.
(Địa chỉ: Phòng 907, tầng 9, Tòa nhà Daeha, số 360 đường Kim Mã, Quận Ba
Đình, TP. Hà Nội)
Tổng cục Hải quan nhận được các câu hỏi
sau Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan với
doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại
Việt Nam (KCCI).
Tổng cục Hải quan kính gửi KCCI nội
dung trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp Hàn Quốc (tài liệu đính kèm) để thông
báo cho các doanh nghiệp biết, thực hiện.
Trân trọng./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Thứ trưởng Vũ Thị Mai (để b/c);
- Đ/c Tổng cục trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, PC (02b).
|
KT.
TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Mai Xuân Thành
|
TỔNG HỢP VƯỚNG MẮC CỦA DOANH NGHIỆP SAU HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI VỚI DOANH
NGHIỆP HÀN QUỐC 2019
(Ban
hành kèm theo Công văn số 1536/TCHQ-PC ngày 12 tháng 3 năm 2020 của Tổng cục Hải
quan)
Câu 1. Công ty
REMOTE SOLUTION VIETNAM
Trường hợp 1:
- Nhận nguyên liệu để phục vụ sản xuất
hàng xuất khẩu (Nhập khẩu dưới mã E31).
- Phát sinh hàng lỗi hỏng sau khi gia
công nguyên liệu.
- Đề nghị hướng dẫn phương pháp và thủ
tục xử lý phế liệu này.
Xin hỏi có áp dụng CO trong trường hợp
nộp bổ sung thuế nhập khẩu không?
Trường hợp 2:
- Nhận nguyên liệu để phục vụ sản xuất
hàng xuất khẩu (Nhập khẩu dưới mã E31).
- Nguyên liệu nhập khẩu bị lỗi hỏng.
Đề nghị hướng dẫn phương pháp và thủ
tục xử lý nguyên liệu lỗi hỏng tại VN. (Trừ trường hợp chuyển trả Ship back).
Trường hợp 3:
- Nhận nguyên liệu để phục vụ sản xuất
hàng xuất khẩu (Nhập khẩu dưới mã E31).
- Sản phẩm này không còn sản xuất tại
công ty ở VN, nơi sản xuất đã chuyển sang công ty ở nước khác.
- Chuyển giao nguyên liệu sang công
ty nước khác dưới hình thức bán hàng (Chuyển giao bằng đúng giá mua vào, không
phát sinh lợi nhuận). Vậy trường hợp này có phải nộp thuế không?
Trường hợp 4:
- Sản phẩm A được sản xuất để bán
trong nước và xuất khẩu.
- Thông quan nguyên liệu nhập khẩu để
sản xuất sản phẩm A dưới dạng dùng để kinh doanh (mã A12).
Ngoài số lượng hàng bán trong nước,
lượng hàng xuất khẩu có được hoàn thuế nhập khẩu và VAT không?
Trả lời:
1. Trường hợp 1:
Căn cứ khoản 5 Điều 25
Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản
12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP quy định về việc kê khai nộp thuế đối
với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng.
Căn cứ Điều 21 Thông
tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều
1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC thì việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi
mục đích sử dụng hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện
sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải
quan mới; hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người
nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.
Căn cứ Điều 55 Thông
tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 35 Điều
1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC quy định về định mức hàng gia công, sản xuất
xuất khẩu.
Căn cứ Điều 71 Thông
tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều
1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC thì phế liệu, phế phẩm thu được trong quá
trình sản xuất hàng xuất khẩu khi bán, tiêu thụ nội địa được miễn thuế nhập khẩu
nhưng phải kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TTĐB (nếu có), thuế BVMT (nếu có).
Căn cứ quy định nêu trên, đối với phế
liệu, phế phẩm tạo ra trong quá trình sản xuất, nằm trong định mức thực tế đáp ứng
quy định tại Điều 55 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi,
bổ sung tại khoản 35 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC tiêu
hủy thì không phải kê khai nộp thuế nhập khẩu.
Về thuế GTGT: Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 thì hàng hóa, dịch vụ sử
dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế
GTGT. Trường hợp phế liệu, phế phẩm phải tiêu hủy thì không phải kê khai nộp
thuế GTGT. Doanh nghiệp phải nộp thuế GTGT đối với trường hợp phế liệu bị tiêu
hủy nhưng còn giá trị sử dụng và được tiêu dùng tại Việt Nam theo quy định của
pháp luật về thuế GTGT.
Trường hợp phế phẩm của hàng sản xuất
xuất khẩu nằm ngoài định mức thực tế sản xuất nhưng phải tiêu hủy (hoặc nguyên
liệu, vật tư dư thừa phải tiêu hủy) thì doanh nghiệp phải đăng ký tờ khai thay
đổi mục đích sử dụng kê khai nộp thuế NK theo Điều 21 Thông tư
số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1
Thông tư số 39/2018/TT-BTC nhưng không phải kê khai nộp thuế GTGT đối với
hàng hóa bị tiêu hủy.
Trị giá hải quan đối với hàng hóa
tiêu hủy là trị giá do doanh nghiệp khai báo theo quy định tại khoản
9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính.
Liên quan đến việc áp dụng C/O trong
trường hợp nộp bổ sung thuế nhập khẩu: căn cứ quy định tại Thông tư số
38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, trường hợp Công ty nêu không thuộc
trường hợp được áp dụng C/O để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
2. Trường hợp 2:
Căn cứ khoản 5 Điều
25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản
12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP quy định về việc kê khai nộp thuế đối
với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng.
Căn cứ Điều 21 Thông
tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều
1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC thì việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi
mục đích sử dụng hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện
sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải
quan mới; hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người
nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.
Căn cứ Điều 55 Thông
tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 35 Điều
1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC quy định về định mức hàng gia công, sản xuất
xuất khẩu.
Trường hợp nguyên liệu nhập khẩu để sản
xuất xuất khẩu chưa đưa vào quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu bị lỗi hỏng,
doanh nghiệp chuyển tiêu thụ nội địa thì phải phải đăng ký tờ khai thay đổi mục
đích sử dụng kê khai nộp thuế NK, thuế GTGT theo Điều 21 Thông
tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều
1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Trường hợp doanh nghiệp tiêu hủy nguyên liệu,
vật tư hỏng thì phải kê khai nộp thuế nhập khẩu, không phải kê khai nộp thuế
GTGT.
Trị giá hải quan đối với hàng hóa
tiêu hủy là trị giá do doanh nghiệp khai báo theo quy định tại khoản
9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính.
3. Trường hợp 3:
Căn cứ điểm c khoản
1, khoản 2 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy
định:
"Người nộp thuế đã nộp thuế
nhập khẩu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và
không phải nộp thuế xuất khẩu;
Hàng hóa quy định tại các điểm a,
b và c khoản 1 Điều này được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến”.
Căn cứ điểm a khoản 1
Điều 34 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định
hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập
khẩu (nếu có) và không phải nộp thuế xuất khẩu với điều kiện hàng hóa chưa qua
sản xuất, gia công, chế biến ở Việt Nam. Mã loại hình tờ khai là B13. Trường hợp
của Công ty không phải kê khai nộp thuế xuất khẩu nếu đáp ứng đủ các quy định
nêu trên.
4. Trường hợp 4:
Căn cứ khoản 1, khoản
2 Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định:
Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất,
kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm
ra nước ngoài, hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan, được hoàn thuế nhập khẩu
đã nộp tương ứng với nguyên liệu, vật tư được sử dụng để sản xuất sản phẩm đã
xuất khẩu. Cơ sở để xác định hàng hóa được hoàn thuế thực hiện theo quy định tại
khoản 3 điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
Căn cứ khoản 3 Điều
10 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của
Chính phủ quy định cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai
theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất
khẩu bao gồm cả trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế
quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế giá trị gia
tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế
giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị
gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ
vào tháng, quý tiếp theo. Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia
tăng đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu
đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định
của pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại
địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp
doanh nghiệp đã nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình nhập
kinh doanh sản xuất (A12) sau đó đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất
khẩu sản phẩm ra nước ngoài thì được cơ quan hải quan xem xét hoàn thuế nhập khẩu
đã nộp tương ứng với nguyên liệu, vật tư được sử dụng để sản xuất sản phẩm đã
xuất khẩu. Cơ sở để xác định hàng hóa được hoàn thuế nhập khẩu thực hiện theo
quy định tại khoản 3 điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
Thuế GTGT doanh nghiệp được hoàn hoặc
khấu trừ tại cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.
Câu 2. Công ty
SONGWOL VINA
Công ty chúng tôi nhập khẩu sợi (NPL
chính) để sản xuất khăn loại hình nhập SXXK (E31). Trong một số trường hợp,
chúng tôi phải nhập thêm nhãn tem do khách hàng mua khăn gửi để gắn vào khăn xuất
khẩu. Tiền nhãn tem không thanh toán. Nhãn tem là sản phẩm hoàn chỉnh, không
gia công gì thêm. Sản phẩm khăn công ty chúng tôi xuất khẩu loại hình E62.
Trong trường hợp này, nhãn tem chúng tôi nhập loại hình E31 (mục phương thức
thanh toán khai là không thanh toán) là đúng hay sai?
Trả lời:
Điều 54 Thông tư số
38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (đã được
sửa đổi, bổ sung tại khoản 34 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC
ngày 20/4/2018) có quy định về nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản
xuất hàng hóa xuất khẩu. Theo đó, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất
hàng hóa xuất khẩu gồm “a) Nguyên liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh
kiện trực tiếp tham gia vào quá trình gia công, sản xuất để cấu thành sản phẩm
xuất khẩu; b) Vật tư trực tiếp tham gia vào quá trình gia công, sản xuất nhưng
không chuyển hóa thành sản phẩm hoặc không cấu thành thực thể sản phẩm xuất khẩu;
c) Sản phẩm hoàn chỉnh do tổ chức, cá nhân nhập khẩu để gắn vào sản phẩm xuất
khẩu, để đóng chung với sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư
nhập khẩu hoặc để đóng chung với sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu,
vật tư mua trong nước, nguyên liệu, vật tư tự cung ứng thành mặt hàng đồng bộ để
xuất khẩu...”.
Khoản 2 Điều 70 Thông
tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính
(đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 1 Thông tư số
39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) về sản phẩm xuất khẩu được quản lý theo loại
hình sản xuất xuất khẩu.
Đề nghị Công ty căn cứ quy định nêu
trên để thực hiện đúng quy định.
Câu 3. Công ty
HYOSUNG
[ĐỊNH MỨC]
Hiện trạng:
Theo quy định hiện tại về báo cáo quyết
toán thì lượng chênh lệch dương và âm (số lượng tồn kho thực tế - số lượng trên
chứng từ hải quan) đều phải nộp thuế, phạt và phạt chậm nộp.
- Trường hợp 1: Chênh lệch âm (SL tồn
kho kế toán - SL tồn trên chứng từ HQ): Định mức đăng ký hải quan thấp hơn thực
tế.
- Trường hợp 2: Chênh lệch dương (SL
tồn kho kế toán - SL tồn trên chứng từ HQ): Định mức đăng ký hải quan cao hơn
thực tế sản xuất.
Kiến nghị:
Chấp nhận cho doanh nghiệp có thể xây
dựng định mức thấp hơn định mức thực tế.
Trường hợp 1: Chênh lệch âm:
+ Lượng tồn của kế toán - Lượng tồn
trên chứng từ = Số âm. Trường hợp này, lượng xin miễn thuế ít hơn lượng nguyên
liệu thực tế được miễn. Do đó, đề nghị không truy thu thuế lượng thuế chênh lệch
âm vì doanh nghiệp xin miễn thuế thấp hơn lượng xuất khẩu.
Trường hợp 2: Chênh lệch dương:
+ Truy thu thuế phần chênh lệch (vì định
mức cao dẫn đến đóng thuế thiếu).
Trả lời:
Căn cứ khoản 2 Điều
10, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ
quy định cơ sở để xác định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất
xuất khẩu quy định: Khi quyết toán người nộp thuế có trách nhiệm kê khai trung
thực trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu thực tế sử dụng
để sản xuất sản phẩm gia công xuất khẩu đã được miễn thuế khi làm thủ tục hải
quan.
Căn cứ khoản 39 Điều
1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định tổ chức,
cá nhân phải nộp báo cáo quyết toán tình hình xuất - nhập - tồn kho nguyên liệu,
vật tư nhập khau để gia công, sản xuất xuất khẩu cho Chi cục Hải quan nơi đã
thông báo cơ sở sản xuất theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 25 Phụ
lục II hoặc mẫu số 15 Báo cáo quyết toán/BCQT-NVL-GSQL phụ lục V ban hành kèm theo
thông tư này. Trường hợp phát hiện có sai sót trong việc lập báo cáo quyết toán
thì doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung báo cáo quyết toán trong thời hạn 60
ngày kể từ ngày lập báo cáo quyết toán nhưng phải trước thời điểm cơ quan hải
quan ban hành quyết định kiểm tra báo cáo quyết toán, kiểm tra sau thông quan,
thanh tra.
Căn cứ điểm b khoản 4
Điều 59 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản
39 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT- BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định
trường hợp kiểm tra xác định việc sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị
nhập khẩu không phù hợp với sản phẩm xuất khẩu, định mức thực tế, không phù hợp
với thông tin thông báo cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất, không phù hợp với chứng
từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật
tư, hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân: Cơ quan hải quan
không chấp nhập nội dung khai hải quan và căn cứ hồ sơ hiện có để quyết định ấn
định thuế và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định nêu trên, số lượng
nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu nếu tồn kho nhiều
hơn (chênh lệch dương) hoặc tồn kho ít hơn (chênh lệch âm) so với số liệu đã
báo cáo cơ quan hải quan thì không đủ điều kiện để được miễn thuế nhập khẩu,
doanh nghiệp bị cơ quan hải quan xử lý ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính
theo quy định của pháp luật. Do đó, kiến nghị của Công ty là không phù hợp với
quy định hiện hành.
Câu 4. Công ty
HYOSUNG
[KHAI BÁO SAI LOẠI HÌNH THEO HƯỚNG DẪN
CỦA HẢI QUAN DẪN ĐẾN KHÔNG ĐƯỢC HOÀN THUẾ]
Theo quy định, doanh nghiệp tự khai tự
chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, có những trường hợp doanh
nghiệp khai, hải quan kiểm tra hồ sơ và không chấp nhận nội dung doanh nghiệp
khai và yêu cầu doanh nghiệp khai lại theo hướng dẫn của hải quan. Doanh nghiệp
đã khai lại theo sự hướng dẫn của hải quan.
Sau đó có kết quả giám định mới hoặc
khi kiểm tra sau thông quan thì phát hiện nội dung đã khai chưa đúng dẫn đến
doanh nghiệp bị truy thu thuế, bị phạt hành chính và phạt chậm nộp hoặc không
được hoàn thuế. Cụ thể:
Doanh nghiệp xuất khẩu bán hàng cho đối
tác nước ngoài nhưng bị trả về. Khi doanh nghiệp làm thủ tục tái nhập, hải quan
yêu cầu nhập theo loại hình G12 và doanh nghiệp phải làm theo.
Tuy nhiên, thời gian sau, doanh nghiệp
tiếp tục tái xuất và xin hoàn thuế thì hải quan thông báo không được hoàn do
khai sai loại hình. (Loại hình đúng phải là A31).
Kiến nghị:
- Nếu doanh nghiệp khai theo sự hướng
dẫn của Hải quan và sau này nếu phát hiện sai dẫn đến theo quy định không được
hoàn thì hải quan phải có biện pháp khắc phục để hoàn lại thuế cho doanh nghiệp.
- Trường hợp khai sai dẫn đến phát
sinh tăng tiền thuế, thì đề nghị chỉ truy thu thuế nhưng không phạt hành chính
và không thu tiền phạt chậm nộp.
Trả lời:
1. Về vấn đề doanh nghiệp khai theo sự
hướng dẫn của Hải quan, sau này nếu phát hiện sai dẫn đến theo quy định không
được hoàn thì hải quan phải có biện pháp khắc phục để hoàn lại thuế cho doanh
nghiệp, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Về việc khai báo mã loại hình tờ khai
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã có công văn số
2765/TCHQ-GSQL ngày 01/4/2015 hướng dẫn thực hiện. Hiện nay mã loại hình tờ
khai đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất đã thực hiện ổn định trong nhiều năm
không phát sinh vướng mắc. Trường hợp có phát sinh vướng mắc, doanh nghiệp gửi
văn bản tới Tổng cục Hải quan hoặc cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan để
được hướng dẫn thực hiện.
Đối với trường hợp doanh nghiệp khai
báo sai mã loại hình (do doanh nghiệp được hưởng không bằng văn bản), dẫn đến hồ
sơ không đủ điều kiện hoàn thuế thì cơ quan hải quan không đủ cơ sở để xem xét
hoàn thuế cho doanh nghiệp.
2. Về kiến nghị không tính tiền chậm
nộp:
Khoản 66 Điều 1 Thông
tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung Điều 133 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài
chính quy định:
“1. Người nộp thuế nộp tiền chậm nộp
trong các trường hợp
a) Nộp tiền thuế chậm so với thời
hạn quy định, thời hạn được gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong quyết định ấn
định thuế và văn bản xử lý về thuế của cơ quan có thẩm quyền;
b) Nộp bổ sung tiền thuế thiếu do
khai sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm,
số tiền thuế được hoàn...”
Theo đó, trường hợp người nộp thuế
khai sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì ngoài việc
nộp bổ sung số tiền thuế thiếu còn phải nộp tiền chậm nộp. Đề nghị Công ty
nghiên cứu và thực hiện theo quy định.
Câu 5. KUKDONG
LOGISTIC
Tháng 3 và 4/2019 vừa qua, công ty
chúng tôi có mở sai loại hình của tờ khai nhập khẩu, loại hình đúng là A41 (Nhập
kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư) nhưng chúng tôi khai báo tờ khai với loại
hình H11 (Hàng nhập khẩu khác), và công ty chúng tôi đã hoàn thành thủ tục nộp
thuế VAT tại kho bạc nhà nước và thông quan tờ khai nhập khẩu hoàn tất. Vậy xin
hỏi với loại hình nhập khẩu H11 thì công ty chúng tôi có được hoàn thuế lại tại
địa phương như các tờ khai nhập khẩu loại hình khác hay không? Nếu được thì thủ
tục như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Bảng mã loại hình ban hành kèm
theo công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 01/04/2015 của Tổng cục Hải quan quy định mã
loại hình H11 - Hàng nhập khẩu khác: Bao gồm hàng hóa là quà biếu, quà tặng của
tổ chức, cá nhân ở Việt Nam gửi cho tổ chức cá nhân ở nước ngoài; hàng hóa của
cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và những người làm việc
tại các cơ quan, tổ chức này; hàng hóa viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại;
hàng hóa là hàng mẫu không thanh toán; hàng hóa là hành lý cá nhân của người nhập
cảnh gửi theo vận đơn, hàng hóa mang theo người nhập cảnh vượt tiêu chuẩn miễn
thuế (bao gồm hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới vượt định mức miễn
thuế).
Căn cứ Điều 18 Thông
tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng và các trường hợp được hoàn thuế
giá trị gia tăng; Căn cứ Điều 19 Thông tư 219/2013/TT-BTC
quy định về điều kiện và thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng.
Căn cứ quy định nêu trên mã loại hình
tờ khai H11 áp dụng đối với hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, hàng
hóa nhập kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư mã loại hình tờ khai là A41 phải kê
khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu. Như vậy, việc kê khai mã loại hình H11 là
không phù hợp. Tuy nhiên, số tiền thuế GTGT đã nộp cho cơ quan hải quan vẫn được
kê khai khấu trừ với cơ quan thuế theo quy định tại khoản 1 Điều
18 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan
thuế nơi công ty kê khai nộp thuế GTGT để được hướng dẫn thực hiện.
Câu 6. KUKDONG
LOGISTIC
Sắp tới công ty chúng tôi có nhu cầu
nhập khẩu Túi nhựa Jumbo đã qua sử dụng (Từ nhựa PP) không rõ xuất xứ, nguồn gốc
và nhãn mác không xác định (Mã HS: 6305.3290). Sản phẩm này chúng tôi sẽ sử dụng
để đóng gói hàng gia công xuất khẩu và xuất đi Hàn Quốc (không sử dụng tại thị trường
Việt Nam cũng như nội bộ doanh nghiệp). Trường hợp này chúng tôi có được phép
nhập khẩu về Việt Nam hay không? Nếu được thì công ty chúng tôi có cần phải xin
thêm loại giấy phép gì nữa hay không? Và mở tờ khai nhập khẩu với loại hình
nào?
Trả lời:
Mặt hàng túi nhựa Jumbo đã qua sử dụng
để đóng gói hàng hóa gia công xuất khẩu đi Hàn Quốc (trường hợp không phải là
phế liệu nhập khẩu về làm nguyên liệu sản xuất) xác định mã số HS 6305.3290 thì
không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện. Mã loại
hình E21 (Nhập nguyên liệu để gia công cho thương nhân nước ngoài) sử dụng
trong trường hợp nhập khẩu nguyên liệu để gia công cho thương nhân nước ngoài.
Nguyên liệu thực hiện hợp đồng gia công có thể nhập theo chỉ định của thương
nhân nước ngoài hoặc tự cung ứng từ nguồn nhập khẩu; sử dụng cả trong trường hợp
doanh nghiệp nội địa nhận gia công cho doanh nghiệp chế xuất.