Công văn 1514TC/TCT về triển khai dự toán thu Ngân sách nhà nước năm 2001 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 1514TC/TCT
Ngày ban hành 27/02/2001
Ngày có hiệu lực 27/02/2001
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1514 TC/TCT
V/v triển khai dự toán thu NSNN năm 2001 

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2001

 

Kính gửi:

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Theo báo cáo của ngành thuế, đến nay, nhiều địa phương, một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa giao dự toán thu ngân sách cho các đơn vị trên địa bàn hoặc các đơn vị trực thuộc. Mặc dù tình hình kinh tế có chuyển biến khả quan, nhất là ở một số lĩnh vực kinh tế quan trọng nhưng tình hình thu đạt kết quả không cao. Đến ngày 15/2, số thu NSNN mới đạt được 13,7% so với dự toán thu NSNN năm 2001 được Quốc hội thông qua. Nhiều khoản thu phát sinh từ sản xuất kinh doanh đạt thấp hơn so với cùng kỳ. Đặc biệt là thu thuế CTN-NQD chỉ đạt 13,2% so với dự toán và 98% so với cùng kỳ, thuế môn bài mới chỉ đạt 65,5% so với dự toán và 96% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do có một số địa phương lập bộ thuế chưa sát với thực tế thu nhập từ sản xuất kinh doanh, không đảm bảo mức tăng chung và dự toán Nhà nước giao. Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu Nhà nước giao, Bộ Tài chính đề nghị:

1/ Triển khai giao dự toán thu NSNN chậm nhất trong tháng 2/2001 để đảm bảo các đơn vị thực hiện thu ngay từ đầu năm:

- Tổng số dự toán thu cho các đơn vị trên địa bàn hoặc các đơn vị trực thuộc mức giao tối thiểu phải bằng mức Thủ tướng Chính phủ giao; Đồng thời, giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu thu tối thiểu 5% như đã hướng dẫn tại Thông tư số 09/2001/TT-BTC ngày 18/01/2001 của Bộ Tài chính “hướng dẫn thi hành một số điểm về chủ trương, biện pháp điều hành dự toán NSNN năm 2001”. Đối với các tỉnh, thành phố, mức tăng thu này phải là số cân đối ngân sách địa phương.

- Dự toán thu giao cho các đơn vị trên địa bàn hoặc các đơn vị trực thuộc tổng hợp lại theo từng khu vực kinh tế, từng sắc thuế phải cao hơn hoặc bằng dự toán thu theo từng khu vực kinh tế, từng sắc thuế Nhà nước đã giao.

- Dự toán thu phân bổ phải tạo điều kiện cho các đơn vị đều có thể hoàn thành nhiệm vụ, tránh hiện tượng đơn vị vượt dự toán thu quá cao, ngược lại có đơn vị thực hiện đạt quá thấp.

- Đối với những địa phương chưa có điều kiện giao dự toán thu chính thức thì phải tạm giao dự toán thu.

2/ Các Bộ, Ngành chỉ đạo các doanh nghiệp tìm mọi biện pháp đẩy mạnh tiến độ sản xuất ngay từ đầu năm, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của Nhà nước giao đầu năm; giải quyết tốt khâu tiêu thụ sản phẩm sản xuất. Quyết toán thuế năm 2000 theo đúng thời gian Luật định. Thực hiện nghiêm chỉnh các luật thuế của Nhà nước, kê khai và nộp kịp thời, đầy đủ các khoản thuế cho Ngân sách, không để nợ đọng và chiếm dụng các khoản thu, thuế của Ngân sách.

3/ Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ban, ngành tìm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch thu nộp NSNN năm 2001. Đồng thời, chỉ đạo ngành Tài chính địa phương (Sở Tài chính vật giá, Cục thuế, Chi cục TCDN, Kho bạc) thực hiện tốt một số biện pháp nghiệp vụ trong từng lĩnh vực cụ thể như sau:

a/ Đối với các doanh nghiệp: Kiên quyết không để các doanh nghiệp tuỳ tiện điều chỉnh các khoản thu hoặc giữ lại các nguồn thu phải nộp NSNN.

- Đôn đốc nộp đúng chế độ, nếu doanh nghiệp nào cố tình vi phạm phải tiến hành ra lệnh thu và xử phạt theo Luật.

- Từ 1/1/2001, các Luật thuế mới đã được bổ sung sửa đổi một cách toàn diện, về cơ bản đã tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thuế suất, thủ tục kê khai, miễn giảm và hoàn thuế, nhằm khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, do đó, cần phải thu hết số phát sinh của năm 2001, kiên quyết không để tồn đọng chuyển sang năm 2002. Thu hết số thuế và các khoản nộp ngân sách còn tồn đọng của năm 2000 chuyển qua, số phát hiện qua thanh tra, kiểm tra đã kết luận.

- Kiểm tra công tác hạch toán kế toán, hóa đơn chứng từ với mọi hoạt động SXKD của doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ các loại chi phí trong giá thành và phí lưu thông, kiểm tra chặt chẽ giá bán để xác định đúng doanh thu làm cơ sở cho việc xác định đúng số thuế phải nộp cho NSNN. Tuyệt đối không để cho doanh nghiệp trốn thuế, khai man thuế v.v... Tạo tiền đề tốt để hoàn thành cải cách thuế bước 2.

b/ Đối với các hộ sản xuất kinh doanh CTN-NQD:

- Về chỉ tiêu thu giao cho các quận huyện phải đảm bảo cao hơn chỉ tiêu của Nhà nước giao từ 5% trở lên.

- Thực hiện chống thất thu về đối tượng nộp thuế: Tập trung kiểm tra công tác lập bộ môn bài năm 2001 của các Chi cục thuế, đối chiếu với số hộ lập bộ năm 2000, so với hộ điều tra thống kê. Đồng thời, đối chiếu số tiền thuế lập bộ với dự toán được giao và thực thu năm 2000. Yêu cầu điều chỉnh những bất hợp lý về tổng số hộ, cơ cấu hộ giữa các bậc và tổng số tiền thuế môn bài đã lập bộ.

- Thực hiện chống thất thu về doanh số tính thuế: Kiểm tra việc lập bộ thuế GTGT, thuế TNDN đối với hộ khoán. Đối chiếu mức doanh thu và thuế lập bộ đảm bảo sát với doanh thu thực tế kinh doanh và phù hợp với tăng trưởng kinh tế. Nếu đảm bảo đạt hoặc vượt dự toán thu của tỉnh giao có thể cho phép ổn định mức thuế 6 tháng hoặc cả năm tuỳ từng đối tượng. Nếu còn bất hợp lý, hoặc chưa đạt yêu cầu phải chỉ đạo các Chi cục kịp thời lập lại bộ thuế.

- Triển khai kịp thời công tác kế toán hộ kinh doanh theo hướng mở rộng diện hộ và nâng cao chất lượng việc thực hiện chế độ kế toán tư nhân. Tiến hành giao ngay chỉ tiêu hộ thực hiện kế toán kinh doanh cho các Chi cục thực hiện ngay trong quý I/2001; phối hợp các ngành chức năng áp dụng các biện pháp nhằm đưa hết các hộ có mức thuế môn bài bậc 1, 2 phải thực hiện mở sổ sách kế toán và lập chứng từ hóa đơn đầy đủ.

- Tập trung chỉ đạo và quản lý chống thất thu các hộ lớn, hoạt động XDCB, kinh doanh vận tải, mùa vụ...

c/ Đối với các doanh nghiệp có vốn ĐTNN hoạt động không theo Luật đầu tư nước ngoài: Kiểm tra phát hiện và thu đủ thuế đối với các nhà thầu và nhà thầu phụ, các hoạt động khác không có trong giấy phép hoặc kinh doanh chui, trốn thuế...

d/ Đối với công tác thu phí và lệ phí: Rà soát và nắm lại các loại phí lệ phí do các ngành, các cấp hiện đang thu tại địa phương; nguyên tắc là chỉ được thu các loại phí - lệ phí do các ngành các cấp quy định sau khi được sự nhất trí của Chính phủ về mức thu, mức sử dụng phí - lệ phí thu được; phải sử dụng chứng từ thu do Bộ Tài chính phát hành và mọi khoản thu chi đều phải thể hiện qua NSNN.

Ngoài việc chỉ đạo các cấp các ngành thực hiện tốt một số biện pháp nghiệp vụ như trên, đề nghị các Bộ, các ngành và UBND các tỉnh, thành phố phát động phong trào thi đua trong từng Bộ, ngành, địa phương theo nhiều hình thức như: tuyên truyền, biểu dương khen thưởng và khuyến khích vật chất đối với tổ chức cá nhân chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế, nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ thu Nhà nước giao đầu năm./.

 

 

K/T BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Ninh

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ