Công văn 14483/BTC-TCHQ thời hạn nộp thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu sản xuất xuất khẩu do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 14483/BTC-TCHQ
Ngày ban hành 23/10/2012
Ngày có hiệu lực 23/10/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14483/BTC-TCHQ
V/v thời hạn nộp thuế đối với nguyên liệu NK sản xuất xuất khẩu

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2012

 

Kính gửi:

- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công Thương;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Bộ Tài chính nhận được công văn số 7557/BCT-KH ngày 17/08/2012 của Bộ Công thương, công văn số 3135/BNN-CB ngày 14/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công văn số 151/2012/HHDM ngày 12/09/2012 của Hiệp hội dệt may, công văn số 93/2012/CV-VASEP ngày 06/09/2012 của Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, công văn số 34/CV-2012 ngày 10/09/2012 của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam về thời hạn nộp thuế đối với vật tư nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Bộ Tài chính xin có ý kiến về vấn đề này như sau:

1. Tại Tờ trình Quốc hội số 78/TTr-CP ngày 20/04/2012, Chính phủ đã trình Quốc hội kiến nghị sửa đổi thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật quản lý thuế), theo đó người nộp thuế phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa hoặc phải có bảo lãnh. Thời hạn bảo lãnh tối đa đối với vật tư nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu là 275 ngày, trong thời hạn bảo lãnh, doanh nghiệp nhập sản xuất xuất khẩu không phải trả lãi chậm nộp thuế.

2. Việc sửa đổi thời hạn nộp thuế như dự thảo Luật nhằm đảm bảo tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý thuế; Khắc phục tình trạng chây ỳ, dây dưa, kéo dài việc nộp thuế sau đó bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, gây thất thu, thực hiện thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN;[1] nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế; bảo đảm bình đẳng và góp phần khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu sản xuất trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu, gia tăng giá trị tạo ra ở trong nước đối với hàng hóa xuất khẩu theo chủ trương của Đảng và nhà nước; góp phần đảm bảo lợi ích chung trong công tác chống gian lận nợ thuế đối với những doanh nghiệp có ý thức chấp hành pháp luật chưa cao; Phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam khi tham gia hội nhập. Thực tế, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đều không cho nợ thuế - Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Campuchia, Lào, Canađa …. Một số nước cho chậm nộp thuế nhưng phải có bảo lãnh như Anh, Nhật Bản hoặc cho nộp chậm với điều kiện có tài khoản do cơ quan Hải quan quản lý để đảm bảo việc nộp thuế như New Zealand.

3. Việc sửa đổi quy định về thời hạn nộp thuế đối với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu như dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật quản lý thế khi doanh nghiệp thực hiện bảo lãnh có mức độ ảnh hưởng đến doanh nghiệp không lớn, bởi:

- Theo dự thảo Luật, trong thời gian bảo lãnh, nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất xuất khẩu không phải trả lãi chậm nộp, nên doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ việc sử dụng số tiền thuế thực tế là chậm nộp để đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khi nhập hàng hóa khác phải trả lãi chậm nộp trong thời gian bảo lãnh[2].

- Mức phí bảo lãnh hiện hành các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính đang áp dụng thấp nhất là 0,05%/tháng nếu có ký quỹ bằng tiền mặt hoặc có chứng chỉ tiền gửi; cao nhất bằng 0,29%/tháng nếu không có tài sản thế chấp[3].

- Trong trường hợp doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên và không có tài sản bảo đảm thì để giảm phí bảo lãnh, doanh nghiệp có thể sử dụng L/C của các lô hàng kế tiếp hoặc chính hàng hóa đang làm thủ tục nhập khẩu làm tài sản ký cược bảo lãnh nên không làm phát sinh thêm tài sản ký quỹ. Và thực tế hiện nay nhiều Hiệp hội, Tập đoàn, Tổng công ty … trong hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh của đơn vị đã có tổ chức kinh doanh thuộc lĩnh vực tài chính, tín dụng có chức năng bảo lãnh để thực hiện bảo lãnh, nên doanh nghiệp vẫn có thể chủ động trong việc lựa chọn hình thức, nơi thực hiện bảo lãnh để giảm tối đa chi phí và thủ tục thực hiện bảo lãnh.

- Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, với lượng kim ngạch nhập khẩu cho ngành dệt may, da giày năm 2010, 2011[4]; Khoảng thời gian từ khi nhập khẩu nguyên liệu đến khi thực xuất khẩu sản phẩm của hầu hết các lô hàng đều không đến 275 ngày[5] và chính sách hiện hành (thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu; mức thuế nhập khẩu ưu đãi) liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu cho SXXK[6] nếu tính trên cơ sở kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu năm 2011; thì:

+ Số tiền phí bảo lãnh đối với thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày, bông sợi trong thời gian 90 ngày làm giá thành nguyên liệu nhập khẩu tăng 0,013% (nếu phí bảo lãnh là 0,05%/tháng); tăng 0,075% (nếu phí bảo lãnh là 0,29%/tháng - loại cao nhất không có đảm bảo).

+ Số tiền phí bảo lãnh đối với thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu thủy sản trong thời gian 45 đến 50 ngày làm giá thành nguyên liệu nhập khẩu tăng 0,01% (nếu phí bảo lãnh là 0,05%/tháng); tăng 0,058% (nếu phí bảo lãnh là 0,29%/tháng - loại cao nhất không có đảm bảo).

4. Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội cũng đã họp và cho ý kiến về vấn đề này. Đa số các ý kiến nhất trí với việc sửa đổi theo hướng trên, một số Đại biểu Quốc hội còn đề nghị rút ngắn thời hạn bảo lãnh đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu xuống 180 ngày (thay vì 275 ngày như Dự thảo luật) hoặc theo thời gian quy định của chu kỳ sản xuất hàng xuất khẩu. Để tránh ảnh hưởng đến các lô hàng nhập khẩu cần có khoảng thời gian dài cho dự trữ nguyên liệu theo mùa vụ, Bộ Tài chính đã báo cáo giải trình, đề nghị Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép trình Quốc hội quy định thời hạn bảo lãnh tối đa đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu là 275 ngày như Dự thảo luật, không giảm xuống 180 ngày như một số ý kiến đã nêu và đã được Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2012.

Trân trọng cám ơn sự phối hợp công tác của quý cơ quan.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội (để b.cáo);
- Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội (để b.cáo);
- Lãnh đạo Bộ (để b.cáo).
- Hiệp hội dệt may VN; Hiệp hội bông sợi VN; Hiệp hội chế biến & XK thủy sản (thay trả lời).
- Lưu: VT, TCHQ.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 



[1] Năm 2011, có 311.943 lô hàng NK nguyên liệu SXXK và 5.752 hợp đồng gia công XK.
Mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế, nhưng tính đến ngày 30/9/2012 vẫn còn 5.784 lô hàng XK nguyên liệu SXXK và 961 hợp đồng gia công xuất khẩu chưa thanh khoản, tương ứng với số tiền thuế nợ quá hạn khoảng 1.497 tỷ đồng. Trong đó nợ thuế quá hạn cưỡng chế (quá hạn quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế) khoảng 1.100 tỷ đồng (Nợ thuế chây ỳ của 665 doanh nghiệp nhập SXXK, gia công tự ngừng hoạt động, bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh hoặc đã và đang bị điều tra, khởi tố, không có khả năng thu hồi khoảng gần 500 tỷ đồng của 127 doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài đã bỏ trốn, số tiền hơn 117 tỷ đồng; của 538 doanh nghiệp thuộc đối tượng khác khoảng 383 tỷ đồng. Nợ thuế của doanh nghiệp nhập SXXK, vẫn còn hoạt động nhưng chây ỳ không nộp thuế quá hạn cưỡng chế khoảng 600 tỷ đồng)

[2] Hàng hóa thông thường khác phải trả lãi chậm nộp trong thời gian bảo lãnh là 0,05%/ngày - 0,07%/ngày;

[3] Mức phí bảo lãnh tại NHTMCP ngoại thương Việt Nam: nếu có ký quỹ bằng tiền mặt hoặc có chứng chỉ tiền gửi, là 0,05%/tháng-0,06%/tháng trên trị giá bảo lãnh có mức tối thiểu là 20-30USD. Nếu có bảo đảm bằng tài sản thế chấp, là 0,15%/tháng. Tại Ngân hàng TMCP đầu tư phát triển Việt Nam, nếu có ký quỹ hoặc bảo lãnh bằng hình thức sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi và giấy tờ có giá, là 0,08%/tháng trên trị giá bảo lãnh có mức tối thiểu là 10USD. Nếu bảo lãnh bằng bất động sản hoặc bằng tài sản khác thì mức phí là 0,2%/tháng - 0,25%/tháng. Trường hợp không có tài sản bảo đảm, mức phí bảo lãnh bằng 0,29%/tháng; Phí bảo lãnh là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

[4] Kim ngạch NK 2011 cho SXXK của dệt may, da giày, bông sợi là 5,88 tỷ USD. Kim ngạch NK nguyên liệu cho SXXK của thủy sản, năm 2011, là 541 triệu USD.

[5] Thời gian từ khi XK nguyên liệu dệt may, da giày đến khi XK khoảng 90 ngày; Thời gian NK nguyên liệu thủy sản đến khi XK sản phẩm khoảng 45 ngày.

[6] Nguyên liệu SXXK không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, nên chỉ phải bảo lãnh thuế NK. Mức thuế NK nguyên phụ liệu dệt may, da giày, bông sợi thấp nhất là 0%-5% (bông, xơ, sợi …); Mức thuế nhập khẩu cao nhất là 12% - 30% (vải, phụ liệu), chiếm 69,5% kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2012. Mức thuế nhập khẩu bình quân nguyên phụ liệu dệt may, da giày, bông sợi khoảng 9,3%. Mức thuế NK nguyên phụ liệu thủy sản thấp nhất là 0% (cua, ghẹ, một số loại tôm); Mức thuế NK cao nhất là 10-20% (cá, tôm, động vật giáp xác khác …). Mức thuế NK bình quân nguyên phụ liệu thủy sản khoảng 13,4%.