Công văn 1397/BHXH-VP năm 2023 triển khai cài đặt ứng dụng VNeID và định danh điện tử mức 2 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
Số hiệu | 1397/BHXH-VP |
Ngày ban hành | 15/05/2023 |
Ngày có hiệu lực | 15/05/2023 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Người ký | Chu Mạnh Sinh |
Lĩnh vực | Bảo hiểm,Bộ máy hành chính |
BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1397/BHXH-VP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2023 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Căn cứ Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo; Công văn số 1753/BNV-CCVC ngày 19/4/2023 của Bộ Nội Vụ về triển khai cài đặt VNeID và định danh điện tử mức 2; Thông báo kết luận số 1316/TB-BHXH ngày 09/5/2023 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam; BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc cài đặt ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID và định danh điện tử mức 2 trên VNeID. Cụ thể như sau:
1. Quán triệt trong toàn đơn vị việc đăng ký, cài đặt ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID và định danh điện tử mức 2 trên VNeID là trách nhiệm của mỗi công chức, viên chức và người lao động. Trường hợp cá nhân chưa được cấp căn cước công dân gắn chip điện tử thì cần đến Cơ quan Công an nơi cư trú làm thủ tục để được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ Căn cước công dân.
(Cách thức cài đặt ứng dụng và lợi ích của việc sử dụng định danh điện tử mức 2 trong tài liệu thao khảo tại Phụ lục 1 gửi kèm theo).
Riêng cán bộ tại Bộ phận Một cửa, cần được thực hiện sớm, đảm bảo 100% hoàn thành việc định danh điện tử mức độ 2 để phục vụ cho công tác tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trong trường hợp người dân xuất trình căn cước công dân trên ứng dụng VneID
(BHXH Việt Nam sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện).
2. Chủ động phối hợp với Công an tỉnh, thành phố để triển khai hỗ trợ trực tiếp cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động (CCVC&NLĐ) của đơn vị thực hiện đăng ký, cài đặt ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID và định danh điện tử mức 2 trên VNeID tại trụ sở cơ quan BHXH. Trường hợp cá nhân chưa thực hiện tại cơ quan BHXH thì đến làm trực tiếp tại cơ quan Công an theo quy định.
3. Tổng hợp kết quả báo cáo kết quả thực hiện về BHXH Việt Nam trước ngày 15/6/2023 (Trong đó nêu rõ: Tổng số CCVC&NLĐ của đơn vị; Tổng số CCVC&NLĐ đã được cấp CCCD; Tổng số CCVC&NLĐ chưa được cấp CCCD Tổng số CCVC&NLĐ đã hoàn thành việc cài đặt ứng dụng VNeID mức 2; Tổng số CCVC&NLĐ chưa cài đặt. Lý do chưa cài đặt).
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị BHXH tỉnh, thành phố phản ánh về BHXH Việt Nam (qua Văn phòng) để được hỗ trợ, giải quyết./.
|
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC |
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ; HƯỚNG
DẪN ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ
(Ban hành kèm theo Công văn số 1397/BHXH-VP ngày 15 tháng 5 năm 2023
của Bảo hiểm xã hội Việt Nam)
1. Những điều cần biết về tài khoản định danh điện tử
Tài khoản định danh điện tử là gì: Theo quy định Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, “Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử”.
Tài khoản định danh điện tử được phân loại gồm 02 mức độ:
- Mức độ 1 bao gồm các thông tin: số định danh cá nhân, họ tên, ngày/tháng/năm sinh, giới tính và ảnh chân dung.
- Mức độ 2 bao gồm các thông tin như mức độ 1 và vân tay.
b) Thẻ căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử khác gì nhau?
Tài khoản định danh điện tử có giá trị như thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong quá trình xuất trình các thủ tục hành chính trong giao dịch của người dân (Khoản 8 Điều 13 Nghị định 59/2022/NĐ-CP có hiệu lực quy định: Khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử).
Sự khác nhau giữa thẻ CCCD và tài khoản định doanh điện tử là tài khoản định danh điện tử được xác thực thông tin trên môi trường điện tử, giúp công dân làm thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được đảm bảo của Bộ Công an, nhất là dịch vụ công trực tuyến”.
Tài khoản định danh điện tử có thể được hiểu là “Ví giấy tờ điện tử”, là phương thức quản lý thông tin CCCD hay toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng. Mục đích nhằm thực hiện các dịch vụ công mà không cần phải xác minh lại thông tin cá nhân của người đó. Hiện nay, tất cả giao dịch hành chính của người dân đã được quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính xuất trình các giấy tờ như giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế , đăng ký xe, thẻ CCCD…thì việc sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ thay thế cho việc xuất trình các giấy tờ quan trọng này.
Ở mức độ 2, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử tương đương như việc sử dụng thẻ CCCD (hoặc tương đương hộ chiếu với trường hợp là người nước ngoài) khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD.
Ví dụ như thông tin thẻ bảo hiểm y tế: Tài khoản định danh điện tử sẽ thay thế thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy. Thông tin hiển thị của thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VNeID được xác thực và truy xuất từ cơ sở dữ liệu của BHXH Việt Nam, sẽ phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng khi khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh mà không cần trình thẻ bảo hiểm y tế truyền thống.
Đối với thông tin đăng ký xe, giấy phép lái xe: Các thông tin hiển thị các hạng giấy phép lái xe, đăng ký xe trên VNeID được liên thông, xác thực với cơ sở dữ liệu về giao thông vận tải. Do đó, người dân và cơ quan chức năng có thể sử dụng khi thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ.
Ngoài ra, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh để nhập thông tin về người phụ thuộc, người giám hộ; khai báo lưu trú mọi lúc mọi nơi, không cần phải liên hệ qua cơ quan công an; cũng có thể kiến nghị, phản ánh về an ninh trật tự với cơ quan công an một cách bảo mật, an toàn mà không lộ, lọt thông tin.
c) Công dân đã có CCCD gắn chip thì làm thế nào để có tài khoản định danh điện tử?