Công văn 1392/BNN-CB báo cáo tình hình và giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 1392/BNN-CB |
Ngày ban hành | 25/04/2013 |
Ngày có hiệu lực | 25/04/2013 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Vũ Văn Tám |
Lĩnh vực | Thương mại,Xuất nhập khẩu,Vi phạm hành chính |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
1392/BNN-CB |
Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2013 |
Kính gửi: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Phúc đáp Công văn số 1011/UBKT13 ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội “về việc báo cáo thực trạng và các giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo như sau:
1. Tình hình đấu tranh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mặc dù các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp ở các tỉnh biên giới đã chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng chuyên ngành thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhưng việc đấu tranh ngăn chặn chống sản xuất, buôn bán, hàng giả và nhập lậu hàng hóa từ biên giới phía Bắc vào Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là tại Quảng Ninh và Lạng Sơn. Theo số liệu báo cáo của các đơn vị kiểm dịch, hàng nhập lậu bị bắt giữ và xử lý bao gồm thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, ngoài danh mục, động vật, sản phẩm động vật trên cạn, trong khi đó một lượng không nhỏ thủy sản giống (tôm, cá), cá tầm nhập lậu qua biên giới chưa được các lực lượng chức năng bắt giữ và xử lý. Trên thực tế số lượng hàng hóa nhập lậu còn lớn hơn nhiều so với số lượng đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ và xử lý. Tại biên giới Tây Nam việc nhập lậu đường vẫn xảy ra với khối lượng lớn. Hiệp hội mía đường Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng và tỉnh An Giang bắt được một số lô hàng, song thực tế lượng nhập lậu vẫn chưa khống chế hiệu quả. Việc nhập lậu này gây khó khăn cho tiêu thụ nội địa, ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ mía cho nông dân.
Việc nhập lậu hàng hóa sản phẩm nông sản và vật tư nông nghiệp vào Việt Nam chủ yếu diễn ra ở các đường mòn, đường tắt bên ngoài khu vực cửa khẩu (nơi không có lực lượng hải quan, kiểm dịch hoạt động), tại đó lực lượng Biên phòng mỏng, không thể tuần tra kiểm soát 24/24h. Phương thức nhập lậu hàng hóa chủ yếu là thuê các cá nhân vận chuyển theo hình thức nhỏ lẻ, sau đó thu gom tại các đầu mối và được vận chuyển bằng nhiều hình thức khác nhau chuyển sâu vào trong nội địa. Vì lợi nhuận trước mắt, hoạt động nhập lậu hàng hóa ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, được tổ chức tinh vi như tổ chức lực lượng bảo kê, phân công giám sát các lực lượng chức năng, thay đổi phương tiện vận chuyển, tổ chức người để chống đối, ngăn các lực lượng chức năng, tổ chức cướp, tẩu tán hàng bị bắt giữ, gây ra rất nhiều khó khăn cho các lực lượng kiểm tra, kiểm soát.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ tập trung chỉ đạo tăng cường hoàn thiện các văn bản chỉ đạo hướng dẫn và phối hợp với các ngành chức năng thành lập nhiều đoàn công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành kiểm tra xử phạt các vi phạm hành chính, kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm và vật tư ngành nông nghiệp. Tại tỉnh Lạng Sơn, cuối năm 2010 và năm 2011 sau khi triển khai thực hiện thí điểm xử lý hàng nhập lậu, các lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bắt giữ và xử lý số lượng lớn hàng gia cầm nhập lậu, các đối tượng đã chuyển địa bàn hoạt động, năm 2012 lượng gia cầm nhập lậu bị bắt giữ trên địa bàn Lạng Sơn đã giảm đáng kể.
- Việc chậm kiện toàn hệ thống tổ chức thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra 2010, Luật xử lý vi phạm hành chính dẫn đến hoạt động của thanh tra chuyên ngành nông nghiệp nhất là ở địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
- Việc bắt giữ, xử lý hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc đối với động vật và sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn do quy trình thủ tục, kinh phí trong xử lý tiêu hủy và xử lý nuôi nhốt còn nhiều bất cập, gây khó khăn, phiền toái và gây tâm lý ngại bắt giữ xử lý cho các lực lượng chức năng.
- Việc chậm hoàn thiện các khu cách ly kiểm dịch động vật, kho chứa và tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật tại một số địa phương gây ra nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại của các đơn vị chức năng.
- Đề nghị rà soát, bổ sung hoàn thiện các chế tài xử phạt trong chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1108/CĐ-TTg ngày 31/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không chỉ tại các tỉnh biên giới cửa khẩu mà cả các địa phương nằm sâu trong nội địa để đấu tranh triệt phá các đầu nậu, các điểm tập kết thu gom hàng nhập lậu nhằm ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là đối với thuốc bảo vệ thực vật, động vật, sản phẩm động vật, gia cầm...
- Bố trí kinh phí để xây dựng kho lưu chứa và tiêu hủy các loại thuốc Bảo vệ thực vật bị thu giữ, khu cách ly kiểm dịch động vật và cơ sở giết mổ gia cầm tập trung tại một số địa phương.
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân và các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý việc buôn bán, sử dụng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn.
- Xem xét, đề xuất cơ chế về việc trích lại một phần tiền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực chuyên ngành nông nghiệp để phục vụ cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành.
Trên đây là báo cáo về tình hình và kiến nghị các giải pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu qua biên giới và sản xuất buôn bán hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |