Công văn hướng dẫn thu BHXH đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh

Số hiệu 1328-TC/TQD
Ngày ban hành 26/09/1989
Ngày có hiệu lực 26/09/1989
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1328-TC/TQD

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 1989

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 1328-TC/TQD NGÀY 26-9-1989 HƯỚNG DẪN THU BHXH ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT KINH DOANH

Kính gửi: Sở Tài chính các Tỉnh, Thành phố và Đặc khu trực thuộc TW

Tiếp theo Thông tư số 22 TT/LB ngày 16-6-1989 của Liên Bộ Tài chính - Lao động - thương binh và xã hội về việc "sửa đổi phương thức nộp bảo hiểm xã hội do ngành Lao động - thương binh và xã hội quản lý", Bộ Tài chính hướng dẫn thêm một số điểm về thu BHXH đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh và đơn vị sự nghiệp hạch toán kinh tế độc lập trong khu vực kinh tế quốc doanh như sau:

I. VỀ ĐỐI TƯỢNG NỘP BẢO HIỂM XÃ HỘI

Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11 TT/LB ngày 9-6-1988 của Liên Bộ Lao động - thương binh và xã hội - Tài chính.

Các đơn vị sản xuất kinh doanh và đơn vị sự nghiệp hạch toán kinh tế độc lập (dưới đây viết tắt là các XNQD) các công nhân viên chức (CNVC) thuộc đối tượng phải nộp BHXH có trách nhiệm thực hiện đúng chế độ nộp BHXH.

II. MỨC THU VÀ CĂN CỨ TRÍCH NỘP BHXH

1. Mức thu bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội do ngành Lao động thương binh và xã hội quản lý được tính và hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của các XNQD bằng 10% qũy tiền lương và phụ cấp lương của CNVC, chia ra: Các XNQD được giữ lại 2% làm nguồn kinh phí trợ cấp khó khăn cho CNVC, còn lại 8% nộp vào qũy BHXH.

2. Qũy tiền lương làm căn cứ tính BHXH: Bao gồm các khoản tiền lương và phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 235/HĐBT ngày 18-9-1985, Quyết định số 202/HĐBT và Quyết định 203/HĐBT ngày 28-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 01/TT-LB, số 02/TT-LB ngày 12-1-1989 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội hướng dẫn thi hành Quyết định số 202, 203/HĐBT, khi chế độ tiền lương sửa đổi thì BHXH cũng phải tính theo tiền lương mới.

Trường hợp XNQD gặp khó khăn trong SXKD, CNVC không có việc làm, tạm thời quy định:

- CNVC tạm thời nghỉ việc liên tục dưới 3 tháng thì không phải nộp BHXH.

- CNVC nghỉ việc liên tục trên 3 tháng trở lên thì XNQD phải trích nộp BHXH cho CNVC đó từ tháng thứ tư trở lên.

- CNVC đi học, đi công tác nước ngoài hưởng chế độ tiền lương để lại cho gia đình, tính thu BHXH trên số tiền lương gia đình được hưởng.

III. THỦ TỤC NỘP BHXH

1. Căn cứ kế hoạch nộp BHXH do đơn vị lập đã được cơ quan chủ quản cấp trên duyệt (đồng gửi cơ quan Tài chính cùng cấp) hàng tháng cùng với kỳ trả lương cho CNVC, XNQD nộp chứng từ giấy nộp tiền, gửi đến Ngân hàng nơi đơn vị giao dịch trích tiền nộp vào tài khoản "tiền gửi thu BHXH" của cơ quan Tài chính.

2. Số lần nộp BHXH trong một tháng quy định: đối với XNQD trả lương cho CNVC mỗi tháng 1 lần thì nộp BHXH một lần vào ngày trả lương cho CNVC; XNQD trả lương cho CNVC mỗi tháng hai kỳ trở lên thì nộp BHXH 2 lần, lần một nộp 50% số kế hoạch nộp của tháng, lần hai nộp hết số kế hoạch nộp còn lại của tháng vào ngày trả lương cho CNVC kỳ cuối cùng tháng đó.

3. Về tài khoản thu BHXH: được sự thoả thuận của Ngân hàng Nhà nước TW, các Sở Tài chính - Phòng Tài chính quận, huyện thực hiện mở tài khoản số 229 "Tiền gửi thu BHXH" tại các Ngân hàng cơ sở để theo dõi tiền thu BHXH do các XNQD nộp Tài khoản "Tiền gửi thu BHXH" là tài khoản chuyên dùng chỉ để thu BHXH, bên có: ghi tiền thu BHXH do các XNQD nộp, bên nợ: ghi tiền BHXH đã chuyển vào tài khoản "qũy BHXH" của ngành Lao động thương binh xã hội, số dư có là số tiền BHXH, còn chưa chuyển cho ngành LĐTBXH. Nghiêm cấm các đơn vị sử dụng tài khoản này vào các mục đích khác. Trường hợp ở địa phương đã đã mở tài tài khoản số 229 để theo dõi cho nội dung kinh tế khác thì nay cần thoả thuận với Ngân hàng Nhà nước tỉnh mở thêm tiết khoản để theo dõi riêng về tiền thu BHXH.

4. Chứng từ nộp BHXH sử dụng chứng từ giấy nộp tiền chuyển khoản hoặc tiền mặt như một khoản nộp NSNN do Bộ Tài chính phát hành, giấy nộp tiền BHXH yêu cầu lập thành 3 liên:

- Một liên gửi phòng Tài chính huyện, quận (nếu là XNQD do huyện quản lý nộp) hoặc Sở Tài chính (nếu là XNQD do Trung ương và tỉnh quản lý nộp).

- Một liên giao cho đơn vị nộp BHXH thay bằng giấy báo nợ.

- Một liên do Ngân hàng nơi xí nghiệp nộp tiền giữ.

Các chứng từ phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục quy định.

5. Hàng tháng, quý, năm các XNQD phải quyết toán số BHXH phải nộp, đã nộp với cơ quan Tài chính (Sở, Phòng Tài chính), nếu nộp chưa đủ thì phải nộp hết số còn thiếu vào đầu tháng sau quý sau; nếu đã nộp quá số phải nộp thì đơn vị trừ vào số phải nộp BHXH trong tháng sau, quý sau.

Trường hợp XNQD vi phạm chế độ nộp BHXH như: nộp thiếu, nộp chậm thì ngoài việc phải nộp đủ số BHXH còn thiếu, còn phải chịu thêm khoản tiền phạt bằng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trong từng thời điểm đó trên số BHXH còn thiếu. Khoản tiền phạt này hạch toán trừ vào các qũy xí nghiệp trong năm. Nếu XNQD cố tình vi phạm không có lý do khách quan thì sau thời hạn một tháng cơ quan Tài chính được quyền phát lệnh thu, lệnh phạt về số tiền chậm nộp và khoản tiền phạt do chậm nộp.

Cơ quan Ngân hàng, bưu điện làm cho xí nghiệp bị phạt tiền thì phải bồi thường lại cho xí nghiệp.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN TÀI CHÍNH (HỆ THỐNG TQD) TRONG VIỆC TỔ CHỨC THU BHXH

[...]