Công văn 12662/BCT-XNK về hiệu lực của C/O mẫu D của lô hàng gửi kho ngoại quan do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 12662/BCT-XNK
Ngày ban hành 28/12/2012
Ngày có hiệu lực 28/12/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12662/BCT-XNK
V/v hiệu lực của C/O mẫu D của lô hàng gửi kho ngoại quan

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

Kính gửi: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan)

Bộ Công Thương nhận được công văn số 6487/VINACOMINH-KSH ngày 14/12/2012 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) về việc nhập khẩu nguyên liệu (xút lỏng) phục vụ vận hành nhà máy alumin thuộc Dự án Tổ hợp Bauxit Nhôm Lâm Đồng. Bộ Công Thương xin trao đổi như sau:

1. Nội dung vụ việc

Vinacomin đã ký hợp đồng với Công ty CP Du lịch và Thương mại Vinacomin để cung cấp xút lỏng (NaOH lỏng) với khối lượng 9.000 tấn xút quy đặc (100% NaOH) nhằm phục vụ 03 tháng vận hành thử của Nhà máy alumin thuộc Dự án Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng (do Vinacomin làm chủ đầu tư). Dự kiến nhà máy này sẽ đưa vào vận hành thử từ cuối quý 4/2011.

Công ty CP Du lịch và Thương mại Vinacomin đã ký hợp đồng với Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) nhập khẩu một phần lượng xút trên (6.000 tấn xút quy đặc NaOH).

Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đã đưa 3.400 tấn xút quy đặc về kho ngoại quan Vạn An, TP. Vũng Tàu theo Giấy chứng nhận (C/O) mẫu D số 01133/JKS/2011 do Indonesia cấp ngày 7/11/2011 và ID2011-0160570 do Thái Lan cấp ngày 25/10/2011.

Công ty CP Du lịch và Thương mại Vinacomin dự kiến sẽ thông quan nhập khẩu lô hàng vào đầu năm 2012. Nhưng do một số nguyên nhân khác nhau đến ngày 26/11/2012 nhà máy alumin mới vận hành thử có tải và đến đầu quý I/2013 mới cần lượng xút trên. Vì vậy các C/O mẫu D cấp cho lô hàng nằm tại kho ngoại quan Vạn An hết hạn hiệu lực dẫn đến việc lô hàng phải chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 20% thay vì mức thuế ưu đãi là CEPT 5%.

2. Ý kiến của Bộ Công Thương

Khoản 1, Điều 14, Phụ lục 7, Thông tư 21/2010/TT-BCT ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN quy định C/O có hiệu lực trong vòng 12 tháng kể từ ngày cấp và C/O phải được nộp cho cơ quan Hải quan nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn đó.

Khoản 2, Điều 14 nêu trên cũng quy định trường hợp C/O được nộp cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu sau thời hạn quy định tại khoản 1, C/O vẫn được chấp nhận nếu việc không tuân thủ thời hạn nêu trên là do bất khả kháng hoặc do những nguyên nhân chính đáng khác nằm ngoài kiểm soát của người xuất khẩu.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên dự án alumin Lâm Đồng ban đầu dự kiến vận hành thử vào đầu năm 2012 đã phải lùi thời gian chạy thử vào tháng 11-12/2012 nên việc Công ty CP Du lịch và Thương mại Vinacomin chưa làm thủ tục nhập khẩu lô hàng này vào thị trường nội địa, dẫn đến việc C/O quá hạn được coi là nguyên nhân bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát của người xuất khẩu. Hơn nữa, Dự án Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng là một dự án lớn nên cần có đủ nguyên liệu với giá thành hợp lý để cung cấp cho 03 tháng vận hành thử có tải.

Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xem xét chấp nhận C/O mẫu D quá hạn được các nước Thái Lan và Indonesia cấp cho các lô hàng xút nêu trên.

Xin cám ơn sự hợp tác của quý Bộ.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (thay trả lời);
- Lưu: VT, XNK.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh