Công văn 118TCT/CS Về trả lời vướng mắc liên quan đến chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 118TCT/CS
Ngày ban hành 08/01/2002
Ngày có hiệu lực 08/01/2002
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Phạm Văn Huyến
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118 TCT/CS
V/v Trả lời vướng mắc liên quan đến chính sách thuế

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2002

 

Kính gửi:

- Công ty QC GOLDSUN
- Công ty kem BALi
- Công ty GAGO
- Công ty thu hồi nợ Công Minh

Tổng cục Thuế nhận được câu hỏi, kiến nghị của các doanh nghiệp tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp về chi phí tiền lương khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, kiểm tra quyết toán thuế và văn bản chính sách thuế; về việc này, Tổng cục Thuế xin trả lời như sau:

1/ Về chi phí tiền lương khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp:

- Căn cứ Thông tư số 99/1998/TT-BTC ngày 14/7/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Căn cứ Thông tư số 13/2001/TT-BTC ngày 8/3/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

- Căn cứ hướng dẫn tại Công văn số 687/TCT/NV2 ngày 6/3/2001 của Tổng cục Thuế về việc quyết toán thuế năm 2000.

Thì tiền lương, tiền công, các khoản mang tính chất lương là chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế TNDN được xác định như sau:

Đối với doanh nghiệp Nhà nước: Về nguyên tắc, tiền lương tính vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá đơn giá tiền lương do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với khối lượng công việc đã hoàn thành và chế độ xây dựng đơn giá tiền lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 của Chính phủ về đổi mới quản lý tiền lương, thu nhập trong các DNNN và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đối với các cơ sở kinh tế khác: Chi phí tiền lương, tiền công được tính vào chi phí hợp lý căn cứ vào hợp đồng thoả thuận giữa cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động theo quy định của Bộ luật lao động, đồng thời được đăng ký với cơ quan thuế. Trường hợp lương thực trả thấp hơn lương theo hợp đồng thì chỉ tính theo lương thực trả. Cơ sở kinh doanh nào không có hợp đồng thoả thuận về tiền lương thì tiền lương, tiền công tính trong chi phí hợp lý căn cứ vào mức thu nhập bình quân của từng ngành nghề do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

Trường hợp doanh nghiệp bị loại một phần tiền lương khỏi chi phí hợp lý nếu do cơ quan thuế kiểm tra khi xác định thuế TNDN, cơ quan thuế sẽ ghi cụ thể trong biên bản kiểm tra lý do hoặc do tiền lương trả cao hơn hợp đồng lao động hoặc không có hợp đồng lao động nhưng trả tiền lương cao hơn mức thu nhập do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

2/ Về kiểm tra quyết toán thuế:

Về kiểm tra quyết toán thuế được căn cứ vào các luật, pháp lệnh về thuế trên cơ sở báo cáo quyết toán thuế và sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ của cơ sở kinh doanh. Việc truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế chỉ xảy ra trong trường hợp cơ sở kinh doanh kê khai chưa đúng số thuế phải nộp, chưa nộp đủ số thuế phải nộp theo luật định và bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Việc quyết toán thuế nhằm xác định đúng nghĩa vụ thuế của cơ sở kinh doanh và của người lao động có thu nhập cao trong năm quyết toán. Tiền lương được tính vào chi phí hợp lý để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở kinh doanh khác với tiền lương và thu nhập thực trả cho người lao động mà cơ sở kinh doanh đã hạch toán vào chi phí kinh doanh. Nếu tiền lương và thu nhập mà người lao động nhận được cao hơn mức miễn thu thì phải nộp thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao nộp vào NSNN.

3/ Về văn bản chính sách thuế:

Về ý kiến nêu hiện tại có quá nhiều văn bản hướng dẫn về chính sách thuế. Về việc này Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã cố gắng trong việc rà soát, tập hợp nhằm giảm bớt số lượng văn bản hướng dẫn. Cụ thể: Cuối năm 2000, Bộ Tài chính đã tập hợp, hệ thống hóa các văn bản về thuế giá trị gia tăng thành một Thông tư hướng dẫn chung thay thế cho 27 Thông tư đã ban hành trước đây. Đối với các loại thuế khác, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đang rà soát và tập hợp lại.

Tổng cục Thuế trả lời để các doanh nghiệp được biết.

 

 

KT/TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Văn Huyến