BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1161/BHXH-TCCB
V/v phụ cấp, trợ cấp đối với công chức, viên chức công
tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 03
năm 2013
|
Kính
gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Căn cứ Nghị định số 116/2010/NĐ-CP
ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức
và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh
tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thông tư Liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC ngày
31/8/2011 của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều
của Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối
với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang
công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Sau khi có ý
kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 1566/BTC-HCSN ngày
29/01/2013 và Công văn số 771/BNV-TL ngày 05/3/2013 của Bộ Nội vụ, Bảo hiểm xã
hội Việt Nam hướng dẫn thực hiện như sau:
I. Đối tượng áp dụng
Công chức, viên chức được điều động,
luân chuyển, biệt phái, tiếp nhận, tuyển dụng và người làm
việc theo chế độ hợp đồng lao động, kể cả người tập sự, thử việc, hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của
Chính phủ (sau đây gọi chung là công chức, viên chức) thuộc cơ quan Bảo hiểm xã
hội có trụ sở đóng trên địa bàn:
1. Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa;
DK1.
2. Các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng
bào dân tộc miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp đặc biệt
khó khăn theo hướng dẫn tại Điều 1,
Thông tư Liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC.
3. Các xã không thuộc diện đặc biệt
khó khăn thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày
27/12/2008 của Chính phủ.
II. Các chế độ phụ cấp, trợ
cấp và thanh toán tiền tàu xe
1. Phụ cấp thu hút:
1.1. Đối tượng quy định tại Mục I
Công văn này được hưởng phụ cấp thu hút theo quy định tại Điều
4 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, bằng 70% tiền lương cơ bản,
bao gồm: mức lương ngạch, bậc cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm
niên vượt khung (nếu có).
1.2. Thời gian được hưởng phụ cấp thu
hút là thời gian thực tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt
khó khăn và không quá 5 năm (60 tháng). Thời điểm tính hưởng
phụ cấp thu hút được quy định như sau:
a) Trường hợp đến công tác ở vùng có
điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ tháng 3
năm 2011 trở về trước và hiện nay còn đang công tác ở vùng
đó thì được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ tháng 3 năm 2011;
b) Trường hợp đến công tác ở vùng có
điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sau tháng 3 năm 2011 thì được tính
hưởng phụ cấp thu hút kể từ tháng có quyết định tiếp nhận
của cơ quan có thẩm quyền.
1.3. Cách tính mức tiền và thời điểm
hưởng phụ cấp thu hút, thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản
2, Khoản 3, Điều 3 Thông tư số 08/2011/TTLT-BNV-BTC.
2. Phụ cấp công tác lâu năm
2.1. Đối tượng quy định tại Mục I
Công văn này được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo thời gian thực tế làm việc
ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:
a) Mức 0,5 so với mức lương tối thiểu
chung áp dụng đối với công chức, viên chức có thời gian thực tế làm việc từ đủ
5 năm đến dưới 10 năm;
b) Mức 0,7 so với mức lương tối thiểu
chung áp dụng đối với công chức, viên chức có thời gian thực tế làm việc từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;
c) Mức 1,0 so với mức lương tối thiểu
chung áp dụng đối với công chức, viên chức có thời gian thực tế làm việc từ đủ
15 năm trở lên.
2.2. Thời gian thực tế làm việc để
tính mức tiền phụ cấp công tác lâu năm là tổng thời gian làm
việc có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn, nếu có thời gian đứt quãng thì được cộng dồn, kể cả thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị khác hưởng
lương từ ngân sách nhà nước, trước khi chuyển về ngành Bảo hiểm xã hội, bao gồm:
a) Thời gian làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;
b) Thời gian làm việc trong quân đội nhân dân và công an nhân dân.
2.3. Cách tính mức tiền phụ cấp công tác lâu năm, thực hiện theo hướng dẫn tại
Khoản 3, Điều 4 Thông tư số 08/2011/TTLT-BNV-BTC.
3. Trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng
Đối tượng quy định tại Mục I Công văn
này đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3
năm trở lên đối với nữ và từ 5 năm trở lên đối với nam được hưởng trợ cấp như
sau:
3.1. Được trợ cấp lần đầu bằng 10
tháng tiền lương tối thiểu chung.
3.2. Trường hợp có gia đình chuyển đi
theo, ngoài trợ cấp lần đầu còn được hưởng trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng
lương tối thiểu chung cho hộ gia đình.
3.3. Trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi được tính theo giá vé, giá
cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức
khoán trên cơ sở số km đi nhân với đơn giá phương tiện vận tải công cộng thông
thường (tàu, thuyền, xe ô tô khách).
3.4. Các khoản trợ cấp quy định tại
điểm 3.1, điểm 3.2 và điểm 3.3 Công văn này chỉ thực hiện một lần trong cả thời
gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
4. Trợ cấp tiền mua và vận chuyển
nước ngọt và sạch
4.1. Đối tượng quy định tại Mục I
Công văn này công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
thiếu nước ngọt và sạch theo mùa được trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt
và sạch theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân
dân tỉnh) về vùng thiếu nước ngọt và sạch, thời gian và mức hưởng trợ cấp tiền
mua và vận chuyển nước ngọt và sạch.
4.2. Căn cứ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về vùng thiếu nước ngọt và sạch, số tháng thiếu nước
ngọt và sạch, chi phí mua và vận chuyển một mét khối nước ngọt và sạch để tính
tiền mua nước ngọt và sạch, mức trợ cấp theo hướng dẫn tại Khoản
2 Điều 6 Thông tư số 08/2011/TTLT-BNV-BTC
5. Trợ cấp một lần khi chuyển
công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu
5.1. Đối tượng quy định tại Mục I
Công văn này, đang công tác và có thời gian làm việc thực tế ở vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra
khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu thì được
hưởng trợ cấp một lần đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
5.2. Mức trợ cấp một lần như sau: mỗi
năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ cấp
bằng 1/2 (một phần hai) tiền lương cơ bản, bao gồm: mức lương ngạch, bậc cộng
phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu
có) tại thời điểm chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu.
5.3. Thời gian thực tế làm việc ở
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nếu có tháng lẻ thì được
tính như sau:
a) Dưới 03 (ba) tháng thì không tính;
b) Từ đủ 03 (ba) tháng đến đủ 06
(sáu) tháng thì được tính bằng 1/2 (một phần hai) năm công tác;
c) Từ trên 06 (sáu) tháng đến 12 (mười
hai) tháng thì được tính bằng 01 (một) năm công tác.
6. Thanh toán tiền tàu xe
Trong thời gian công tác ở vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng quy định tại Mục I Công văn
này nghỉ hàng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng được
hưởng lương theo quy định, được thanh toán tiền tàu xe đi
và về thăm gia đình (tứ thân phụ mẫu hoặc gia đình nơi vợ con đang sinh sống),
một năm không quá 03 lần.
7. Trợ cấp tham quan, học tập, bồi
dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
7.1. Đối tượng quy định tại Mục I
Công văn này được cử đi học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham
quan, học tập trao đổi kinh nghiệm ở trong nước thì được hỗ
trợ: tiền mua tài liệu học tập, tiền học phí, chi phí đi lại
theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số
08/2011/TTLT-BNV-BTC, đồng thời không vượt quá mức chi cho công tác đào tạo,
bồi dưỡng công chức, viên chức được quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của
đơn vị.
7.2. Trường hợp hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ, được Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội tỉnh), tổ chức đi tham quan, học tập,
trao đổi kinh nghiệm ở trong nước theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 08/2011/TTLT-BNV-BTC; chi phí tham
quan, học tập trao đổi kinh nghiệm trong dự toán được Bảo
hiểm xã hội Việt Nam phê duyệt.
Thời gian công chức, viên chức được cử
đi học tập bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tham quan, trao đổi kinh nghiệm ở trong nước, theo quy định tại điểm
7.1 và điểm 7.2 trên được xếp loại hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được
tính hưởng tiền lương tăng thêm theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
7.3. Trường hợp tự học và sử dụng
thành thạo tiếng, chữ viết của dân tộc ít người, được hỗ trợ tiền mua tài liệu
và trợ cấp tiền bồi dưỡng cho việc tự học tiếng và chữ viết của người dân tộc
ít người, điều kiện và mức chi cụ thể do Bảo hiểm xã hội tỉnh
tham khảo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và căn cứ hoạt
động nghiệp vụ đặc thù của địa phương để quyết định nhưng không vượt quá mức
chi theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư số
08/2011/TTLT-BNV-BTC.
8. Thời gian không tính hưởng các loại phụ cấp,
trợ cấp
8.1. Đối tượng
quy định tại Mục I Công văn này công tác ở vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không được hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp
quy định trong các khoảng thời gian như sau:
a) Thời gian đi công tác, làm việc, học
tập không ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 01 tháng trở
lên;
b) Thời gian nghỉ việc không hưởng
lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
c) Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp
bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác
hoặc bị tạm giữ, tạm giam.
8.2. Công chức, viên chức nghỉ hưu,
thôi việc hoặc chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn thì thôi hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp theo quy định tại Công văn
này kể từ ngày nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển công tác ra
khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
8.3. Khi Nhà nước đưa các xã, thôn,
buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp nêu tại điểm 1, 2 và 3, Mục I Công văn này
ra khỏi diện vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì chế độ phụ
cấp, trợ cấp đối với công chức, viên chức quy định tại Công văn này cũng dừng
chi trả.
III. Nguồn kinh phí và tổ
chức thực hiện
1. Nguồn kinh phí: kinh phí chi trả các loại phụ cấp, trợ cấp quy định tại Công văn này từ
nguồn chi phí quản lý bộ máy theo các quy định về quản lý tài chính đối với
ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
2. Lập dự toán, chấp hành dự
toán và quyết toán: căn cứ vào nhu cầu kinh phí thực hiện
chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Công văn này, Bảo hiểm xã hội tỉnh lập dự
toán và tổng hợp nhu cầu kinh phí như sau:
2.1. Bảo hiểm xã hội huyện lập dự
toán chi tiết hàng năm về nhu cầu sử dụng kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp, trợ
cấp đối với công chức, viên chức theo biểu số 01, số 02 và số 03 kèm theo Công
văn này, gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh.
2.2. Bảo hiểm xã hội tỉnh thẩm định,
tổng hợp nhu cầu kinh phí trong dự toán chi bộ máy hàng năm của đơn vị, đồng thời
lập dự toán chi tiết theo biểu số 03 kèm theo Công văn này, báo cáo Bảo hiểm xã
hội Việt Nam cùng với dự toán chi hàng năm của đơn vị.
2.3. Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp,
trợ cấp quy định tại Công văn này thuộc các năm 2011 và năm 2012, Bảo hiểm xã hội
tỉnh tổng hợp báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam để bổ sung dự toán chi quản lý bộ máy vào năm 2013.
2.4. Các khoản phụ cấp, trợ cấp quy định
tại Công văn này được hạch toán theo Chương, loại, khoản tương ứng và các mục,
tiểu mục theo quy định tại Khoản 2, Điều 9 Thông tư số
08/2011/TTLT-BNV-BTC.
3. Tổ chức thực hiện:
3.1. Phụ cấp thu hút và phụ cấp công
tác lâu năm được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng.
3.2. Trợ cấp chi trả một lần, bao gồm:
trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra
khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu; trợ cấp
tự học và sử dụng thành thạo tiếng của dân tộc ít người.
3.3. Trợ cấp chi trả hàng năm, bao gồm:
trợ cấp tiền mua nước ngọt và sạch; trợ cấp đi học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp
vụ, ngoại ngữ và tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm ở trong nước.
3.4. Các khoản phụ cấp, trợ cấp quy định
tại Công văn này không được dùng để tính hưởng tiền lương
tăng thêm theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; không dùng để tính đóng,
hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Trên cơ sở hướng dẫn tại Công văn này và các quy định hiện hành về chế độ phụ cấp, trợ cấp đối với
công chức, viên chức đang làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt
khó khăn, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai, phổ
biến đầy đủ các quy định của Chính phủ, Bộ ngành và của Bảo
hiểm xã hội Việt Nam đến các đơn vị trực thuộc và công chức, viên chức toàn đơn
vị.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng
mắc, kịp thời báo cáo về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xem
xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Nội vụ (để b/c);
- Bộ Tài chính (để b/c);
- Hội đồng quản lý BHXH (để b/c);
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó TGĐ;
- Các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam;
- VP Đảng ủy, Công đoàn;
- Website BHXH Việt Nam;
- Lưu: VT, TCCB (15b).
|
KT.
TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Nguyễn Đình Khương
|