Công văn 11456/BTC-NSNN về đẩy mạnh thực hiện giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2019 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 11456/BTC-NSNN
Ngày ban hành 26/09/2019
Ngày có hiệu lực 26/09/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đinh Tiến Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11456/BTC-NSNN
V/v đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2019

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2019

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách nhà nước năm 2019 được triển khai trong bối cảnh đất nước có nhiều điều kiện thuận lợi, song cũng phát sinh không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương chủ động, tích cực tận dụng các cơ hội vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 tạo nền tảng cho việc hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2016-2020.

Nhằm thực hiện mục tiêu trên, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Chỉ đạo các cơ quan có liên quan tại địa phương phối hợp với cơ quan Thuế, Hải quan triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 29/8/2019 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách và nhiệm vụ công tác quản lý thuế năm 2019, trong đó tập trung tăng cường công tác quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, chính sách và pháp luật của nhà nước; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ thu đối với các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thu khác ngân sách...; duy trì và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế tại địa phương; thường xuyên đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu kịp thời.

2. Chỉ đạo cơ quan Tài chính tham mưu giúp Ủy ban nhân dân các cấp quản lý chi ngân sách nhà nước theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; rà soát các chế độ, chính sách an sinh xã hội, nhất là các khoản chi cho con người để đảm bảo chi đúng đối tượng, đúng thời gian theo quy định. Trong đó:

a) Tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Chủ động rà soát để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân vốn cho các dự án, thực hiện điều chuyển theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư từ những dự án không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Chấp hành nghiêm quy định về chế độ báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công;

b) Chủ động điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, tổ chức chi ngân sách theo dự toán, khả năng thu ngân sách và tiến độ thực hiện một số nguồn thu gắn với dự toán chi đầu tư phát triển;

c) Chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương và nguồn ngân sách trung ương bổ sung (nếu có) để thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; không để phát sinh tình trạng chậm, muộn, nợ chế độ, chính sách trên địa bàn.

Các địa phương có nguồn cải cách tiền lương còn dư (sau khi đã đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2019 theo chế độ quy định) phải chủ động sử dụng để đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành trên địa bàn, giảm nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo quy định tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017 - 2020.

Địa phương có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành, trong đó chi tiết kết quả thực hiện đối với từng chế độ, chính sách. Trường hợp phát sinh thừa, thiếu kinh phí so với mức đã bố trí dự toán năm 2019, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý trong quá trình điều hành ngân sách năm 2019 hoặc trong dự toán các năm tiếp theo;

d) Đối với các địa phương được Bộ Nội vụ giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non trong năm 2019 (ngoài biên chế sự nghiệp giáo dục đào tạo đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao), địa phương chủ động cân đối, bố trí kinh ngân sách địa phương để thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Văn bản số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

đ) Quản lý kiểm soát chặt chẽ nợ công; tiếp tục thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp huy động vốn; tiếp tục triển khai giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững; thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ đến hạn phải trả của ngân sách địa phương (cả nợ gốc và lãi); thực hiện vay nợ của ngân sách địa phương đảm bảo không vượt mức vay được Quốc hội quyết định và Thủ tướng Chính phủ giao. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ đề làm thủ tục ký hợp đồng vay lại đối với các dự án vay từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại đã được ký kết Hiệp định;

e) Chủ động dành nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại khoản 4 Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13/9/2019 của Chính phủ. Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể về nội dung này;

g) Quản lý, sử dụng dự phòng ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh đặc biệt là xử lý phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi và một số nhiệm vụ quan trọng cấp bách phát sinh.

Các địa phương chủ động bố trí nguồn dự phòng và Quỹ Dự trữ tài chính ngân sách địa phương để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi theo quy định tại Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trường hợp địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nhu cầu kinh phí vượt quá khả năng cân đối, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có báo cáo cụ thể, gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, xem xét bổ sung một phần kinh phí cho địa phương có nguồn lực để hỗ trợ thiệt hại theo chế độ quy định;

h) Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao, địa phương phải chủ động xây dựng phương án điều hành để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, ưu tiên thực hiện các chính sách, chế độ liên quan con người, an sinh xã hội. Cụ thể:

- Huy động dự phòng ngân sách địa phương và Quỹ Dự trữ tài chính còn lại (nếu có) sau khi đã sử dụng để phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (tối đa nguồn lực để xử lý dịch tả lợn Châu Phi và bù hụt thu là 50% dự phòng ngân sách địa phương và 70% quỹ Dự trữ tài chính).

- Nguồn cải cách tiền lương còn dư - nếu có (sau khi đã đảm bảo nguồn thực hiện tiền lương theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng và các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành phần ngân sách trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đến hết năm 2019.

- Các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương (kết dư ngân sách,...).

- Trường hợp các nguồn nêu trên dự kiến không đảm bảo bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương, phải thực hiện sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán năm 2019 sang năm 2020 và các năm sau; trong đó cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển địa phương trong trường hợp chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết tăng lớn, Ủy ban nhân dân xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân giảm chi đầu tư bố trí từ nguồn cân đối ngân sách địa phương (không kể chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) và tăng tương ứng chi đầu tư từ nguồn tăng thu xổ số kiến thiết và tiền sử dụng đất. Tạo nguồn để cân đối các nhiệm vụ chi thường xuyên do giảm thu ngân sách địa phương.

- Trong quá trình điều hành ngân sách, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải kịp thời báo cáo cấp trên để xem xét, xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

i) Đẩy nhanh tiến độ chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, kể cả chi cho các chế độ, chính sách, nhiệm vụ, đề án theo các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia. Hết năm ngân sách, chỉ được phép chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện những khoản dự toán chi chưa thực hiện được hoặc chưa chi hết theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; khoản 5, Điều 1 Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ. Số còn lại phải bị cắt, hủy dự toán. Trung ương không xem xét chuyển nguồn hay bổ sung để đảm bảo cho các khoản chi này. Địa phương phải chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ phát sinh trên địa bàn trong năm 2020.

3. Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công; thúc đẩy cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo tinh thần các Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII); Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn.

4. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai và giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của các cơ quan kiểm toán, thanh tra.

Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm và chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTg Vương Đình Huệ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- STC các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, NSNN (70b).

BỘ TRƯỞNG




Đinh Tiến Dũng

 

[...]